Sâm Bố chính - cây trồng mới ở Tông Lạnh
Ông Quàng Văn Hồng, bản Dẹ, xã Tông Lạnh (Thuận Châu) là một trong những người tiên phong trong việc đưa cây sâm Bố Chính về trồng thay thế diện tích ngô, sắn kém hiệu quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Tham quan vườn sâm Bố Chính đang phát triển tốt, hoa nở rực rỡ, vừa đi, ông Hồng vừa nói: Tôi biết đến cây Sâm bố chính qua những người bạn giới thiệu, năm 2019, được cán bộ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Hoàng Việt (Hà Nội) về tận nơi khảo sát và vận động trồng cây dược liệu. Ban đầu, tôi rất đắn đo, sợ không thành công, nhưng được cán bộ Công ty hướng dẫn kỹ tôi đã bỏ ra 3 triệu đồng mua giống về trồng thử nghiệm, thấy cây phát triển tốt, tôi đã chuyển đổi 1.000 m² đất trồng ngô sang trồng sâm Bố Chính. Sau 10 tháng chăm bón, cây đã cho thu hoạch gần 4 tạ củ, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Hoàng Việt thu mua hơn 3 tạ, còn lại tôi bán lẻ ra thị trường với giá từ 60-90.000đ/kg, lãi hơn 23 triệu đồng.
Tìm hiểu được biết, sâm Bố Chính còn gọi là sâm thổ hào, sâm báo, sâm tiến vua, thuộc họ bông. Cây cao khoảng 50 cm, rễ mập thành củ, lá có cuống dài mọc so le, hoa to màu đỏ, quả nang, hình trứng nhọn, khi chín nứt thành 5 mảnh; hạt nhiều, có màu nâu. Sâm Bố Chính chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt đắng, tính mát. Công dụng bổ khí, ích huyết, chỉ khát... thường dùng chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em gầy còm chậm lớn...
Chia sẻ về kỹ thuật trồng sâm Bố Chính, ông Hồng nói: Loại cây này rất dễ trồng, nhưng để đạt năng suất cao thì phải có kỹ thuật chăm sóc. Trước khi trồng phải cày xới cho đất thật tơi xốp, bón lót phân NPK, sau đó đánh luống thành từng hàng và gieo hạt sâm đã ngâm nước trước đó khoảng 1 ngày 1 đêm. Điểm cần lưu ý là đất trồng sâm phải được xử lý triệt để mầm sâu bệnh hại. Do là cây dược liệu, nên trước tiên phải xác định được nguồn phân bón, để đảm bảo không có hóa chất tồn dư trong sản phẩm sau khi thu hoạch. Thời điểm thích hợp trồng sâm bố chính bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 và phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, tháng 11, 12 là sâm bắt đầu cho thu hoạch.
Với thành công bước đầu, ông Hồng đang liên kết, hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm cho các hộ trên địa bàn xã và một số nơi ở Quỳnh Nhai, Sốp Cộp và tỉnh Điện Biên. Ông đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với HTX nông nghiệp Ngọc Xanh (xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp) và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Hoàng Việt, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Bà Quàng Thị Diêu, bản Thẳm, xã Tông Lạnh cho biết: Được ông Hồng hỗ trợ hạt giống và kỹ thuật, gia đình tôi đang trồng 5.000 m² cây sâm Bố Chính, hiện tại cây đang ra hoa, phát triển rất tốt, dự kiến cuối năm nay sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước tính khoảng 2 tấn củ.
Ông Hồng cho biết thêm, sâm Bố Chính không chỉ thu hoạch củ, mà hạt cũng bán để làm giống với giá 8 triệu đồng/kg. Năm 2019, gia đình ông bán hạt giống và sâm củ thu lãi hơn 60 triệu đồng, hiện gia đình đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm lên 1,3 ha.
Bước đầu việc trồng sâm Bố Chính đang mang hiệu quả kinh tế tốt, song để đầu ra đảm bảo, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc quản lý, định hướng quy hoạch vùng trồng; liên kết, bảo đảm cung - cầu, tránh việc phát triển trồng ồ ạt.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/sam-bo-chinh--cay-trong-moi-o-tong-lanh-32625