Sai phạm tại CDC Hà Nội: Sở Y tế không thể vô can

Các chuyên gia cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) thực hiện trục lợi thông thầu.

Trụ sở CDC Hà Nội. Ảnh: PV

Trụ sở CDC Hà Nội. Ảnh: PV

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua sắm máy móc trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 đợt 1 của CDC Hà Nội căn cứ theo quyết định ngày 15/2/2020 của Sở Y tế Hà Nội về việc giao kinh phí mua sắm máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch.

Sau đó, ngày 18/2, Giám đốc CDC Hà Nội thành lập hội đồng tư vấn về thông số kỹ thuật máy móc, trang thiết bị chuyên dùng thuộc CDC Hà Nội. Ngày 24/2, hội đồng tư vấn có tờ trình về việc phê duyệt các gói thầu mua sắm máy móc giá trị 30,5 tỷ đồng.

Theo chuyên gia đấu thầu, trong trường hợp này CDC Hà Nội vừa là chủ đầu tư vừa là bên mời thầu. Căn cứ theo quyết định của Sở Y tế Hà Nội về giao kinh phí mua máy móc thì Sở Y tế Hà Nội là đơn vị có thẩm quyền quyết định phân bổ vốn, do đó, đơn vị này phải có trách nhiệm về việc mua sắm này.

Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, ngoài 7 người đã bị khởi tố, cơ quan điều tra cần xác minh, làm rõ thêm những cá nhân, tổ chức liên quan. Trong đó cần xem xét trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý để CDC thực hiện những việc như đã nêu trên.

Theo quy định tại Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Là đơn vị chủ quản của CDC, việc mua sắm vật tư phòng dịch được giao toàn quyền cho Sở Y tế thực hiện. Việc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị, cán bộ tiến hành các hoạt động trên là thực hiện công việc theo thẩm quyền được phân công và phải có trách nhiệm với công vụ nêu trên.

Nói về việc chỉ định thầu, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cho rằng Luật Đấu thầu cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Rất tiếc, theo ông, chủ trương này đã bị lợi dụng để trục lợi. Để hạn chế tình trạng trục lợi trong chỉ định thầu mua bán thiết bị vật tư y tế, ông Hòa cho rằng cơ quan quản lý giá, hội đồng thẩm định giá phải có trách nhiệm cao, khách quan, vô tư. Ngoài ra, phải công khai mức giá vật tư để cộng đồng, chuyên gia cùng giám sát.

Luật sư Cường cho biết, theo thông tin báo Tiền Phong đưa sáng 24/4 thì ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội trước đây đã có nhiều đơn thư tố cáo về sai phạm vào năm 2017 và năm 2018. Nếu nội dung tố cáo đã được giải quyết nhưng nay có thêm thông tin mới về sai phạm hoặc nội dung tố cáo chưa được giải quyết thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ, nếu có sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Trần Hoàng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/sai-pham-tai-cdc-ha-noi-so-y-te-khong-the-vo-can-1647998.tpo