Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Dáng hồn đô thị nhìn từ di sản kiến trúc

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, việc bảo tồn di sản kiến trúc tại Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh ngày càng được quan tâm. Hai ấn phẩm mới ra mắt là 'Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh' và 'Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông' góp phần quan trọng trong việc ghi lại và lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa giữa lòng đô thị hiện đại.

Sáng 17/5, tại Đường Sách TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu ra mắt sách với chủ đề “Di sản Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dáng hồn đô thị”. Tại đây, các nhà báo, học giả, nhiếp ảnh gia cùng nhau chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về lịch sử hình thành, phát triển và vẻ đẹp kiến trúc của đô thị hơn 300 năm tuổi.

Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ đơn thuần là những khối bê tông, gạch đá hay mái ngói phủ rêu phong, các công trình kiến trúc cổ ở Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh là những chứng nhân lịch sử, mang đậm dấu ấn giao thoa Đông -Tây, kết tinh từ nhiều thời kỳ, nền văn hóa và dòng chảy xã hội. Khi bước qua từng con phố, từ Dinh Độc Lập, Bưu điện Trung tâm, Nhà thờ Đức Bà cho đến những biệt thự Pháp nằm khuất mình sau hàng cây cổ thụ, người dân như được chạm vào hơi thở của một thời quá vãng - một đô thị đã từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”.

Các diễn giả của chương trình giao lưu về di sản Sài Gòn TP Hồ Chí Minh.

Các diễn giả của chương trình giao lưu về di sản Sài Gòn TP Hồ Chí Minh.

PGS.TS Trần Thị Mai (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) khẳng định: “Nói Sài Gòn chỉ mới 300 năm là đúng nếu tính theo đơn vị hành chính, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh văn hóa thì phải tính bằng hàng ngàn năm, bắt đầu từ văn hóa Đồng Nai, Óc Eo, Phù Nam… rồi tiếp nối qua các lớp cư dân người Việt đến bồi đắp. Di sản kiến trúc hôm nay là một phần trong dòng chảy ấy”.

Theo bà Mai, có ba đặc trưng lớn làm nên tính chất của đô thị Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Một là đô thị sông nước mang bản sắc Nam Bộ, hai là sự đa dạng văn hóa từ cộng đồng cư dân đa tộc và ba là tốc độ đô thị hóa hiếm nơi nào sánh kịp. Điều này tạo nên những áp lực nhưng cũng là điều kiện để xác lập vai trò và tầm vóc của di sản kiến trúc trong hiện tại.

Cuốn sách Di sản Sài Gòn TP Hồ Chí Minh mới được Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành.

Cuốn sách Di sản Sài Gòn TP Hồ Chí Minh mới được Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh phát hành.

Trong bối cảnh đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc cổ không chỉ là nhiệm vụ của ngành di sản mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Từ những bạn trẻ đang theo học ngành kiến trúc đến các nhà nghiên cứu, nhiếp ảnh gia, nhà báo đều đang tích cực gom góp tư liệu, hình ảnh và ký ức để kể lại “dáng hồn đô thị” của một Sài Gòn luôn đổi thay từng ngày.

Trước đó, hai ấn phẩm “Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” và “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông” cũng đã được giới thiệu tại Đường Sách Nguyễn Văn Bình. Cả hai đều là những công trình nghiên cứu nghiêm túc, phản ánh phần diện mạo kiến trúc Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, giai đoạn đỉnh cao của quy hoạch đô thị theo mô hình phương Tây pha trộn yếu tố bản địa.

Ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh tặng hoa cho các diễn giả.

Ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh tặng hoa cho các diễn giả.

Nhà báo Nguyễn Hạnh, chủ biên cuốn sách ảnh “Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu sưu tầm từ năm 1998, tiếp cận bộ ảnh từ Viện Trao đổi Văn hóa Pháp và nhiều nhà sưu tập. Qua tuyển chọn hàng nghìn bức ảnh, 300 bức ảnh quý đã được đưa vào sách, tái hiện không gian đô thị xưa với dinh thự, chợ, bến tàu, lễ hội, đám cưới, trò chơi dân gian và đờn ca tài tử… tạo nên bức tranh sống động về văn hóa thị thành”.

Bìa cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông".

Bìa cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, dấu tích "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông".

Cuốn sách còn lại do nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến biên soạn, tập trung vào kiến trúc Pháp – Đông Dương từ 1862 đến 1945. Theo ông Phúc, việc viết về kiến trúc Sài Gòn không chỉ là liệt kê công trình mà là hành trình truy tìm quá trình đô thị hóa, từ nền móng quy hoạch đến sự hình thành các khu trung tâm hành chính, thương mại, giáo dục, góp phần đưa Sài Gòn trở thành đô thị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á đầu thế kỷ 20.

Nhiếp ảnh gia Minh Hòa chia sẻ về kiến trúc, văn hóa TP Hồ Chí Minh được lưu giữ qua từng bức ảnh.

Nhiếp ảnh gia Minh Hòa chia sẻ về kiến trúc, văn hóa TP Hồ Chí Minh được lưu giữ qua từng bức ảnh.

Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Minh Hòa bày tỏ mong muốn ghi lại hình ảnh di sản hiện nay, đối chiếu với hình ảnh xưa để gìn giữ cho thế hệ sau. Nhà sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc cũng đã gom hơn 2.000 bức ảnh, tư liệu báo chí và bản đồ tiếng Pháp liên quan đến kiến trúc đô thị Sài Gòn.

Nhiều bạn trẻ thích thú với những thông tin, hình ảnh trong 2 ấn phẩm mới ra mắt.

Nhiều bạn trẻ thích thú với những thông tin, hình ảnh trong 2 ấn phẩm mới ra mắt.

Những nỗ lực ấy cho thấy một điều, việc giữ gìn di sản không nhất thiết chỉ là trùng tu nguyên bản một công trình mà còn nằm ở hành động lưu giữ ký ức, chia sẻ câu chuyện, làm sống lại những giá trị trong đời sống đương đại. Khi người trẻ hôm nay bắt đầu tò mò và trân trọng những gì ông cha để lại, đó là tín hiệu đáng mừng cho tương lai di sản đô thị.

Tin, ảnh: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/sai-gon-tp-ho-chi-minh-dang-hon-do-thi-nhin-tu-di-san-kien-truc-20250517131800533.htm