Sâm Lai Châu giúp người dân vùng DTTS và miền núi vươn lên làm giàu - Những thành công bước đầu
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 19 dân tộc thiểu số gồm Thái, Tày, Nùng, La Hủ, Lào, Lự, Mường, Hoa, Khơ Mú, Lô Lô, Kháng, Hà Nhì…; tổng diện tích rừng hiện có là 472.676,04 ha. Toàn tỉnh có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát triển các loài cây dược liệu quý như: Sâm Lai Châu, Đương quy, Bảy lá một hoa, Tam thất hoang, Lan kim tuyến... Đặc biệt là Sâm Lai Châu (dược liệu quý hiếm được đưa vào danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam năm 2007) với tất cả bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh, có giá trị kinh tế rất cao giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng DTTS từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Người dân vùng DTTS và miền núi trồng cây sâm Lai Châu dưới tán rừng (Ảnh minh họa)
Theo rà soát của cơ quan chuyên môn, cây Sâm Lai Châu (viết tắt là sâm) phát triển chủ yếu ở độ cao từ 1.500 m trở lên so với mực nước biển. Toàn tỉnh Lai Châu có điều kiện khí hậu (mát mẻ quanh năm, sương mù bao phủ), thổ nhưỡng (loại đất chủ yếu dưới các cánh rừng trên địa bàn tỉnh là nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất mùn đỏ vàng trên núi, hai nhóm đất này có nhiều đặc điểm phù hợp để mở rộng phát triển các loài cây dược liệu quý trên quy mô lớn), độ cao phù hợp trồng sâm được xác định vào khoảng 30.000 ha (có 17.000 ha có điều kiện rất thích hợp phát triển sâm, tập trung ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh) và là nơi có diện tích sâm lớn nhất nước đang tập trung quy hoạch, phát triển sâm trở thành ngành hàng kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhất là tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng để thực hiện Nội dung 2 thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình) về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Mục tiêu là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Tỉnh Lai Châu cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển vùng dược liệu như: Chính sách hỗ trợ phát triển sâm, hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình, nhân giống dược liệu; hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo tập huấn, vật tư, bao bì nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ về đất đai, tiếp cận tín dụng... Cùng với đó, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành Hướng dẫn tạm thời về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản Sâm Lai Châu; quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu” (Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 9/9/2022)…
Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu về Sâm Lai Châu; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến trồng và mở rộng diện tích dược liệu; giúp cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có thêm thông tin về cây sâm nhằm đưa Sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực.
Trong tháng 11/2022, Hội chợ Sâm Lai Châu được tổ chức với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa” nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu nhằm xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm và chế biến các sản phẩm từ sâm.
Đầu năm 2023, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức “Diễn đàn Mùa xuân về phát triển sâm Lai Châu”; Ngày 07/7/2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái”. Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến tham gia trao đổi, thảo luận, chia sẻ về kinh nghiệm, giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững, hiệu quả vùng trồng sâm, phát triển dược liệu gắn với du lịch, định hướng chế biến các sản phẩm sâm... trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc hỗ trợ phát triển, Lai Châu đã thông qua triển khai các Dự án, Đề tài tuyển chọn cây sâm, như: 1.185 cây mẹ và trồng 1.009 cây mô hình (Dự án Xây dựng mô hình trồng, nhân giống sâm Lai Châu nhằm bảo tồn và phát triển sản phẩm đặc hữu tại các huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu); 500 cây mẹ và trồng 5.000 cây mô hình (Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng và đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho hai loài dược liệu quý hiếm Sâm Lai Châu, Bảy lá một hoa của tỉnh Lai Châu); 1.000 cây mẹ Sâm Lai Châu và trồng 15.000 cây mô hình (Đề tài Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài Sâm Lai Châu, Tam thất hoang ở huyện Mường Tè); 22 cây mẹ Sâm Lai Châu (Đề tài Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài Sâm Lai Châu, Tam thất hoang ở các xã vùng cao huyện Mường Tè).
