Sách Tiếng Việt lớp 1: 'Ma trận của ngành giáo dục'

Cử tri cho rằng, bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay là gánh nặng cho tất cả học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Sáng 11-10, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 6 gồm ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Phạm Khánh Phong Lan và ĐB Nguyễn Việt Dũng đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 10, QH khóa XIV.

Tại đây, nhiều cử tri nêu ý kiến về vấn đề sách giáo khoa, chương trình học của học sinh lớp 1.

Cử tri Phan Văn Lực mang dẫn chứng về sách giáo khoa lớp 1 lên trình bày với ĐBQH. Ảnh: LÊ THOA

Cử tri Phan Văn Lực mang dẫn chứng về sách giáo khoa lớp 1 lên trình bày với ĐBQH. Ảnh: LÊ THOA

Cho học sinh lớp 1 "gánh" nhiều sách là bóc lột

Cử tri Phan Văn Lực, ngụ phường 13 nêu: “Các bậc cha mẹ đang tá hỏa khi khai giảng năm nay mỗi học sinh lớp 1 đã phải chi hơn 800.000 đồng cho 26 đầu sách. Một học sinh lớp 1 sao có thể gánh nổi trọng lượng 26 cuốn sách này chứ. Việc 26 đầu sách đè lên vai một học sinh lớp 1 có phải là cách để kiếm tiền không?”.

Cử tri Lực cho rằng phụ huynh, học sinh đang lạc vào ma trận của ngành giáo dục. Việc cho học sinh gánh quá nhiều sách như đang bóc lột trẻ em qua việc dạy chữ trong khi tuổi này đang còn là tuổi ăn chơi, cần học tập, nghỉ ngơi đúng cách.

“Tôi mong tư lệnh ngành giáo dục cần nghiên cứu cẩn trọng hơn, không nên vội vã” – ông Lực nói.

Cử tri Đỗ Thị Kim Thanh, ngụ phường 13 thì nói: “Các cháu lớp 1 có cần mang theo sách nặng thế không. Có nhiều ý kiến cho rằng có lợi ích nhóm trong việc này. Chúng ta hay nói làm sao để không có cháu nào thất học nhưng trong tình hình này thì sẽ có nhiều người không đủ điều kiện cho con đi học”.

Sách Việt nhưng đưa truyện nước ngoài vào

Tại hội trường, cử tri Ngô Thanh Lan, ngụ phường 27 đã mang bộ sách giáo khoa lớp 1 lên phản ánh với ĐBQH về các nội dung trong sách. Nội dung phản ánh của bà Lan đã được đông đảo cử tri trong hội trường vỗ tay đồng thuận.

Cử tri Ngô Thanh Lan mang sách Tiếng Việt 1 lên trình bày với ĐBQH. Ảnh:LÊ THOA

Cử tri Ngô Thanh Lan mang sách Tiếng Việt 1 lên trình bày với ĐBQH. Ảnh:LÊ THOA

“Sách Tiếng Việt lớp 1 ghi nội dung yêu cầu học sinh phải đọc hiểu các sáng tác văn học,… còn sách Âm nhạc bảo giúp các em hình thành, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc…. Những vấn đề này làm sao đứa trẻ mới 6 tuổi có thể làm được” – cử tri Lan đặt vấn đề.

Đưa tập Tiếng Việt 1 lên, cử tri Lan chỉ ra trong sách đang sử dụng một số từ ngữ địa phương, không mang tính phổ thông.

“Sách đưa hình quả dưa hấu nhưng lại ghi dưa đỏ trong khi chúng ta có sự tích dưa hấu, đưa hình con gà trống và con gà mái rõ ràng như thế nhưng lại ghi là gà ri…. Thậm chí kho tàng cổ tích Việt Nam rất nhiều nhưng sách lại đưa truyện cổ dân gian của nước ngoài cho học sinh lớp 1. Sao chúng ta dạy cho con em yêu tiếng Việt, yêu dân tộc Việt mà lại đưa truyện nước ngoài vào...” – bà Lan trình bày.

Bà dẫn chứng tiếp: “Sách còn mượn truyện ngụ ngôn của La Fontaine trong khi truyện này rất khó hiểu vì có ẩn ý đằng sau. Thậm chí truyện của La Fontaine chỉ có truyện "ve và kiến", thì trong sách lại biến thành "ve và gà" rồi còn nói là do Minh Hà kể”.

