Sài Gòn được đổi tên thành TP.HCM khi nào?

Sài Gòn - Gia Định được đổi lại theo tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng đến nay vẫn được sử dụng phổ biến trong các ngữ cảnh không chính thức.

1. Sài Gòn - Gia Định được đổi tên thành TP.HCM khi nào?

Năm 1945
Năm 1946
Năm 1975
Năm 1976

Chính xác

Ngày 2/7/1976, Quốc hội quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời đặt lại tên cho Sài Gòn - Gia Định thành TP.HCM theo tên vị Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tính đến nay, thành phố đã gần 50 năm “rực rỡ tên vàng” như câu thơ của Tố Hữu.

2. Ai là người ký nghị quyết về việc đặt lại tên?

Tôn Đức Thắng
Trường Chinh
Nguyễn Hữu Thọ
Lê Quang Đạo

Chính xác

Trường Chinh là người ký nghị quyết về việc chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là TP.HCM. Nghị quyết nêu: “Xét rằng nhân dân thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người;

Xét rằng, trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại;

Sau khi thảo luận đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp Quốc hội, quyết nghị chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh”.

3. Ai là người đầu tiên đưa ra ý tưởng đổi tên này?

Trần Hữu Nghiệp
Trần Công Tường
Nguyễn Tấn Gi Trọng
Nghiêm Chưởng Châu

Chính xác

Ngày 25/8/1946, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đưa ra ý tưởng lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho Sài Gòn - Gia Định. Ông cho biết ở những nước lớn hay lấy tên những vị anh hùng để đặt cho một thành phố lớn.

Bác sĩ Nghiệp đề nghị, để ghi lấy công đức của Hồ Chủ tịch, thành phố Sài Gòn đổi tên là TP.HCM. Toàn thể mọi người tán thành đề nghị của bác sĩ Nghiệp và đồng ký vào bản quyết nghị thay tên thành phố Sài Gòn gửi lên Chính phủ.

Bản quyết nghị viết: “Xin Quốc hội và Chính phủ trung ương đổi ngay tên thành phố Sài Gòn lại làm tên thành phố Hồ Chí Minh, để tượng trưng sự chiến đấu, hy sinh và cương quyết trở về với Tổ quốc của dân Nam bộ”. 57 người đã ký tên, đứng đầu là bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

4. Vị tướng nào khai sinh ra đất Sài Gòn?

Nguyễn Hữu Dật
Trần Quang Khải
Nguyễn Hữu Cảnh
Nguyễn Huy Lượng

Chính xác

Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), quê Quảng Bình, là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật, nổi tiếng văn võ song toàn, cùng theo cha chinh chiến khắp nơi, lập nhiều công lao. Lịch sử ghi nhận ông từng nhiều lần đem quân dẹp nhà Chiêm Thành quấy nhiễu phương Nam.

Tháng 2/1698, Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn Phúc Chu phong làm Kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông. Vị thống soái lập ra phủ Gia Định với hai huyện Phước Long (xứ Đồng Nai, có dinh Trấn Biên) và Tân Bình (xứ Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ, có dinh Phiên Trấn). Đây cũng là cột mốc được lấy làm năm khai sinh Sài Gòn – TP.HCM ngày nay.

5. Sài Gòn được người Pháp mệnh danh là gì?

Hòn ngọc Biển Đông
Hòn ngọc Viễn Đông
Paris Phương Đông
Paris Viễn Đông

Chính xác

Sài Gòn được người Pháp mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” trong số những thuộc địa của họ. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh. Giai đoạn này, Sài Gòn từ thành phố hoang vu, được gọi là thị trấn giữa rừng (Prei Nokor) đã được người Pháp đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sai-gon-duoc-doi-ten-thanh-tp-hcm-khi-nao-2231385.html