Sai lầm chiến thuật khiến Ukraine mất xe tăng với tốc độ báo động

Các đơn vị xe tăng của Ukraine đang phải chịu tổn thất nặng nề trong cuộc xung đột với Nga. Trong quá trình chiến đấu, nhiều xe tăng của Ukraine đã bị máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), máy bay không người lái Lancet và tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM) của Nga bắn hạ.

Ukraine tổn thất lớn về xe tăng

Hiệu quả tấn công của Moscow rất đáng chú ý. Bên cạnh đó, thất bại của Ukraine trong chiến dịch đột kích và chiếm lãnh thổ Kursk đã làm trầm trọng thêm tổn thất của Ukraine. Mặc dù sự hỗ trợ của phương Tây đã giúp Ukraine duy trì hoạt động chiến đấu, nhưng với nguồn cung cấp xe tăng ngày càng khan hiếm và tình trạng thiếu hụt nhân lực, vẫn chưa rõ Kiev có thể trụ vững trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài hay không. Sau 3 năm giao tranh, số lượng xe tăng của Ukraine đã sụt giảm đáng kể, ngay cả khi họ có sự hỗ trợ phương Tây.

Ukraine chịu tổn thất lớn về xe tăng. Ảnh: National Interest

Ukraine chịu tổn thất lớn về xe tăng. Ảnh: National Interest

Trước cuộc xung đột năm 2022, Ukraine có khoảng 800 đến 900 xe tăng đang hoạt động. Hầu hết là các mẫu xe tăng T-64, xe tăng T-72, T-80 và một số lượng nhỏ xe tăng T-84. Ngoài ra, Kiev cũng có vài trăm xe tăng được cất giữ trong các kho dự trữ. So với Nga, số lượng xe tăng của Ukraine tương đối nhỏ.

Hiện Ukraine chưa công bố số lượng xe tăng bị tổn thất trong cuộc xung đột, nhưng theo trang web tình báo nguồn mở Oryx, khoảng 1.135 xe tăng của nước này đã bị phá hủy, vô hiệu hóa hoặc bị thu giữ trong suốt cuộc chiến. Con số thực tế có thể cao hơn một chút. Có thể nói Ukraine đã mất nhiều xe tăng hơn so với thời điểm xung đột bắt đầu bùng phát.

Sai lầm chiến thuật

Một trong những lý do khiến Ukraine tổn thất nhiều xe tăng là sai lầm về chiến thuật. Trong suốt cuộc chiến, Ukraine đã phát động nhiều cuộc tấn công bất thành và không đạt được mục tiêu. Trong cuộc phản công năm 2023, các đơn vị xe tăng Ukraine đã đi thẳng vào các bãi mìn và vị trí phòng thủ mà Nga dựng sẵn, khiến nhiều phương tiện bị phá hủy.

Tiếp đến là chiến dịch đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga. Để buộc Nga phải chuyển hướng lực lượng khỏi miền Trung và giảm sức ép ở miền Đông, bộ chỉ huy cấp cao của Ukraine đã triển khai một số sư đoàn thiết giáp tốt nhất của nước này tấn công Kursk vào tháng 8/2024.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine nhanh chóng bị đánh bật khỏi khu vực sau các cuộc phản công dữ dội của Nga. Hiện Kiev chỉ kiểm soát một vùng lãnh thổ nhỏ ở Kursk, trong khi mất phần lớn xe tăng triển khai cho chiến dịch này.

“Sát thủ” diệt tăng của Nga

Nga có rất nhiều vũ khí để bắn hạ xe tăng Ukraine, trong đó máy bay không người lái là vũ khí nổi bật nhất. Cả Moscow và Kiev đều sử dụng rất nhiều máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất có gắn đầu đạn chống tăng.

Các binh sỹ vận hành máy bay không người lái giàu kinh nghiệm thường biết rõ họ cần phải nhắm tới điểm yếu nào trên xe tăng để đảm bảo hiệu quả tấn công. Với việc sử dụng UAV một cách rộng rãi, Nga có thể bắn hạ xe tăng Ukraine ở bất cứ vị trí nào. Trong số các UAV lợi hại của Nga, phải kể đến Lancet – một loại UAV có giá thành rẻ và dễ sử dụng. Chúng có thiết kế cánh hình chữ X đơn hoặc kép. Mẫu mới nhất trong dòng này là Z-53 (còn gọi là Izdeliye-53) có cánh gấp và trọng tải vũ khí 5 kg.

Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) của Nga cũng đóng vai trò lớn trong việc tiêu diệt xe tăng Ukraine. Mặc dù không tinh vi như tên lửa chống tăng Javelin hay NLAW của phương Tây mà Ukraine sử dụng, nhưng các ATGM của Nga, chẳng hạn như Kornet lại khả năng xuyên phá mạnh mẽ. Kornet đã bắn hạ nhiều xe tăng Ukraine trong đó có cả những chiếc xe có lớp giáp dày.

9K121 Vikhr cũng là loại tên lửa chống tăng được Nga sử dụng thường xuyên. Được phóng từ trực thăng tấn công, Vikhr rất hiệu quả trong việc xe tăng của Ukraine ở các khu vực như Kursk và Zaporizhzhia.

Ukraine khắc phục tổn thất này như thế nào?

Sự hỗ trợ của phương Tây đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của lực lượng xe tăng Ukraine. Ba Lan đã chuyển giao hơn 220 xe tăng T-72 cho Ukraine trong suốt cuộc chiến. Ngoài ra, Ukraine cũng nhận được số lượng lớn xe tăng Leopard từ các quốc gia châu Âu.

Châu Âu đã cam kết cung cấp cho Ukraine 270 xe tăng Leopard 1 và 167 xe tăng Leopard 2. Bên cạnh đó, Kiev cũng nhận được khoảng 12 xe tăng Challenger 2 của Anh, 31 xe tăng của Mỹ, còn Australia cam kết cung cấp thêm 49 xe tăng cho nước này. Rõ ràng viện trợ của phương Tây đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quân đội Ukraine duy trì sức mạnh. Ngoài việc cung cấp xe tăng, nhiều quốc gia đã hỗ trợ Kiev bảo dưỡng và sửa chữa các xe tăng bị hư hỏng, qua đó giúp họ đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng phương tiện chiến đấu.

Ukraine có thể duy trì được bao lâu?

Theo giới phân tích, Ukraine có thể khắc phục phần nào tổn thất này nhờ sự hỗ trợ của phương Tây và việc thúc đẩy ngành công nghiệp xe tăng, vốn đã hoạt động bền bỉ bất chấp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, Ukraine khó có khả năng củng cố lực lượng xe tằng vì nguồn lực của nước này không phải là vô hạn và NATO cũng vậy.

Nga cũng chịu tổn thất lớn về xe tăng, nhưng kho dự trữ từ thời Liên Xô và ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vẫn có thể đáp ứng nhu cầu ở thời điểm hiện tại. Xét về lâu dài, nhiều khả năng Nga có thể duy trì nỗ lực chiến đấu lâu hơn Ukraine.

Thời gian qua, nhiều chi nhánh trong lực lượng vũ trang Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và trang thiết bị. Xung đột càng kéo dài, vấn đề sẽ càng trầm trọng hơn. Với tốc độ sản xuất vũ khí hiện tại, Ukraine khó giành chiến thắng trong cuộc chiến nếu không có giải pháp hòa bình hoặc sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo National Security Journal, Conflict Watcher

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/sai-lam-chien-thuat-khien-ukraine-mat-xe-tang-voi-toc-do-bao-dong-post1192848.vov