Sacombank sẽ dùng hết lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức trong năm 2024
Sáng ngày 25-4, Sacombank đã tổ chức ĐHCĐ tại TPHCM để thông qua kế hoạch hoạt động năm 2023.
Theo báo cáo của Sacombank, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của NH là 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước, đạt 120% kế hoạch. Lợi nhuận trước trích lập đề án đạt 19.940 tỷ đồng, tăng 57,5%.
Tổng tài sản của NH chính thức vượt mốc 591.900 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 438.700 tỷ đồng (tăng 13%) theo đúng hạn mức được phân bổ, chiếm 3,6% thị phần tín dụng toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,93%, giảm 0,55% so với đầu năm. Cũng trong năm 2022, Sacombank đã huy động 519.100 tỷ đồng, tăng 11,8%, đạt 101% kế hoạch
Tuy nhiên, theo đại diện HĐQT, dù ghi nhận được kết quả khá tích cực nhưng Sacombank vẫn chưa thể chia cổ tức cho cổ đông do đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Trong phần thảo luận, cổ đông Sacombank chất vấn vì sao hoạt động của NH đã tốt lên, giá cổ phiếu đã hồi phục nhưng vẫn chưa chia cổ tức. Nhiều cổ đông đề nghị: "NH đã có lãi thì nên chia cổ tức cho cổ đông".
Trả lời vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, hiện nay, NH đang tái cơ cấu, đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất của ông Trầm Bê. Sacombank đã trình NHNN phương án mua lại số cổ phiếu đó để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, NH mới được chia cổ tức. NH xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu, để sang năm cổ đông không phải than phiền về việc chia cổ tức nữa.
Ông Dương Công Minh cho biết thêm: "Sacombank đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của NHNN. Nếu được chấp thuận, NH sẽ dùng 100% lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức".
Về định hướng kinh doanh năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với thực hiện năm trước, tổng tài sản đạt 657.800 tỷ đồng (tăng 11%). Trong đó, tổng dư nợ tín dụng kỳ vọng đạt 491.600 tỷ đồng (tăng 12%), khống chế nợ xấu dưới 2%. Về huy động, Sacombank kỳ vọng đến cuối năm 2023, tổng huy động sẽ đạt 574.600 tỷ đồng (tăng 11%).
Phía NH cũng cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, thông tin liên quan tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được nhà đầu tư quan tâm nhiều. Theo HĐQT Sacombank, kể từ ngày 14-3-2014 đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được ĐHCĐ Sacombank thống nhất là 30%.
Tuy nhiên, sau khi Sacombank phát hành 400 triệu cổ phiếu STB để sáp nhập NH TMCP Phương Nam, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã điều chỉnh đưa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB về mức 23,6% đến ngày 31-5-2021 VSD lại điều chỉnh đưa tỷ lệ này về mức 30%.
Vào ngày 10-3-2023 vừa qua, VSD đã gửi cho Sacombank công văn ghi nhận thiếu sót đối với việc điều chỉnh như trên.
"Sacombank là công ty đại chúng, kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu STB luôn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chủ trương của Sacombank muốn cơ cấu cổ đông đa dạng để tạo động lực phát triển, vì vậy NH ghi nhận tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB ở thời điểm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ", đại diện HĐQT Sacombank chia sẻ.