Sách quý giúp học sinh vùng sâu hăng say học tập
Sáng 21/9, 'Hành trình từ Trái tim' tiếp tục vượt hàng chục cây số di chuyển bằng xuồng qua nhiều kênh rạch chằng chịt, ngoằn ngoèo để mang tri thức đến học sinh vùng sâu tỉnh Hậu Giang.
Gian nan đến trường
Từ thành phố Vị Thanh, trung tâm của tỉnh lụy Hậu Giang chạy dọc theo kênh xáng Xà No. Đoàn hành trình len lỏi theo những con kênh rạch chằng chịt hàng chục cây số để đến trường tiểu học Trường Long Tây 3, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) tặng hàng nghìn quyển sách quý đổi đời cho các em học sinh.
Kênh xáng Xà No dài 40 km, bắt đầu từ Vàm Xáng, sông Cần Thơ chạy dài tới sông Ba Voi (Hậu Giang) trước khi đổ ra biển Tây Nam. Con kênh được người Pháp thi công trong 2 năm (từ 1901 - 1903) hoàn thành. Từ ấy, cả vùng đất hoang vu "dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua" trở thành những cánh đồng lúa bạt ngàn và được mệnh danh là con đường lúa gạo nổi tiếng xứ Nam kỳ.
Lão nông Bảy Đắc là dân sống cố cựu ở xứ này cho biết, vùng này có đặc trưng là kênh rạch chằng chịt. Bởi vì, từ sông chính Xà No, thì cứ 1 km là người Pháp cho đào một kênh lớn, còn 500 m là đào kênh nhỏ hai bên giống như xương cá để thoát nước, tháo chua, rửa phèn cho đồng ruộng.
Những chiếc vỏ lãi vừa cập bến, nhiều phụ huynh khi chứng kiến hành trình về vùng sâu của quê mình đã rất cảm động. Bà Bùi Kim Phương, 47 tuổi ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) chở con trai học lớp 3 trên xe đạp cọc cạch đến trường nhận sách. Bà Phương nói: "Dân địa phương tụi tôi rất mừng khi Hành trình đến tận nơi để tặng các cuốn sách quý như thế này".
Vợ chồng bà có 2 đứa con, mấy chục năm nay sống trên chiếc ghe lênh đênh khắp các ngõ ngách vùng sông nước để mưu sinh; lấy ghe làm nhà cứ thế mà đã 2 thế hệ. Hàng ngày, vợ chồng bà đi vô vùng sâu tận vườn mua chuối rồi chở đi Rạch Giá hay vùng miệt thứ bán lại để sống qua ngày. Cuộc sống cứ rày đây mai đó trên sông nước nên không có điều kiện cho con ăn học. Đứa lớn học chưa lớp 6 cũng đã phải cho nghỉ để theo cha buôn bán. Chính cuộc sống lênh đênh trôi theo dòng nước, tương lai vô định, mệt mỏi nên vợ chồng bà quyết định che tạm căn chòi ở khoảnh đất trống cặp mé sông để ở và cho con nhỏ đi học. "Đời mình đã khổ, nếu cứ lênh đênh sông nước thì tụi nhỏ sẽ dốt; bao năm lam lũ đến về già chẳng dư đồng nào nên vợ chồng tôi cho con út đi học với hy vọng sau này con đỡ khổ", bà Phương bộc bạch.
Với những quyển sách mà Hành trình từ Trái tim mang đến, niềm vui hiện rõ trên gương mặt hốc hác của bà. "Bây giờ chỉ có kiến thức thì may ra mới có cơ hội thay đổi cuộc sống. Hành trình không chỉ mang đến cơ hội tiếp cận kiến thức của riêng con tôi mà còn giúp rất nhiều trẻ em khác có thêm kỹ năng và vốn sống để bước vào đời", bà Phương chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Bé Tư ở ấp Trường Thuận A, xã Trường Long Tây nhà không cục đất chọi chim. Hằng ngày chồng đi làm thuê, còn bà ở nhà chăm sóc, đưa đón 2 con nhỏ đi học. "Ở đây sông rạch, nguy hiểm nên không dám để con đi một mình nên lúc nào lúc đưa đón cho an toàn", bà Bé Tư nói. Mỗi ngày hơn 5 giờ sáng là bà dậy chuẩn bị lo cơm nước cho chồng rồi bơi xuồng đưa con đi học. Cứ thế từ ngày ngày đến ngày khác với hy vọng con cái sau này đỡ khổ.
Gia đình bà Bé Tư có 6 anh em, đều có gia đình riêng và nghèo nên 5 gia đình trong anh em bà đều kéo nhau lên Bình Dương làm thuê, chỉ còn duy nhất vợ chồng bà ở quê. Theo bà Bé Tư, lý do không rời quê là muốn cho con ăn học để sau này có tương lai tươi sáng. "Nếu đem con lên Bình Dương, ngoài việc thuê nhà trọ, ăn uống sinh hoạt thì tiền gửi nhà trẻ, học phí đắt đỏ. Khi ấy có làm hết sức lực thì cũng chẳng dư giả gì", bà Bé Tư tâm sự.
Tiếp thêm động lực cho học sinh
Cô Nguyễn Ngọc Anh Thư, Giáo viên Tổng phụ trách Đội trường tiểu học Trường Long Tây 3 cho biết, hầu hết các em đều rất muốn đọc những cuốn sách quý để có được kiến thức; tuy nhiên do điều kiện đi lại khó khăn nhiều em vẫn chưa thể tiếp cận, trong khi số lượng đầu sách trong thư viện của trường còn hạn chế. Vì vậy, ngay sau khi nhận được bộ sách do Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ lựa chọn trao tặng sẽ tạo động lực cho các em phấn đấu học tập, đặc biệt là thay đổi về tư duy.
Trường có 8 lớp với 211 học sinh nhưng phần lớn là con em gia đình ở vùng sâu. Ở đây điều kiện đi lại mặc dù đường sá thông thoáng, lộ nhựa liền ấp nhưng vùng này nhiều kênh rạch, các em đi xuồng ghe rất nhiều. Đồng thời, cha mẹ các em bỏ xứ đi làm thuê xa để lại cho ông bà chăm sóc nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động học sinh đến lớp.
Với cô Thư, điều trăn trở nhất là các em đi học bằng xuồng, trở ngại nhiều thứ. "Các em rất muốn đi học nhưng hoàn cảnh không cho phép đành nghỉ giữa chừng để theo cha mẹ đi làm thuê. Thậm chí có em khao khát học đến nỗi xin nghỉ 1 năm để theo cha mẹ đi làm rồi trở về học tiếp", cô Thư nghẹn ngào nói.
Thầy Nguyễn Trung Em, Hiệu trưởng trường tiểu học Trường Long Tây 3 cho biết thêm, mặc dù xã đạt chuẩn nông thôn mới nên các tiêu chí về đường giao thôn nông thôn cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, các em ở sâu, đường không đến tận nhà, đi lại vô cùng khó khăn đã ảnh hưởng đến việc học cũng như công tác giảng dạy của trường. "Những quyển sách mà hành trình mang đến giúp các em có thêm kiến thức, đặc biệt là sẽ giúp cho các em hăng say học tập", thầy Trung Em chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Vương, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Châu Thành A nói rằng, khoảng 5 năm nay đường sá mới cơ bản được bê tông hóa, chứ trước đây vô cùng gian nan, nhất là vào mùa mưa. Để tiếp thêm động lực cho các em học sinh, đầu năm học này ngành giáo dục đã vận động hàng nghìn quyển sách, tập viết, quần áo, xe đạp để động viên các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.