Sạch từ đất, xanh từ ý thức
Ngành cà phê Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn trong quản lý chất thải và sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực từ cấp cơ sở, nơi người nông dân bắt đầu nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, đang mở ra con đường phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt. 'Sạch từ đất, xanh từ ý thức' - đó không chỉ là một thông điệp, mà còn là chìa khóa để cà phê Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Người dân thu hoạch cà phê tại vùng nguyên liệu theo quy trình chọn lọc quả chín
• RỦI RO TỪ VẬT TƯ RẺ
Năm 2024, ngành cà phê Việt Nam đạt sản lượng xuất khẩu 1,32 triệu tấn, mang về kim ngạch 5,48 tỷ USD. Đây là con số ấn tượng, cho thấy vai trò chủ lực của ngành trong cơ cấu nông sản xuất khẩu. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấy là thực tế: quá trình sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào vật tư giá rẻ, thiếu kiểm soát, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng phân bón hóa học đã và đang để lại hậu quả lâu dài cho đất đai, nguồn nước và hệ sinh thái nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn, điều này tác động trực tiếp đến chất lượng hạt cà phê - yếu tố sống còn trong một thị trường ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ.
Ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhận định: Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV bị cấm đang gây hậu quả nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, các bao bì, chai lọ thuốc không được thu gom, xử lý đúng quy chuẩn đã trở thành mối đe dọa không chỉ với môi trường mà còn với sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh các thị trường lớn như: EU, Mỹ hay Nhật Bản siết chặt tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc, những rủi ro này có thể khiến cà phê Việt đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Chỉ một sai sót trong quy trình sản xuất cũng có thể khiến cà phê Việt mất cơ hội xuất khẩu. Vì vậy, phát triển bền vững không chỉ là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để ngành cà phê tồn tại và phát triển.
• PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỪ NHỮNG HÀNH ĐỘNG NHỎ
Trước những cảnh báo và yêu cầu từ thị trường, nông dân tại Tây Nguyên - vùng sản xuất cà phê chủ lực đã bắt đầu thay đổi rõ nét trong cách làm nông nghiệp. Các chương trình đào tạo, tập huấn về sử dụng vật tư an toàn, thu gom và xử lý chất thải đúng cách đang dần thay đổi nhận thức, hành vi sản xuất tại cơ sở. Không còn chạy theo số lượng, người làm cà phê ngày càng hiểu rằng, chỉ khi sản phẩm sạch từ gốc, giá trị của hạt cà phê mới được công nhận trên thị trường quốc tế.
Theo ông Phạm Quang Trung - Trưởng đại diện Tổ chức Diễn đàn Cà phê Toàn cầu (GCP) tại Việt Nam, hành động nhỏ từ nông dân là chìa khóa cho sự thay đổi này. Thay đổi không đến từ điều lớn lao, mà từ từng việc cụ thể: thu gom bao thuốc BVTV, hạn chế thuốc diệt cỏ hóa học hoặc canh tác đúng hướng dẫn kỹ thuật. Những điều tưởng nhỏ nhặt ấy lại tạo nền tảng cho ngành cà phê sạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Việc áp dụng các mô hình sản xuất như: “Cà phê hữu cơ”, “Cà phê bền vững” đang được khuyến khích mạnh mẽ. Các chương trình của tổ chức quốc tế như Rainforest Alliance, UTZ đã triển khai rộng rãi tại nhiều vùng trồng cà phê ở Việt Nam. Sự hỗ trợ này giúp nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác xanh và nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, nhất là trong giảm thiểu sử dụng thuốc hóa học. Tuy nhiên, sản xuất cà phê sạch không thể chỉ là nỗ lực đơn phương từ phía nông dân. Để tạo chuỗi giá trị bền vững, cần có sự phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh vai trò của các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xây dựng mô hình sản xuất đạt chuẩn. Đây là những đầu mối giúp kết nối nông dân với thị trường, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, vật tư và đảm bảo đầu ra. Để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức lại sản xuất là điều kiện tiên quyết. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hợp tác xã kết nối với doanh nghiệp, cung cấp giải pháp sản xuất an toàn, bền vững. Sự đồng hành này giúp nông dân yên tâm chuyển đổi, đồng thời thúc đẩy nhân rộng mô hình xanh ở các vùng trồng cà phê khác.
Các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển đổi, áp dụng công nghệ chế biến hiện đại và tổ chức thu mua theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra và thu hút các nhà nhập khẩu từ Mỹ, EU, Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa họ không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, mà còn đồng hành với nông dân trong việc nâng cao giá trị cà phê Việt Nam.
Phát triển bền vững không còn là khái niệm xa vời, mà hiện diện trong từng hành động nhỏ của người làm cà phê, từ giữ gìn đất sạch, nước sạch đến tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Khi tư duy xanh được lan tỏa, khi trách nhiệm với môi trường và cộng đồng trở thành chuẩn mực, hạt cà phê Việt sẽ không chỉ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mà còn là biểu tượng của một nền nông nghiệp hiện đại, nhân văn và có tầm nhìn dài hạn.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/sach-tu-dat-xanh-tu-y-thuc-5272674/