Saigontel chưa thoát áp lực vốn
Sở hữu tiền mặt chỉ 189 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn lên tới 3.500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, mã SGT) tiếp tục phải đẩy mạnh huy động vốn để đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai.
Nhiều dự án lớn chậm triển khai
Dù liên tục lên kế hoạch kinh doanh tham vọng và chỉ ghi nhận kết quả kinh doanh khiêm tốn trên thực tế, nhưng Saigontel vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm nay. Theo đó, doanh thu dự kiến 4.000 tỷ đồng, tăng 205,5% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng, tăng 490,5% so với thực hiện trong năm 2023 (lợi nhuận năm 2023 đạt 76,2 tỷ đồng, giảm 29,19%, hoàn thành 18,5% kế hoạch).
Lý giải về việc tiếp tục đưa ra kế hoạch tham vọng, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Saigontel cho biết: “Năm 2024 sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, doanh thu và lợi nhuận cao hơn, nên đây là một phương án khiêm tốn. Công ty có 350 ha đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê tại Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn (Bắc Ninh), cụm công nghiệp tại tỉnh Thái Nguyên và Long An, trong đó có khả năng bàn giao tới 50 ha trong năm nay”.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chỉ ghi nhận kết quả ở mức độ khiêm tốn so với kế hoạch, thì việc triển khai các dự án trọng điểm có dấu hiệu chậm lại. Nếu đầu năm 2023, Công ty chia sẻ với cổ đông kế hoạch triển khai Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp tại số 300A-B Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP.HCM) với diện tích 46.710 m2, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng và dự kiến triển khai thi công vào quý IV/2023, thì kết thúc năm 2023, Dự án vẫn nằm trên giấy và chưa triển khai.
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, trước thắc mắc của cổ đông về việc chậm triển khai dự án trên, bà Nguyễn Cẩm Phương, Tổng giám đốc Saigontel cho biết, Dự án đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng chậm triển khai do tình trạng chung về thủ tục pháp lý và đang chờ cơ quan nhà nước chấp thuận. Một lần nữa, Saigontel lên kế hoạch tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thi công vào năm 2025.
Tương tự, đối với Dự án Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn giai đoạn II, trong năm 2023, Saigontel lên kế hoạch ghi nhận doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 300 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến bàn giao đợt 1 cho khách hàng với diện tích 46,7 ha trong quý II/2023 và bàn giao đợt 2 với diện tích 49,1 ha trong quý III/2023.
Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, một lần nữa, Saigontel lên kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, lãi gộp 300 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bàn giao đợt 1 với diện tích 46,7 ha trong quý II/2024 và bàn giao đợt 2 diện tích 49,1 ha trong năm 2024.
Như vậy, việc các dự án chậm triển khai đồng nghĩa áp lực đội chi phí đầu tư tăng lên, tạo thách thức đối với Ban lãnh đạo Saigontel khi mà liên tục lên kế hoạch tham vọng dựa trên việc bàn giao và ghi nhận các dự án như kế hoạch đầu năm, nhưng thực tế quá trình triển khai luôn chậm hơn nhiều so với kế hoạch kỳ vọng ban đầu.
Nhu cầu vốn đầu tư lớn khi sở hữu tiềm lực tài chính hạn chế
Để đáp ứng việc triển khai đồng bộ nhiều dự án bất động sản công nghiệp và thương mại, trong năm 2024, Saigontel tiếp tục lên kế hoạch thu xếp nguồn vốn từ 3.000 tỷ đến 3.500 tỷ đồng thông qua việc tăng vốn từ đối tác chiến lược, vay vốn ngân hàng, các định chế tài chính.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Saigontel chia sẻ, việc triển khai xây dựng nhà máy của nhà đầu tư phụ thuộc vào tình hình chung của thế giới, Công ty sẽ xây dựng cơ sở và giao đất cho nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Đại Đồng Hoàn Sơn, nhưng còn tùy vào tình hình của họ. Hiện tại, một số kế hoạch đầu tư mở rộng mới nhà máy của các nhà đầu tư có xu hướng giảm.
Saigontel cũng lên kế hoạch chào bán 75 triệu cổ phiếu riêng lẻ (chiếm 50,7% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành), giá chào bán ủy quyền cho HĐQT quyết định và dự kiến triển khai trong năm 2024 (năm 2023 thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu, nhưng không triển khai thành công). Toàn bộ số tiền huy động được Saigontel dự kiến bổ sung vốn lưu động; tái cơ cấu các khoản nợ vay; tăng quy mô hoạt động, đầu tư góp vốn vào công ty con, liên kết.
Thực tế, tại thời điểm ngày 31/12/2023, Saigontel chỉ có 189 tỷ đồng tiền mặt, trong khi nhu cầu đầu tư từ 3.000 đến 3.500 tỷ đồng, việc đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng một thời điểm dẫn tới nhu cầu vốn lớn trong khi tiềm lực tài chính có hạn. Điều này sẽ là thách thức trong đợt huy động vốn mới, cũng như đăng ký tham dự các dự án khác trong tương lai.
Chủ tịch Đặng Thành Tâm cũng thừa nhận: “Hiện nay, vốn chủ sở hữu không còn nhiều, Công ty cần tăng vốn để nhận thêm dự án khác. Ngoài ra, Công ty vẫn chưa có đối tác cho đợt gọi vốn sắp tới, sẽ triển khai sau khi Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua”.
Có thể thấy, tiềm lực tài chính hạn chế, triển khai dàn trải nhiều dự án dẫn tới nhu cầu vốn lớn, đòi hỏi Saigontel phải sớm huy động vốn thành công để đảm bảo tiến độ, cũng như việc triển khai dự án để sớm có thể đủ điều kiện bàn giao đất, thu hút thêm các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp do đơn vị phát triển, cũng như sớm triển khai các dự án bất động sản thương mại.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/saigontel-chua-thoat-ap-luc-von-d214008.html