Sài Gòn loay hoay: Cần 800 nghìn tỷ nhưng chỉ có 142 nghìn tỷ
Kinh tế TP.HCM đang có dấu hiệu phục hồi ấn tượng sau cơn khủng hoảng Covid-19. Dẫu vậy, nhu cầu đầu tư là rất lớn trong khi nguồn lực ngân sách của địa phương có hạn.
Gần 2.000 văn phòng đại diện DN nước ngoài tại TP.HCM
500 tỷ đồng là mục tiêu doanh thu năm 2022 của Công ty Cổ phần Giao nhận Tiếp vận Quốc tế (InterLOG).
Sở dĩ ông Nguyễn Duy Minh - Tổng Giám đốc InterLOG - dám đưa ra con số trên vào thời điểm ngay sau cơn khủng hoảng Covid-19 bởi từ khi TP.HCM kiểm soát được tình hình đại dịch và mở cửa trở lại, đặc biệt từ quý IV/2021 đến nay, kinh tế của TP có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dần mở ra. Các đơn vị FDI tại Việt Nam cũng như sản xuất công nghiệp tăng đáng kể, đây là nhóm khách hàng trọng tâm của InterLOG nhiều năm qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đã tăng 2,4%. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/1 đạt 2,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ những yếu tố trên, hoạt động kinh doanh của nhóm ngành dịch vụ logistics của DN tăng theo. Doanh thu trong tháng 1/2022 tăng hơn 30% so với tháng 1/2021.
Với nhà máy sản xuất đặt tại TP.HCM, bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia - tin rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn có một số lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Trong đó, thành công của Chính phủ trong nỗ lực đạt được mục tiêu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân là lợi thế rất tốt. Cùng với đó, kế hoạch ứng phó và kiểm soát dịch bệnh khi mở cửa giúp cộng đồng DN nước ngoài yên tâm hơn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Lê Huỳnh Minh Tú thông tin, TP.HCM vẫn đang là lựa chọn số một của các công ty nước ngoài khi đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Hiện, TP có 1.879 văn phòng đại diện với 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. DN từ các quốc gia này tập trung phần lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, khối châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore và Hồng Kong.
Họ tổ chức nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại trải rộng trên các lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, giao nhận vận tải, tư vấn, thiết kế xây dựng...Tất cả những gì DN Việt Nam làm thì các DN ngoại cũng tham gia. Chính họ tạo sự cạnh tranh sôi động trên thị trường.
Nhu cầu 800 nghìn tỷ nhưng chỉ có 142 nghìn tỷ
Phó Giám đốc Sở KHĐT TP.HCM Trần Anh Tuấn cho biết, TP.HCM đang sử dụng ngân sách như vốn mồi để thu hút nguồn lực từ xã hội. Một đồng ngân sách thu hút được khoảng 10 đồng từ xã hội.
Dẫu vậy, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, tổng nhu cầu ước chừng của TP khoảng 800.000 tỷ đồng nhưng vốn đầu tư ngân sách TƯ giao chỉ có 142.000 tỷ. Con số thiếu là rất lớn. Nếu cố gắng huy động tối đa cũng chỉ lên được khoảng 260.000 tỷ.
TP.HCM sẽ vận dụng mọi hình thức từ cổ phần hóa, khai thác quỹ đất để bán đấu giá quyền sử dụng đất rồi các giải pháp thu hút các nguồn lực trong xã hội để giải quyết nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021-2025.
“Nguồn lực cần lớn nhưng nguồn lực thực chi cho đầu tư rất khiếm tốn. Do đó, TP đang sắp xếp thứ tự ưu tiên của các công trình, dự án đầu tư. Những công trình kích thích tổng cầu, có tác động thu hút mạnh, mang tính lan tỏa cao sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, sẽ đặt TP trong tổng thể của vùng để có sự ưu tiên bố trí vốn và kêu gọi đầu tư, tạo sức bật cho kinh tế phía Nam”, ông Tuấn nói.
Còn TS. Burkhard Schrage - Chủ nhiệm bộ môn cấp cao tại Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT - nhận định, TP.HCM có vai trò quan trọng đối với Việt Nam và khu vực trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Khoảng 25% hoạt động kinh tế của cả nước diễn ra tại đô thị này, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 6.900 USD - cao hơn gấp đôi mức trung bình quốc gia. Khoảng 10% dân số cả nước sinh sống tại đây.
Giờ là lúc lãnh đạo TP cùng các DN tư nhân, tổ chức phi Chính phủ nên xem xét hướng phát triển tiếp theo trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như thu hút nhân lực đang diễn ra gay gắt trên toàn khu vực.
Chuyên gia đến từ Đại học RMIT cho rằng, yếu tố chính quyết định năng lực cạnh tranh của các TP là khả năng tạo được các “cụm ngành” nhất định. Cụ thể, tầm quan trọng của việc đặt các công ty tham gia chuỗi giá trị trong từng ngành ở gần nhau.
Ví dụ, công ty nghiên cứu và phát triển y tế nếu được đặt gần công ty sản xuất dược phẩm, công ty phân phối dược phẩm sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ. Các công ty này thậm chí có thể hợp tác chặt chẽ với một trường đại học dược cận kề. Nếu xét về khía cạnh then chốt này, TP.HCM đang làm tốt.
Thách thức là làm thế nào để tiếp đà xây dựng các cụm ngành. Chẳng hạn, khu công nghệ cao TP được các nhà hoạch định chính sách và khu vực tư nhân xác định là một cụm để tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển phần mềm và sản xuất có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, TP.HCM cần xem xét nhiều hơn đến việc phát triển các cụm khác để tăng sức hấp dẫn của nơi này đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Burkhard Schrage, có những ý kiến cho rằng nên xây dựng TP.HCM thành một trung tâm tài chính khu vực. Tuy nhiên, ý tưởng này có thể vấp phải một số thách thức trong trung hạn.
Ông lý giải, TP có thể cân nhắc xây dựng cụm ngành du lịch, không chỉ bao gồm các khách sạn mà còn nhiều bên cung cấp dịch vụ liên quan cho ngành này như tư vấn kinh doanh, kiến trúc, đào tạo và phát triển, hay thậm chí là các DN chuyên sản xuất đồ vệ sinh cá nhân dùng trong khách sạn. Lĩnh vực này gần như ngưng trệ 2 năm qua, nhưng du lịch dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022 và mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi giá trị du lịch.