Sầm Sơn (Thanh Hóa): Tượng đài 'Con tàu tập kết ra Bắc'

Sau 2 năm khởi công xây dựng, đa phần các hạng mục tại dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được xây dựng gần cảng Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã cơ bản hoàn thiện.

Tượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc” sắp hoàn thiện.

Tượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc” sắp hoàn thiện.

Hướng tới kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2024) và 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024), những ngày này, công trình tượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc” nằm trong dự án “Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thiện.

Được khởi công xây dựng vào tháng 8/2022, trên diện tích 40.000 m2, do UBND TP Sầm Sơn làm chủ đầu tư, công trình có tổng vốn đầu tư gần 255 tỷ đồng, điểm nhấn tại phân khu A với diện tích 1,3 ha, gồm tượng đài “Con tàu tập kết ra Bắc”, nhà trưng bày, hiện vật và phù điêu hình cánh cung, trong đó nhà trưng bày hiện vật được thiết kế trong lòng con tàu.

Theo thiết kế, con tàu được làm bằng bê tông cốt thép phối hợp với đá khối granite. Phù điêu hình cánh cung khoảng 50 m2, chất liệu đồng đúc kết hợp đá khối granite. Ngoài ra, còn có kè chắn bảo vệ tượng đài và các hạng mục phụ trợ.

Ông Trần Trí Trác (sinh năm 1936), nguyên cán bộ phụ trách thanh niên xã Quảng Tiến cho biết: Cảng Hới, xã Quảng Tiến lúc bấy giờ thuộc huyện Quảng Xương, được chọn là địa phương đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, người dân xã Quảng Tiến vô cùng tự hào và xúc động.

Ông Trí bùi ngùi: Thời điểm đó, bà con nô nức, phấn khởi lắm, xã đã huy động hàng nghìn ngày công lao động, xây dựng cơ sở để đón tiếp. Cả xã trở thành đại công trường, người san lấp mặt bằng, dựng cột kèo, lán trại làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt, người làm đường, mở rộng đường ra cảng.

Trên bờ, rất đông người dân mang theo băng rôn, khẩu hiệu đứng thành hàng dài đón cán bộ, đồng bào miền Nam dọc cầu cảng. Về chỗ ở thì Quảng Tiến xây dựng 2 lán A và B, mỗi lán rộng khoảng 2.000 m2. Lán A ở ngay cảng, lán B cách cảng vài ki-lô-mét. Đồng bào sau khi đưa lên bờ sẽ được vào lán A nghỉ ngơi vài tiếng cho lại sức, sau đó di chuyển đến lán B để phục hồi sức khỏe, học nội dung, quy chế sinh hoạt, rồi chuyển về các tỉnh khác nhận nhiệm vụ mới. Có người bị say sóng, sau khi lên bờ được bà con Quảng Tiến chăm sóc tận tình như người trong gia đình.

Ông Đặng Anh Đức - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Sầm Sơn cho biết, hiện nay, đang thi công phần kết cấu (con tàu - phù điêu) và phần mỹ thuật với tổng khối lượng thi công đạt khoảng 97% hợp đồng, giá trị ước đạt 78,3 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thiện phần kết cấu, đang sơn, lát nền, cầu thang và cửa ra vào… Khối lượng thi công đạt 96% hợp đồng, giá trị ước đạt 19,1 tỷ đồng. Đã lắp dựng xong các cụm tượng và phù điêu thân tàu, cánh cung. Hiện cơ bản hoàn thiện phần thô, đang thực hiện làm tinh và mài nhẵn. Khối lượng thi công đạt 98% hợp đồng. Giá trị ước đạt 59,2 tỷ đồng. Hạng mục danh mục tài liệu, hiện vật trưng bày “không gian trưng bày tư liệu, hiện vật về đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc” sẽ giao Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa thực hiện.

Ngược dòng lịch sử, ngày 25/9/1954, các chuyến tàu chở cán bộ, đồng bào và các cháu học sinh miền Nam đầu tiên cập cảng Hới. Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, với tình cảm Bắc - Nam một nhà, tỉnh Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn đã khắc phục khó khăn, chuẩn bị cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, tốt nhất để đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, học sinh cùng nhiều gia đình cách mạng miền Nam tập kết như đón những người thân. Trong 7 đợt (từ 15/10/1954 đến 01/5/1955) đã có 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình tập kết tại tỉnh Thanh Hóa.

Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai xây dựng dự án khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc để lưu lại cho các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, tình đoàn kết Bắc - Nam thủy chung, son sắt. Công trình có ý nghĩa to lớn về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là địa chỉ đỏ đối với cả nước nói chung, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

Tiến Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/sam-son-thanh-hoa-tuong-dai-con-tau-tap-ket-ra-bac-382640.html