Năm 1698, tướng Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định và hai huyện Phức Long, Tân Bình. Vùng Đông Nam Bộ được sát nhập vào cương vực Việt Nam. Sài Gòn được thành lập vào thời gian đó. Tháng 7/1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất đổi tên Sài Gòn thành TP.HCM.
Ban đầu, chợ Bến Thành nằm bên bờ sông Bến Nghé. Năm 1912, người Pháp chuyển chợ về khu vực hiện tại. Trước năm 1975, tên gọi "chợ Bến Thành" thường chỉ xuất hiện trong sách vở. Người dân thường gọi khu này là chợ Sài Gòn hay chợ Mới để phân biệt với chợ ở địa điểm cũ.
Sau khi nhà thờ Đức Bà đầu tiên rơi vào tình trạng hư hại nặng, tháng 8/1876, Thống đốc Nam Kỳ Duperre tổ chức cuộc thi thiết kế nhà thờ mới. Vượt qua 17 bản thiết kế, tác phẩm của kiến trúc sư Jules Bourard với phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét phong cách kiến trúc Gothic đã được chọn.
Hầm Thủ Thiêm được thiết kế với 6 làn xe và có tổng chiều dài 1.490 m. Công trình này nằm dưới đáy sông, cách mặt nước 24 m. Tốc độ xe lưu thông trong hầm đạt 60 km/h. Công trình có thể chống động đất mạnh 6 độ richter và có tuổi thọ 100 năm.
Sau khi chiếm Nam Kỳ, các thống đốc quân sự Pháp quyết định xây khu thương cảng Sài Gòn để làm đầu mối thông thương với quốc tế. Ngày 4/3/1863, người Pháp khởi công xây dựng bến Nhà Rồng. Ngoài tên "bến Nhà Rồng", người ta từng gọi nơi này là "Sở Ông Năm" hoặc "Sở Canh tuần tàu biển".
Khánh thành vào ngày 31/10/2010, Tháp Tài chính Bitexco là công trình cao thứ 4 của Việt Nam, sau Landmark 81, Keangnam Hanoi Landmark Tower và Lotte Center Hanoi. Công trình gồm 68 tầng và 3 tầng hầm. Tính đến ăng ten, tòa nhà chọc trời này cao 269 m.
Từ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước và huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đến gần chợ Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), sông mang tên "Ngã Cái". Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM), người ta gọi là sông Thủ Khúc. Đoạn từ cư xá Thanh Đa đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai, người ta gọi là sông Bến Nghé (hay còn gọi là Ngưu Chử giang). Trong sách Gia Định thành thông chí, tên sông là Tân Bình giang.
Theo Kim Ngân/ Zing