Sách nói của Việt Nam thu hút du khách tại hội sách Frankfurt

Hội sách Frankfurt phản ánh rất rõ những xu thế, cập nhật của xuất bản thế giới. Do đó, các đơn vị xuất bản khi tham dự vừa có thể học hỏi, vừa có thể quảng bá sản phẩm của mình.

 Anh Nguyễn Luận trước Frankfurte Buchmesse Pavilion - nơi diễn ra các hội thảo và triển lãm chính tại hội sách. Ảnh: NVCC.

Anh Nguyễn Luận trước Frankfurte Buchmesse Pavilion - nơi diễn ra các hội thảo và triển lãm chính tại hội sách. Ảnh: NVCC.

Bén duyên với xuất bản từ năm 2015 dù trước đó theo học ngành tài chính - ngân hàng, Nguyễn Luận đã 6 lần tham dự hội sách Frankfurt. Khung chương trình chung của hội sách tuy không đổi qua các năm, nhưng mỗi năm đều khiến người làm xuất bản "chộn rộn lòng" vì những cuộc gặp gỡ, những biến chuyển mới.

Từ Frankfurt, anh chia sẻ với Tri thức - ZNews những quan sát ở vị trí một người có kinh nghiệm làm công tác bản quyền cho cả đơn vị sách giấy lẫn sách nói.

- So với những lần trước tham dự, anh thấy Hội sách năm nay có điểm mới mẻ, khác biệt gì?

- Là hội sách lớn nhất thế giới, quy tụ hơn 300.000 con người đến từ 4.000 nhà xuất bản ở hơn 95 quốc gia, Frankfurt luôn là dịp để các đơn vị xuất bản Việt Nam đến để học hỏi, cập nhật những chủ đề mới nhất cũng như mua bán và giao dịch bản quyền.

Bên cạnh sự đa dạng về đề tài, hội sách năm nay đẩy mạnh nhiều hoạt động networking (giao lưu - PV) cho các khách mời tham gia bằng nhiều buổi hội thảo, giao lưu với đa dạng các chủ đề.

Những chủ đề được nhấn mạnh nhất vẫn là: sự phát triển của công nghệ và AI; audiobook và các chiến lược phát triển và đặc biệt là sự sôi động đến từ Diễn đàn châu Á (Asia Stage) với rất nhiều talk show và hội thảo liên tiếp - vốn là một nét mới của Frankfurt năm nay.

- Điều gì làm anh ấn tượng nhất và kỳ vọng nhất ở hội sách năm nay?

- Với quy mô lớn nhất thế giới của mình thì Hội sách Frankfurt luôn gây ấn tượng và choáng ngợp cho người tham gia. Đến đây cùng Voiz FM, một đơn vị sách nói, chúng tôi rất kỳ vọng vào sự kiện chia sẻ về chiến lược kinh doanh audiobook của 2 công ty sách nói lớn nhất hiện tại là Penguin Random House và Audible.

Một tín hiệu đáng mừng là sách nói ngày càng được bạn đọc xem như một giải pháp tiếp cận kiến thức, nội dung nhanh chóng, tiện lợi mà vẫn đảm bảo chất lượng cho bạn đọc.

- Được biết năm nay Voiz FM đến tham dự hội sách cùng đoàn TP.HCM. Đơn vì của anh đã chuẩn bị ra sao?

- Mọi năm chúng tôi tham gia với vai trò khách tham dự để giao dịch cùng các đối tác quốc tế. Năm nay Voiz FM hân hạnh được tham gia tại Gian hàng của Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM.

Các công việc chuẩn bị cho gian hàng đã được lên kế hoạch từ cuối tháng 8. Chúng tôi cố gắng tạo cho khách thăm gian hàng một hình dung rõ nét nhất về Voiz FM và các tính năng của ứng dụng. Quá trình chuẩn bị, vận chuyển và thiết đặt gian hàng đôi khi cũng khá mệt mỏi và căng thẳng, nhưng khi kết nối với những đối tác mới, tôi thấy thật xứng đáng.

 Anh Nguyễn Luận với khách quốc tế tại gian hàng của Voiz FM tại Hội sách Frankfurt năm nay. Ảnh: NVCC.

Anh Nguyễn Luận với khách quốc tế tại gian hàng của Voiz FM tại Hội sách Frankfurt năm nay. Ảnh: NVCC.

- Đơn vị có "gặt hái" được thành quả gì từ việc có mặt tại Hội sách?

- Gian hàng của Voiz FM thu hút nhiều sự chú ý từ các tác giả và một số nhà xuất bản đến từ Anh, Canada và Ấn Độ. Đặc biệt, một số đơn vị xuất bản đã chủ động tìm đến chúng tôi để đặt vấn đề kinh doanh các tác phẩm sách truyện của họ trên định dạng sách nói.

Tôi nghĩ đây là một hướng đi mới của trong việc hợp tác bản quyền với các nhà xuất bản trong một số thể loại sách nhất định nhằm đưa các tác phẩm đến với bạn đọc trong thời gian nhanh nhất mà vẫn đảm bảo chất lượng. Đồng thời cũng là một hướng hợp tác và kinh doanh mới mà Voiz FM sẽ cân nhắc trong tương lai.

- Lần đầu Việt Nam có một gian hàng lớn, hội tụ nhiều đơn vị cùng xuất hiện trong một không gian. Anh nghĩ việc này có ý nghĩa ra sao với ngành xuất bản nước nhà và Việt Nam có thể làm gì để đẩy mạnh hoạt động này hơn nữa?

- Hiện tại, sự hiện diện của ngành xuất bản Việt Nam tại Frankfurt đã trở thành thường niên, các gian hàng cũng tăng dần về diện tích, quy mô cũng như số lượng các tựa sách và nhà xuất bản tham gia.

Mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành khách mời danh dự tại Hội sách Frankfurt. Để đạt được điều này, tôi cho rằng chúng ta cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ chuyển ngữ tác phẩm tiếng Việt ra các ngôn ngữ khác, giới thiệu với bạn đọc thế giới. Thông qua các chương trình tài trợ mà những nền xuất bản tiên tiến hiện nay như Pháp, Đức hay ở khu vực châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan (TQ) đang làm rất tốt điều này.

Ngoài ra, tại Diễn đàn châu Á (Asian stage) năm nay, tôi nhận thấy sự tham gia tích cực của Philippines - vốn sẽ là khách mời danh dự vào năm 2025.

Vì vậy, bên cạnh việc hiện diện tại Frankfurt, tôi nghĩ rất cần khuyến khích các nhân sự, đơn vị từ Việt Nam đóng góp cho xuất bản thế giới thông qua việc chia sẻ các ý kiến, đề xuất ở các buổi hội thảo và thuyết trình trong các kỳ hội sách sắp tới.

Phong Khang

thực hiện

Nguồn Znews: https://znews.vn/sach-noi-cua-viet-nam-thu-hut-du-khach-tai-hoi-sach-frankfurt-post1504951.html