'Tác dụng' bất ngờ từ chính sách của thuế quan của Tổng thống Trump với châu Âu
Khi Mỹ thắt chặt thương mại, châu Âu lại tìm thấy cơ hội thúc đẩy hội nhập, cải cách thị trường và thu hút đầu tư.

Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo trang tin châu Âu Euronews.com, mặc dù khu vực đồng euro đang đối mặt với nguy cơ suy thoái vào giữa năm 2025, một báo cáo mới đã chỉ ra những lợi ích tiềm tàng mà các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể mang lại cho nền kinh tế châu Âu trong dài hạn.
"Liều thuốc" thúc đẩy hội nhập châu Âu
Trong bối cảnh các quốc gia trên toàn cầu đang điều chỉnh lại luật lệ thương mại sau những xáo trộn do thuế quan của Mỹ gây ra, báo cáo chiến lược của công ty nghiên cứu đầu tư BCA nhận định rằng, trớ trêu thay, chính sách của chính quyền Trump lại đang đóng vai trò như một "liều thuốc" thúc đẩy sự thống nhất thực sự của thị trường chung châu Âu.
Mathieu Savary, chiến lược gia trưởng của BCA về châu Âu, nhấn mạnh: "Thật trớ trêu, Tổng thống Trump đang làm nhiều hơn bất kỳ ai để thúc đẩy sự thống nhất của EU từ trước đến nay".
Báo cáo "Trump The Unifier" (Trump - Người thống nhất) của BCA cho rằng, mặc dù châu Âu khó tránh khỏi suy thoái, nhưng sự hỗ trợ tài chính phối hợp, chính sách tiền tệ nới lỏng từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và động thái thúc đẩy hội nhập mới "sẽ làm dịu đi tác động và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn".
Tuy nhiên, trước mắt, châu Âu đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Nền kinh tế khu vực đồng euro đang chịu ảnh hưởng bởi sự bất ổn, niềm tin kinh doanh suy yếu và chi tiêu giảm sút. GDP của khu vực này chỉ tăng trưởng khiêm tốn 0,1% trong quý IV/2024.
BCA dự báo rằng thuế quan và sự bất ổn sẽ đẩy nền kinh tế vốn đã mong manh này vào suy thoái trong ít nhất hai quý liên tiếp vào khoảng giữa năm 2025. Ủy ban châu Âu ước tính thuế quan có thể làm giảm 0,2% GDP của khu vực đồng euro vào năm 2027. Trong kịch bản xấu hơn, nếu thuế quan được áp dụng lâu dài, con số thiệt hại này có thể lên tới 0,5%-0,6% trong ba năm.
Cơ hội đàm phán "đôi bên cùng có lợi"
BCA dự kiến các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ sẽ diễn ra khó khăn, tập trung vào các rào cản phi thuế quan như quy định về quyền riêng tư thông tin (GDPR), quy định về Kho lưu ký chứng khoán trung ương (CSDR) và Chính sách nông nghiệp chung.
Tuy nhiên, EU có lợi thế đàm phán khi Mỹ xuất khẩu nhiều dịch vụ sang EU hơn so với chiều ngược lại, với tổng thương mại song phương trong lĩnh vực này đạt 746 tỷ euro vào năm 2023.
Một biện pháp có thể giúp EU đạt được thỏa thuận là nếu khối này đề nghị mua thêm năng lượng từ Mỹ. Chiến lược gia Savary lưu ý rằng "một thỏa thuận thương mại sẽ phụ thuộc vào việc châu Âu nới lỏng một số quy tắc danh nghĩa, nhưng quan trọng nhất là mua thêm nhiều năng lượng từ Mỹ".
Mỹ muốn tăng sản lượng năng lượng, trong khi châu Âu đang tìm kiếm nguồn nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) giá cả phải chăng khi xây dựng một cơ sở tái hóa khí LNG khổng lồ ở bờ biển phía Bắc để đáp ứng nhu cầu trên toàn khối.
Nhà chiến lược Savary gọi đây là tình huống đôi bên cùng có lợi: “Đối với Mỹ, việc có một khách hàng khí đốt tự nhiên ổn định là một chiến thắng. Đối với châu Âu, việc được cung cấp đầy đủ khí đốt tự nhiên là một chiến thắng”.
Để đối phó với tình trạng suy giảm niềm tin kinh doanh và chi tiêu, BCA kỳ vọng các quốc gia như Đức sẽ triển khai các gói kích thích tài chính. ECB cũng có thể cắt giảm lãi suất và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng (QE) để bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế.
EU cũng đang xem xét đa dạng hóa thương mại, tăng cường quan hệ với Ấn Độ, Canada, Mỹ Latinh và Anh để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ.
Trong dài hạn, chính sách của Tổng thống Trump có thể thúc đẩy EU hoàn thiện thị trường chung, loại bỏ các rào cản phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Theo IMF, các rào cản này tương đương với mức thuế 44% đối với hàng hóa và 110% đối với dịch vụ.
Việc triển khai Liên minh thị trường vốn (CMU), hay Liên minh tiết kiệm và đầu tư (SIU), cũng là một bước tiến quan trọng. SIU đặt mục tiêu khai thác tiền tiết kiệm tư nhân để đầu tư vào châu Âu và hợp lý hóa các quy định tài chính.
Tóm lại, mặc dù chính sách của Tổng thống Trump gây ra những thách thức ngắn hạn, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội để châu Âu đẩy nhanh quá trình hội nhập, cải thiện năng suất trong dài hạn.