Sài Gòn có chợ Dân Sinh
Bữa rồi, máy hút bụi cầm tay nhà tôi bị gãy tay cầm. Lên mạng tìm thông tin, chỉ toàn sửa chữa, không bán phụ kiện. Mấy cửa hàng bảo trì, có địa chỉ nhưng tới nơi đã đóng cửa từ trong dịch Covid-19. Tìm mãi, có chỗ bán, nhưng yêu cầu chuyển khoản ngay, giá khá cao. Sợ mua về ráp không vào, trả không xong, nên chần chừ.
Có người bạn thân mách nước “ra chợ Dân Sinh, thứ gì cũng có”. Đúng thế thật, giá chỉ một phần ba, mua phần bị gãy giá chưa tới một phần tư. Đổi hàng thoải mái, không có bảo hành nhưng chủ quầy sẵn sàng chỉnh sửa giúp. Đảo một vòng chợ, ngỡ ngàng vì sự phong phú và nhiều thứ bất ngờ khác. Không có chuyện “đốt phong long”. Nhà vệ sinh tươm tất, sạch sẽ, không thu phí.
Ngay tên gọi đã rất khác. Chợ dân sinh, viết thường, là chợ loại 3; quy mô nhỏ; do xã phường quản lý, bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân tại chỗ. Chợ Dân Sinh viết hoa, chỉ Sài Gòn mới có. Có người bảo “Dân Sinh là đọc trệch từ Yersin” (mặt tiền chợ là đường Yersin).
Chợ ở trung tâm quận 1, rộng hơn 5.000 mét vuông; bao quanh các đường Yersin, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, Ký Con. Theo Sở Công Thương thành phố, Sài Gòn hiện có hơn 200 chợ truyền thống đang hoạt động, được định danh chưa kể các chợ chồm hổm, chợ chạy, chợ tự phát… Mỗi chợ có nét riêng, mang dấu ấn đời sống văn hóa người dân bản địa. Vào chợ, có thể hình dung nhịp sống, mức thu nhập, thói quen tiêu dùng… của cư dân.
Chợ nào cũng có những mặt hàng chủ lực. Có chợ chuyên vài mặt hàng và chợ tổng hợp đủ loại. Chợ thường đi đôi với sự nhộn nhịp bán, mua; săm soi, trả giá. Chợ Dân Sinh Sài Gòn khác hẳn. Người mua ít hơn nhưng vẫn đầy sức sống. Nhiều phụ kiện hàng cũ, khách tìm mua đỏ mắt khắp nơi không thấy nhưng đến chợ Dân Sinh sẽ có.
Trước 1975 chợ chuyên bán đồ quân trang, quân dụng cũ và mới của quân đội Mỹ cùng một số hàng tiêu dùng. Năm 1974, tôi đã đến chợ vài lần để tìm mua giày vì giá rẻ, chất lượng, mang tiếng đồ cũ nhưng còn mới.
Thời bao cấp là giai đoạn cực thịnh của chợ Dân Sinh. Chợ nổi tiếng đồ đạc thượng vàng hạ cám, gì cũng có, kể cả những đồ vật quân sự hay vật dụng của những người di tản để lại.
Từ những năm 1990 chợ Dân Sinh xuất hiện nhiều mặt hàng mới và đào thải theo quy luật phát triển kinh tế. Chủ sạp 45 có tên là Chị Hai Bình Thủy, dù bình thủy đã biến khỏi sạp gần 20 năm nay. Bên cạnh hàng mới, hàng cũ vẫn khẳng định sức sống. Tôi mê nhất là các sạp bán đồ dã ngoại, đồ đi phượt và những vật dụng “một thời vang bóng” của miền Nam thăng trầm, dâu bể; níu giữ biết bao kỷ niệm xưa. Sau dịch, khoảng 20% sạp đóng cửa, vẫn chưa thể hoạt động trở lại.
Chợ không nhộn nhịp nên chủ sạp thân thiện, thoải mái trò chuyện, hỏi han về lai lịch những món hàng xưa, có khi là hàng nhái nhưng vẫn đậm nét hoài niệm. Hầu hết các chủ sạp là dân Sài Gòn. Lối đi trong chợ hơi hẹp nhưng ngăn nắp. Là địa chỉ tin cậy, cung cấp phụ kiện thay thế các vật dụng trong gia đình, nhất là hàng “cổ”, chừng 10 năm tuổi trở lên.
Du khách ghé chợ Dân Sinh để dạo chơi, sống lại những hồi ức cũ, tìm mua nhiều mặt hàng độc đáo làm quà lưu niệm. Vừa rồi, tôi mua được cái bàn là mini bé tẹo, nặng chưa tới 250 gam, nhỏ như bàn tay em bé, có thể mang theo bên mình.
Chợ nào cũng phải trả giá, trừ khách quen. Chợ Dân Sinh cũng vậy nhưng nói thách vừa phải. Một số mặt hàng bán đúng giá. Có bán lẻ và bán sỉ. Có những khách quen, khoái cảm giác cà kê vãn chuyện, nên thường xuyên lui tới. Người Việt ở nước ngoài ghé chợ để tìm lại không gian hoài niệm xưa. Dù kinh doanh ngày càng khó khăn nhưng nhiều chủ sạp vẫn thủy chung vì cả đời gắn với chợ và muốn góp sức gìn giữ ký ức thời gian của Sài Gòn.
Chợ độc đáo và đáng yêu nhưng chưa nhiều người biết, nhất là du khách. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, chuẩn hóa dịch vụ. Quan trọng nhất, Ban Quản lý chợ (không riêng gì chợ Dân Sinh) cần chủ động và năng động hơn, tinh gọn bộ máy; tìm hiểu nhu cầu và cách tiếp cận mới đến khách hàng.
Tận dụng các phương tiện truyền thông và quan hệ để quảng bá, bán hàng online, nối kết các công ty lữ hành… Làm được vậy, chợ Dân Sinh sẽ là điểm hẹn kỳ thú của du khách.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/sai-gon-co-cho-dan-sinh/