Sai lầm nhiều người mắc khi chế biến thực phẩm
Có những sai lầm mà hầu như ai cũng nghĩ là đúng và thực hiện nó trong bữa ăn hàng ngày. Cùng điểm danh các sai lầm mà chúng ta ít nhiều đều đang mắc phải:
Rã đông thịt ở nhiệt độ phòng
Đây không phải là lựa chọn tốt nhất bởi nhiệt độ phòng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi. Các chuyên gia cho rằng, việc rã đông thịt trong tủ lạnh sẽ an toàn hơn nhiều. Có thể mất nhiều thời gian nhưng thịt sẽ tươi và ngon hơn.
Theo đó, bạn nên bỏ thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát trong thời gian 3-4 tiếng trước khi chế biến. Khi đó thịt vừa được rã đông hoàn toàn lại vừa giữ được độ tươi và tính vệ sinh. Bên cạch đó, rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh còn giúp cho bạn có thể bảo quản thịt thêm 3 - 5 ngày nếu chưa chế biến ngay mà không làm thực phẩm hư hỏng hoặc bị biến chất.
Một lựa chọn khác nhanh hơn và ít tốn thời gian hơn là rã đông trong nước lạnh. Bạn lưu ý cho thịt vào túi kín trước khi rã đông chúng trong nước lạnh nhằm tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, mất đi chất dinh dưỡng. Hãy đảm bảo rằng 30 phút thay nước một lần.
Rửa thịt sống
Việc rửa thịt sống không có tác dụng làm sạch vi khuẩn mà còn làm lây lan vi khuẩn trong bồn rửa, mặt bàn hay nhiều vị trí trong bếp.
Các chuyên gia khuyên bạn nên nấu chín kỹ để đảm bảo vệ sinh, an toàn. Trong trường hợp bạn vẫn muốn rửa thịt sống, một nghiên cứu về an toàn thực phẩm của Đại học Drexel, Mỹ khuyên bạn nên dùng giấy bếp để thấm, loại bỏ chất nhờn trên bề mặt thịt trước khi rửa. Bất kỳ bề mặt nào của thực phẩm cũng cần được khử trùng đúng cách để tránh nhiễm bẩn chéo.
Luộc khoai tây không đậy nắp
Để luộc khoai tây chín đều và nhanh, bạn nên đậy nắp nồi để giữ nhiệt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng làm như vậy có thể khiến khoai tây bị nát. Trên thực tế, khoai tây bị nát không thực sự là do nắp đậy mà là do cho khoai tây vào nước sôi. Nó làm cho phần bên ngoài của khoai tây sôi nhanh hơn khi phần bên trong vẫn cứng.
Rán thịt ngay sau khi ướp gia vị
Chiên thịt ngay sau khi ướp gia vị sẽ khiến món bít tết không được giòn như ý. Chính sự kết hợp giữ thịt và muối trong gia vị sẽ tạo nên lượng ẩm lớn, khiến bạn mất nhiều thời gian để làm chín, món ăn cũng vì thế mà bị khô. Để tránh điều đó xảy ra, hãy để thịt ngấm gia vị trong 15 phút, rồi dùng khăn giấy thấm bớt hơi ẩm thoát ra ngoài. Cách này giúp thời gian chiên thịt được rút ngắn, miếng thịt mềm và hương vị cũng đậm đà hơn.
Nấu thịt lợn, hải sản... không chín
Thịt, hải sản và kể cả trứng chưa nấu chín có thể chứa mầm bệnh. Thức ăn nên được nấu chín và nên ăn ngay khi vừa nấu xong. Thực phẩm chín nguội dần khi để ở nhiệt độ thường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thời gian để càng lâu, thì nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao. Cần lưu ý, người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng và khả năng tiêu hóa yếu hơn nên càng cần ăn chín, uống sôi, hạn chế đối đa đồ chưa được nấu kỹ.
Ngoài ra, bạn không nên để thức ăn nguội ở nhiệt độ phòng quá lâu trước khi cho vào tủ lạnh. Việc để thực phẩm dễ hỏng, bao gồm thịt, hải sản, trứng, trái cây đã bổ... ở nhiệt độ phòng trong 2 giờ hoặc hơn có thể sinh ra vi khuẩn có hại.
Theo các chuyên gia, cho thức ăn còn ấm vào tủ lạnh cũng không sao, miễn là nó được bọc màng bọc thực phẩm đủ mỏng để làm lạnh nhanh. Nếu thực phẩm còn nhiều, hãy chia chúng thành các phần nhỏ hơn để nguội nhanh.
Ướp thịt trên 12 giờ
Nhiều người lầm tưởng thịt được ướp càng lâu thì càng ngấm gia vị và ngon hơn. Thực tế, thời gian ướp quá lâu chỉ khiến thịt trở nên dai, không tươi mềm. Sự thay đổi này bắt nguồn từ lượng axit trong nước ướp. Do vậy, để món ăn ngon, bạn chỉ cần ướp thịt trong 20 phút là đủ.
Nếm hoặc ngửi thức ăn
Bạn tưởng rằng nếm có thể giúp nhận diện món ăn còn an toàn không, nhưng thực ra không phải vậy. Bạn sẽ không thể nếm, ngửi, nhìn thấy vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Nếu món ăn đã hỏng, dù chỉ nếm một lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc... Cách tốt nhất là hãy chú ý đến hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm và loại bỏ những thực phẩm hư hỏng đã hết hạn.
Không rửa tay
Đừng quên rằng vi khuẩn trên tay của bạn có thể làm ô nhiễm thực phẩm. Do đó, cần rửa tay bằng xà phòng và vòi nước chảy trong 20 giây trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm.
Chỉ rửa rau bằng nước
Nếu chỉ rửa qua nước là không đủ. Vì chỉ loại bỏ bụi bẩn có thể nhìn thấy, nhưng những thuốc trừ sâu, vi khuẩn và bụi bẩn ăn sâu sẽ không được rửa sạch. Khi rửa rau, bạn nên dùng tay rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước. Lực xả của dòng nước và lực của bàn tay khi chà có thể giúp chúng ta lấy đi phần lớn bụi bẩn trên bề mặt rau, và không làm hỏng bề mặt của rau, do đó các chất dinh dưỡng không bị mất hoặc không bị ô nhiễm thứ cấp. Tiếp đó ngâm rau trong nước có pha soda để loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu, vi khuẩn và bụi bẩn.
Một lời khuyên khác từ các chuyên gia là nhúng rau củ qua nước sôi trước khi nấu. Tuy lượng dinh dưỡng mất đi ít, nhưng độ an toàn cao và đồng thời làm tăng quá trình phân hủy thuốc trừ sâu, loại trừ vi khuẩn hiệu quả.
Không rửa trái cây và rau quả trước khi gọt vỏ và cắt lát
Vỏ của trái cây và rau quả có thể chứa nhiều vi khuẩn, những vi khuẩn này dễ dàng truyền sang trái cây và rau quả bằng dao hoặc bằng tay khi bạn gọt chúng. Do đó, nên rửa tất cả trái cây và rau quả dưới vòi nước chảy, ngay cả khi bạn không ăn vỏ. Tuy nhiên, không khuyến khích sử dụng chất tẩy rửa rau và trái cây để làm sạch củ, quả.