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo việc làm cho nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng DTTS và miền núi, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương tại các huyện vùng cao biên giới, tỉnh Lai Châu đã nghiên cứu xây dựng mô hình nhân giống phát triển mở rộng cây sâm Lai Châu thành sản phẩm dược liệu chủ lực cho các huyện vùng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã bảo tồn được 3 vườn cây mẹ ngoài tự nhiên và gây trồng hơn 21.000 cây mô hình; có hơn 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đang đầu tư trồng, phát triển cây sâm. Ngoài ra có hàng trăm hộ dân ở các địa phương tham gia liên kết hoặc tự trồng với tổng diện tích đã trồng được hơn 35 ha. Hiện có 5 tổ chức, doanh nghiệp liên kết với người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng và triển khai trồng sâm cùng một số cây dược liệu khác tại xã Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè (có 2 dân tộc cùng sinh sống là La Hủ và Mảng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 là 78,10%). Cây sâm được trồng tập trung tại các bản Sín Chải A, B, C, Chà Gá, Pá Hạ... Đây chính là cơ hội giúp bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Điển hình là bản Sín Chải B, nơi có đông đồng bào dân tộc La Hủ (một trong 4 dân tộc ít người đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu) đang trồng những vườn sâm rất giá trị. Trước đây đồng bào La Hủ sinh sống vất vả, vẫn quen lối sống du canh du cư, lên rừng kiếm củ sâm về bán hoặc đổi lấy thóc, gạo do không biết giá trị kinh tế cao của củ sâm. Khai thác mãi cũng cạn kiệt dần. Mấy năm trở lại đây cùng với sự đồng hành, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể xã hội bám bản, bám dân đã vận động bà con bản Sín Chải B từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; phương thức sản xuất cũ, lạc hậu được thay thế bằng phương thức sản xuất mới dựa trên cơ sở tiến bộ khoa học kỹ thuật; tập quán canh tác phụ thuộc nhiều vào tự nhiên đã dần thay đổi, chuyển sang hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc bảo vệ rừng; canh tác lúa nước ổn định có năng suất, nhiều hộ dân đã đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đặc biệt là tham gia trồng sâm giữ nguồn giống quý để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trong bản đã có nhiều hộ tham gia trồng sâm, vườn nhỏ cũng trị giá cả tỷ đồng. Từ ngày bà con trồng sâm, không đốt rừng làm nương, mà có ý thức tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.
Hiện nay bản Sín Chải B có 2 doanh nghiệp và 44 hộ dân (trong tổng số 53 hộ dân tộc La Hủ) trồng sâm. Cả 2 doanh nghiệp cùng rất nhiều hộ dân đã đưa cây sâm về trồng tại bản theo mô hình nhà lưới thay vì trồng dưới tán rừng tự nhiên; 44 hộ tham gia trồng sâm với diện tích trung bình khoảng 30m2 sâm/hộ. Nhờ đó, người dân không chỉ thoát nghèo từ cây sâm mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống đều có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% bản, khu phố được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt, công trình thủy lợi; 100% xã được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 100% xã có trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 92,86% xã có nhà văn hóa xã; 76,6% bản, khu phố có nhà văn hóa/nhà sinh hoạt cộng đồng, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc La Hủ giảm 4 – 5% (bình quân giai đoạn 2016-2021)…
Từ những thành công bước đầu tại xã Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè) và thực hiện Quyết định 611/QĐ-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, tỉnh Lai Châu quyết tâm đưa cây sâm Lai Châu trở thành cây chủ lực của tỉnh và là đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa; tổ chức triển lãm giới thiệu các sản phẩm Sâm Lai Châu gắn với phát triển làng du lịch cộng đồng thông qua tổ chức các lễ hội văn hóa Sâm hằng năm để quảng bá nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào DTTSvà miền núi... Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen Sâm Lai Châu ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; sản lượng khai thác đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương; đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt); tập trung chọn, tạo giống Sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu, bệnh hại...