Sâm Ngọc Linh bị bệnh, chính quyền tìm cách hỗ trợ dân
Trước đây, sâm Ngọc Linh được xem là 'quốc bảo', cây siêu lợi nhuận giúp người dân vùng núi ở Kon Tum thoát nghèo thì nay đang trở thành mối lo nợ nần vì cây lâm bệnh.
Ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), cho biết xã có 274/532 hộ trồng sâm Ngọc Linh bị thiệt hại nặng nề do bệnh. Cụ thể có 22.571 cây sâm bị bệnh, trong đó cây 1-2 tuổi là hơn 20.300 cây (300.000-600.000 đồng/cây), cây 3-4 tuổi là 2.250 cây (1-1,5 triệu đồng/cây).
“Quốc bảo” lâm bệnh, dân lo lâm nợ
“Người dân hoang mang, lo lắng lắm. Nhiều người dân vay ngân hàng, bán trâu, bò mua cây giống. Bà con đang lo không biết lấy đâu ra tiền để trả lãi, trả gốc. Trước mắt, chính quyền khuyến khích người dân thực hiện các giải pháp phòng tránh bệnh. Nếu cây nào bị chết thì đưa ra khỏi vùng trồng, tránh lây lan thêm. Hiện xã đang tổng hợp các gia đình vay vốn và báo cáo cấp trên, cơ quan chức năng để có hướng hỗ trợ cho người dân” - ông Trí nói.
Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Khi dịch bệnh xảy ra, nơi đây cũng là địa phương hứng chịu thiệt hại nặng nhất. Từ vùng có nhiều tỉ phú mới nổi nhờ sâm, nay người dân lo lắng vì sâm.
Chia sẻ câu chuyện về sâm đổ bệnh, anh A Thuất (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) bùi ngùi nói: Từ tháng 3, sau vài cơn mưa đầu mùa, anh bắt đầu phát hiện vườn sâm Ngọc Linh của mình bị vàng, rụng lá và có hiện tượng thối củ. Sau đó, những cây 4-5 năm tuổi cũng có dấu hiệu lâm bệnh. Đến nay, vườn cây của anh bị chết khoảng 700 cây, thiệt hại gần 250 triệu đồng.
“Tôi đã vay ngân hàng 100 triệu đồng và bán trâu, bò để trồng sâm. Giờ tôi đang lo không biết lấy tiền đâu trả nợ ngân hàng. Chỉ mong muốn Nhà nước và ngân hàng có chính sách hỗ trợ” - anh A Thuất cho hay.
Tương tự, hộ anh A Ghẹo (thôn Pu Tá, xã Măng Ri) cũng lâm cảnh khó vì sâm lâm bệnh. Anh A Ghẹo buồn bã nói: “Mình trồng 550 cây, đã chết 500 cây rồi, những cây còn lại không biết sống được bao lâu. Nhà mình có vay 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng vườn sâm. Giờ đang lo làm sao để trả nợ”.
Theo ước tính của ngành chức năng, nếu cây trồng không bị bệnh, trong vòng 10 năm người dân có thể có thu nhập 5 tỉ đồng/ha từ sâm Ngọc Linh.
Tại xã Măng Ri, nhiều gia đình bị thiệt hại nặng, như hộ A Tôn và hộ Vũ Văn Khải (thôn Pu Tá) bị chết 2.000 cây, hộ A Hít (làng Ngọc La) 800 cây, hộ A Ngôm (làng Đắk Dơn) 250 cây… Theo ước tính của ngành chức năng, nếu cây trồng không bị bệnh, trong vòng 10 năm người dân có thể có thu nhập 5 tỉ đồng/ha từ sâm Ngọc Linh.
Về con số thiệt hại, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum có hơn 52.000 cây sâm Ngọc Linh bị bệnh, chết. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tu Mơ Rông với hơn 39.000 cây, huyện Đắk Glei với hơn 15.000 cây. Nếu áp mức giá thấp nhất, ước tính thiệt hại lên đến 12-15 tỉ đồng.
Thành lập tổ công tác
nhằm hỗ trợ người dân
Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, cho rằng thời gian qua, do thời tiết diễn biến thất thường khiến cây sâm Ngọc Linh bị dịch bệnh, chết. Để có giải pháp và đề xuất cụ thể, sở mới thành lập tổ công tác do một phó giám đốc sở phụ trách. Khi có kết quả, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh, nếu mức độ thiệt hại lớn sẽ có đề xuất xem xét, hỗ trợ người dân.
Giải pháp cứu cây, giúp dân thoát khó?
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng vào cuộc xác minh thiệt hại do dịch bệnh trên cây sâm Ngọc Linh để có hướng xử lý, đề xuất liên quan. Do bà con trồng nhỏ lẻ nên việc xác minh chính xác số lượng cây trồng bị ảnh hưởng cần nhiều thời gian. Hiện đã xác định có hơn 39.000 cây bị dịch bệnh, chết.
“Hiện tại, số cây bệnh phát sinh thêm đã giảm và có xu hướng dừng lại. Trước mắt, việc cây trồng bị dịch bệnh chết rõ ràng là có ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Khi huyện có thống kê hoàn chỉnh sẽ có đề xuất lên tỉnh, ngân hàng chính sách để có hướng hỗ trợ người dân” - ông Mạnh nói.
Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) tỉnh Kon Tum đã có văn bản xác định nguyên nhân gây bệnh trên cây sâm Ngọc Linh là do các loại nấm phoma glomerata, rhizoctonia solani và phytophthora sp gây ra.
Đồng thời khuyến cáo các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây sâm Ngọc Linh như: Tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan; sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp; bón bổ sung cho vườn cây bằng mùn núi đã được xử lý bằng các chế phẩm sinh học trichoderma 3-6 tháng/lần để tăng cường dinh dưỡng cho cây.
Khi phát hiện trên vườn cây có xuất hiện bệnh lở cổ rễ, chết rạp có thể sử dụng thuốc có chứa hoạt chất validamycin như validacin 5SL, tungvali 5SL, 5WP, vali 5SL, validan 5WP, vanicide SSL, 5WP để phun cho vườn cây, phun hai lần, mỗi lần phun cách nhau 7-10 ngày.
Ngoài ra, cần thường xuyên điều tra các đối tượng sinh vật hại khác trên cây sâm Ngọc Linh để cùng cơ quan chuyên môn kịp thời phối hợp kiểm tra, xử lý.•
Chủ tịch nước: Cần biến sâm Ngọc Linh thành quốc kế dân sinh
Tháng 9-2018, trong chuyến công tác tại tỉnh Kon Tum, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là thủ tướng Chính phủ) khẳng định sâm Ngọc Linh là “quốc bảo” và cần biến thành quốc kế dân sinh, đặc biệt là dân bản địa vùng sâm. Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý hiếm với 52 hợp chất saponin, cao gấp đôi so với nhiều loại sâm khác của thế giới, được trồng ở độ cao 1.200-2.000 m. Trước đây, với người dân bản địa, sâm Ngọc Linh được gọi là cây thuốc giấu, giúp hồi phục sức khỏe nhanh, tăng cường sức đề kháng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/sam-ngoc-linh-bi-benh-chinh-quyen-tim-cach-ho-tro-dan-post688811.html