'Salon tóc' miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn
Chỉ với vài chiếc ghế nhựa đơn sơ, bộ dụng cụ, áo choàng,... mà ngày ngày, tại công viên Ao Quan (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An), một nhóm thợ trẻ lại miệt mài cắt tóc miễn phí cho các cụ già, em nhỏ, người đi đường. Tuy phục vụ miễn phí nhưng các anh rất tận tình, niềm nở; hoạt động này được người dân ủng hộ, hoan nghênh.
Hành động nhỏ, ý nghĩa thiết thực
Cứ mỗi buổi chiều từ 15 - 18 giờ, khi đi ngang công viên Ao Quan, người đi đường sẽ dễ dàng nhìn thấy một chiếc băng rôn nhỏ có dòng chữ “Cắt tóc miễn phí”, bên trong là một nhóm thợ cắt tóc trẻ đang tất bật phục vụ “khách hàng”. Đây là nhóm thợ cắt tóc của tiệm Ja Vương (số 95, Nguyễn Thông, phường 3) tham gia phục vụ miễn phí cho những người già, cơ nhỡ, trẻ em hoặc bất kỳ ai có nhu cầu.
Anh Nguyễn Quốc Đạt (SN 1995) - chủ tiệm tóc Ja Vương, cho biết: “Việc cắt tóc miễn phí được tiệm tổ chức từ đầu năm 2021 và gián đoạn một thời gian khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, tiệm duy trì hoạt động từ cuối năm 2021 đến nay. Trung bình mỗi ngày, tiệm sẽ cử từ 3-6 thợ ra công viên cắt tóc. Những lúc tiệm đóng cửa sớm thì sẽ tăng cường thêm thợ hỗ trợ cắt tóc tại công viên”.
Chị Nguyễn Thị Kim Quyên (phường 1, TP.Tân An) đưa 2 con trai đến đây chờ đến lượt cắt tóc. Chị chia sẻ: “Hiện nay, mọi chi phí đều đắt đỏ nên tiết kiệm được khoản nào cũng đều quý giá, nhất là với người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ các bạn trẻ mà chúng tôi được cắt tóc miễn phí. Tôi cho con cắt tóc được 2 lần ở đây. Dù cắt tóc miễn phí nhưng các em rất chu đáo, tận tình, luôn niềm nở, hỏi thăm xem khách hài lòng hay không và sẵn sàng điều chỉnh sao cho thật vừa ý”.
Được biết, không chỉ phục vụ tại công viên, nhóm cắt tóc của tiệm Ja Vương còn sẵn sàng đi đến tận nhà của những cụ già neo đơn, sức khỏe kém, không thể đến nơi cắt tóc. Với họ, được phục vụ, giúp đỡ mọi người là niềm vui, động lực với nghề.
Cơ hội rèn luyện tay nghề
Dù mồ hôi ướt áo nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi những người thợ trẻ. Anh Phạm Thanh Phương (SN 1995) chia sẻ: “Hoạt động này cũng chính là cơ hội để những người thợ trẻ được rèn luyện tay nghề. Chúng tôi rất biết ơn những chú, bác lớn tuổi, các em nhỏ đã thường xuyên đến đây cắt tóc. Do đó, chúng tôi luôn nỗ lực, làm cho khách thật hài lòng như đang được làm tóc tại salon”. Anh Võ Văn Ty (SN 1992) cũng có cùng cảm nhận với anh Thanh Phương. Anh Ty cho biết: “Nhiều cô bác thấy chúng tôi vất vả, sau khi cắt tóc xong thì gửi tiền thù lao nhưng chúng tôi không nhận, thế là họ lại đi mua bánh, nước để cảm ơn. Những hành động tuy giản đơn nhưng khiến chúng tôi vô cùng xúc động”.
Bằng tình yêu với nghề làm tóc, những chàng trai trẻ mong muốn mang lại niềm vui, sự tự tin cho những “khách hàng đặc biệt”. Với họ, không nhất thiết phải thực sự giàu có mới có thể làm thiện nguyện, với tay nghề sẵn có, mỗi người thợ làm tóc chỉ cần bỏ chút công sức, thời gian cũng sẽ giúp được rất nhiều người lao động nghèo tiết kiệm được phần nào chi phí để trang trải cho cuộc sống. “Tôi thường xuyên nhắc các thợ làm tóc của tiệm không bao giờ được lấy tiền của khách hàng, các bác, các anh đã trao cho mình cơ hội được rèn luyện tay nghề thì mình càng phải biết ơn họ.
Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì hoạt động này, dù cực nhưng anh em rất tâm huyết, phấn khởi khi được làm nghề, được chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn. Có những hôm đang cắt tóc thì trời đổ mưa, phải tìm chỗ trú rồi chờ tạnh mưa làm tiếp hay khách đông, trời tối, bạn này rọi đèn cho bạn kia cắt tóc, tuy vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, có khách cắt tóc vài lần đầu miễn phí thì lại tìm đến tiệm để ủng hộ chúng tôi”.
Chỉ tận dụng khoảng không gian tại công viên với những tán cây xanh làm bóng mát, chỉ có vài chiếc ghế “dã chiến”, không máy lạnh, không dầu gội, mỹ phẩm đắt tiền hay nghe nhạc thư giãn như tại salon nhưng những người thợ cắt tóc trẻ luôn khiến khách hàng hài lòng về thái độ phục vụ. Từ người lớn đến trẻ em, ai nấy đều vui vẻ, tuần tự ngồi xếp hàng chờ đến lượt. Mỗi lời cảm ơn, cái gật đầu của khách hàng chính là động lực để những người thợ cố gắng nhiều hơn.
Cứ thế, ngày ngày, họ lại cần mẫn phục vụ người dân đến khi đèn đường bắt đầu bật sáng thì thu dọn đồ nghề, dù đổ mồ hôi, mệt mỏi sau một ngày tất bật với công việc nhưng ai nấy đều phấn khởi, hân hoan vì được làm những điều tử tế./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/salon-toc-mien-phi-cho-nguoi-co-hoan-canh-kho-khan-a135523.html