Cử tri Ngô Thanh Lan cũng cho rằng: “Bộ sách giáo khoa lớp 1 năm nay là gánh nặng cho tất cả học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Học sinh đã học được hơn hai tháng nhưng giáo viên vẫn loay hoay đánh vật với tiết dạy. Có em mang balo bảy kí sách đi học, phụ huynh rất đau lòng chạy lại giúp con mang balo lên lầu. Tôi mong tình trạng này phải được giải quyết”.

Bà cũng bức xúc cho rằng hiện nay nhà trường đang buôn bán sách giáo khoa và dụng cụ học sinh, nói với phụ huynh không được mua sách ở ngoài. “Trường học nháo nhào lên như chợ mà quên nhiệm vụ dạy và học” – bà Lan nói.

Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh trả lời ý kiến người dân. Ảnh: LÊ THOA

Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh trả lời ý kiến người dân. Ảnh: LÊ THOA

Về vấn đề này, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh khẳng định, quận đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT triển khai đến các trường không có chủ trương bán sách giáo khoa cho học sinh lớp 1.

“Quận thực hiện theo chỉ đạo của Sở, chỉ phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký cho trường, để Phòng GD&ĐT đăng kí cho Sở GD&ĐT, còn trường không bán sách vì sách được bán nhiều ở nhà sách” – bà Nga khẳng định.

Trả lời ý kiến của cử tri, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đã ghi nhận tất cả ý kiến. Bà nhấn mạnh bức xúc của cử tri cũng là bức xúc của nhiều ĐBQH. Về các ý kiến liên quan đến vấn đề sách giáo khoa lớp 1, ĐB Lan sẽ gửi lên nghị trường QH.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đã ghi nhận tất cả ý kiến của cử tri. Ảnh: LÊ THOA

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đã ghi nhận tất cả ý kiến của cử tri. Ảnh: LÊ THOA

Liên quan đến việc bán sách trong trường học, ĐB Lan nói thêm: “Trường học chắc chắn không phải là chợ mà phải thực hiện đúng môi trường giáo dục. Tôi làm trong ngành y tế, nhân đây chúng ta phải phải cảnh tỉnh, vì không khéo giáo dục và y tế sao nhãng nhiệm vụ chính của mình mà mua bán, phân phối vật chất, sách vở, thuốc men. Việc này sẽ làm sai đi, sao nhãng đi mục tiêu của ngành”.

Dân đợi mỏi cổ để hưởng hỗ trợ COVID-19

Cử tri Đỗ Thị Kim Thanh, ngụ phường 13 nêu ý kiến về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo cử tri Thanh, thời gian qua thủ tục rất nhiêu khê, khi làm danh sách thì cấp trên hối, đến khi đưa danh sách lên thì bị cắt đi. Người được hỗ trợ, người lập danh sách, người rà soát đều rất cực.

Cử tri Đỗ Thị Kim Thanh nêu bức xúc về việc nhận hỗ trợ do dịch COVID-19. Ảnh: LÊ THOA

Cử tri Đỗ Thị Kim Thanh nêu bức xúc về việc nhận hỗ trợ do dịch COVID-19. Ảnh: LÊ THOA

Có người ở Châu Đốc không có tiền đi xe khách về quê xin giấy xác nhận đành phải đi xe máy về, rồi nhìn mỏi cổ để tìm tên mình và rồi nhận được một triệu đồng.

“Tại sao lại bắt dân đi xin xác nhận ở quê, thế là rất khó khăn cho dân. Chả lẽ đồng chí không tin những cánh tay nối dài của mình” – bà Thanh nói.

Về việc này, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh cho biết để lấy xác nhận ở nơi thường trú ngoài TP.HCM, người dân không nhất thiết phải tự đi mà có thể gửi qua đường bưu điện.

Vừa qua, quận đã hỗ trợ xong gói I với trên 11.000 hộ. Gói II hiện đã được nộp hồ sơ về UBND TP, dành cho một số hộ thuộc diện khó khăn và chỉ hỗ trợ tháng 4-2020.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/sach-tieng-viet-lop-1-ma-tran-cua-nganh-giao-duc-943271.html