Sai phạm nghiêm trọng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, truy tố 36 bị can

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án 'Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng', xảy ra tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Thông tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra, vụ án có 35 bị can người Việt, trong đó, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Quang Hào - cùng giữ chức Phó Tổng giám đốc (GĐ) Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Hoàng Việt Hưng - GĐ Ban quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (BQL); 32 người khác là cán bộ, kỹ sư tư vấn giám sát.

Có một bị can người Nhật Bản là Takao Inami - Tư vấn trưởng, GĐ văn phòng tư vấn giám sát dự án. Tất cả bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

 8 trong số 36 bị can bị đề nghị truy tố vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: Bộ Công an

8 trong số 36 bị can bị đề nghị truy tố vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: Bộ Công an

Theo điều tra, Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km, giai đoạn 1 dài 65km từ Đà Nẵng tới Tam Kỳ (Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74km. Tổng mức đầu tư 34.516 tỷ đồng, chủ yếu từ vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và WB.

Phụ trách công tác khảo sát, thiết kế là liên danh các nhà thầu đến từ Nhật Bản và Thái Lan; liên danh các nhà thầu từ Nhật Bản và Úc giám sát thi công giai đoạn 1; tổ chức CDM Smith của Mỹ giám sát giai đoạn 2. Việc thi công được giao cho các nhà thầu Việt Nam (Cienco, Sông Đà, Thành An, Trường Sơn…) và nước ngoài (Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Trung Quốc).

Dự án khởi công năm 2013 và năm 2017 đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018 thông xe giai đoạn 2 và tính toán dự báo giao thông trên 20 năm kể từ ngày đầu tiên sử dụng, riêng mặt đường là hơn 10 năm.

Tuy nhiên, khi vừa đưa vào sử dụng, cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, gây bức xúc trong nhân dân nên CQĐT đã vào cuộc.

Kết luận điều tra thể hiện, dự án này là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn là hơn 34.500 tỉ đồng. Quá trình thi công, cả chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng. Từ đó, dẫn đến chất lượng công trình này không đảm bảo.

CQĐT khẳng định đến nay, riêng 65km thuộc giai đoạn 1 dự án đã có tới 380 điểm hư hỏng trên tuyến chính (trung bình 1km có 6 điểm hư hỏng).

Phân viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía Nam đã giám định tư pháp và cho kết quả: chất lượng công trình không đảm bảo đúng kỹ thuật, gây hư hỏng khi vận hành.

Ngoài 36 bị can bị đề nghị truy tố, cảnh sát còn chuyển hồ sơ 2 gói thầu, phần thi công cho Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng thụ lý.

Ông Mai Tuấn Anh, tổng giám đốc VEC giai đoạn 2011 - 2017 và chủ tịch HĐQT VEC giai đoạn 2017 - 2020, cũng bị CQĐT xác định có sai phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác làm ảnh hưởng chất lượng công trình.

Cảnh sát đã tách hành vi liên quan sai phạm có dấu hiệu thiếu trách nhiệm của ông Mai Tuấn Anh và một số người nước ngoài ở đơn vị thi công, giám sát ra xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.

Các sai phạm có dấu hiệu tội phạm trong giai đoạn 2 dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài hơn 74km) cũng được tách ra xử lý sau khi có kết quả giám định tư pháp về chất lượng công trình.

Trúc Nhi

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/sai-pham-nghiem-trong-tai-cao-toc-da-nang--quang-ngai-de-nghi-truy-to-36-bi-can-d19143.html