Sagri bị buộc thoái vốn khỏi công ty con

Kết luận thanh tra đối với dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM mới đây đã hé lộ những lùm xùm liên quan đến việc góp vốn vào công ty con của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).

Theo kết luận do Thanh tra TP.HCM công bố đầu tháng 5/2020, về pháp lý, dự án đã được chuyển giao từ Sagri và CTCP Quốc tế C&T (viết tắt là Công ty C&T) sang CTCP Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc (viết tắt là Công ty Vĩnh Lộc).

Dự án đã kéo dài 16 năm, qua 3 chủ đầu tư, nhưng đến vẫn chưa được lập quy hoạch chi tiết, tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch 1/2000 chậm, chưa chọn đơn vị tư vấn…

Cơ quan thanh tra chỉ rõ, đồ án quy hoạch chung Công viên sinh thái văn hóa du lịch Vĩnh Lộc được phê duyệt từ năm 1997.

Đây là dự án có quy mô diện tích lớn, Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Sagri hợp tác để thành lập pháp nhân mới nhằm mời gọi đầu tư.

Tuy nhiên, các trình tự, thủ tục pháp lý và quá trình thay đổi pháp nhân mới… bị kéo dài.

Về việc thành lập Công ty Vĩnh Lộc, theo kết luận, vào ngày 12/10/2007, Sagri ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty C&T.

Tuy nhiên, việc hợp đồng này ký trước khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM là không đúng trình tự, thủ tục, không đảm bảo tỷ lệ vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

Hậu quả là hợp đồng không thể triển khai, Sagri phải hoàn trả tiền tạm ứng giá trị lợi thế thương mại và số tiền lãi 289,5 triệu đồng.

Liên quan tới vấn đề giá trị lợi thế thương mại, việc hợp tác giữa hai bên trên cơ sở góp vốn bằng tiền (không phải góp vốn bằng quyền sử dụng đất) và phần diện tích 221/277 ha chưa được cấp giấy chứng nhận, nên việc xác định giá trị lợi thế thương mại là không có cơ sở.

Mặt khác, Công ty Vĩnh Lộc chưa thực hiện góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập theo quy định, các giấy xác nhận góp vốn vào ngày 5, 6, 7 tháng 8/2009 là chưa đúng.

Đến năm 2011, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 353/QĐ-UBND về việc ngừng thực hiện dự án.

Vì thế, Công ty Vĩnh Lộc không có đủ cơ sở pháp lý để làm việc với các tổ chức tín dụng để vay vốn, chưa cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn vốn triển khai dự án.

Theo báo cáo và hồ sơ do Sagri cung cấp, Tổng công ty đã lựa chọn Công ty C&T là đơn vị có năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện các dự án.

Sau khi ký hợp đồng hợp tác, cả hai chưa góp đủ vốn vào Công ty Vĩnh Lộc. Số vốn 6 tỷ đồng Sagri góp vào là do Công ty C&T cho vay.

Cơ quan thanh tra cho rằng, trong giai đoạn được giao làm chủ đầu tư, Sagri không đủ tiềm lực để thực hiện dự án. Hồ sơ còn thể hiện, Công ty C&T tạm ứng nhiều chi phí liên quan dự án, trong đó chi riêng cho hoạt động của Công ty Vĩnh Lộc là 96 tỷ đồng (chi phí lương chiếm 94 tỷ đồng).

Như vậy, thời gian triển khai hợp tác thể hiện Công ty C&T có quan tâm theo đuổi dự án. Tuy nhiên, Sagri và Công ty C&T lại không thống nhất được hoạt động quản trị, cũng như các chi phí liên quan, đặc biệt là khi dự án đã ngừng, nhưng chi phí hoạt động (lương) vẫn tăng.

Khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 353, việc xử lý các khoản chi phí thực hiện dự án chưa được xem xét, dẫn đến phát sinh các chi phí duy trì hoạt động doanh nghiệp, ảnh hưởng tới quyền lợi nhà đầu tư.

Cơ quan thanh tra kiến nghị, Sagri phải thực hiện thoái vốn tại Công ty Vĩnh Lộc. Các phát sinh nếu có (về tỷ lệ góp vốn, chi phí…) với Công ty C&T, Công ty Vĩnh Lộc do tòa án giải quyết. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có thiếu sót.

Dự án Khu sinh thái văn hóa hồ Vĩnh Lộc đã “treo” gần 2 thập kỷ. Công ty Vĩnh Lộc kiến nghị muốn tiếp tục triển khai dự án, nhưng đề xuất này không có cơ sở xem xét. Cơ quan thanh tra cho rằng, Công ty C&T nếu có nhu cầu thực hiện dự án có thể được xem xét theo hình thức xã hội hóa.

Hà Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/sagri-bi-buoc-thoai-von-khoi-cong-ty-con-post239268.html