Samaki sĩ quan trẻ Việt - Lào
Trong bất kỳ cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa người trẻ hai nước Việt - Lào luôn vang lên cụm từ samaki (có nghĩa là đoàn kết) thân thương. Tình cảm keo sơn, thủy chung ấy được các sĩ quan quân đội nhân dân (QĐND) Lào chia sẻ với PV Tiền Phong khi sang Việt Nam tập huấn lần này.
Muốn có con dâu Việt Nam
Một trong hai thành viên nữ của đoàn sĩ quan trẻ Lào, đại úy Phouthone Nanthavong là cán bộ trong lực lượng Không quân Lào. Đơn vị của đại úy Phouthone đóng quân ở tỉnh Xieng Khouang và có hơn 260 đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Theo chị Phouthone, việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho ĐVTN ở đơn vị của chị có nhiều nét tương đồng với các đơn vị ở Việt Nam “Điều tôi ấn tượng nhất về các chiến sĩ Việt Nam là có kỷ luật chặt chẽ. Một trong những điều mà tôi sẽ áp dụng sau khi trở về đơn vị của mình là mô hình tăng gia sau giờ làm việc, học tập của QĐND Việt Nam”, chị Phouthone nói.
Rất thích món rau muống xào ở Việt Nam cũng như món mực khô mà chị sẽ mua về làm quà cho người thân, đại úy Phouthone tươi cười cho biết, chị có con trai lớn 18 tuổi, con gái thứ hai 15 tuổi. “Tôi mong muốn con trai mình sẽ theo nghề của mẹ và nếu có thể thì tôi rất muốn có con dâu là người Việt Nam, vì con gái Việt Nam giỏi giang và dễ thương”, nữ đại úy chia sẻ.
Là trưởng đoàn cán bộ sang Việt Nam tập huấn về nghiệp vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2019, trung tá Thanih Bounnao, Trưởng ban Quân huấn, Tổ chức, Văn phòng (Phòng Thanh niên QĐND Lào) cho biết, đoàn gồm 20 sĩ quan trẻ là cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm phụ trách thanh niên đến từ nhiều đơn vị trong Quân đội Lào. Từng sang Việt Nam tập huấn vào năm 2014, trung tá Thanih chia sẻ: Điều anh ấn tượng nhất sau 5 năm quay lại Việt Nam là sự phát triển của nước láng giềng anh em, cũng như thêm khâm phục tính kỷ luật, chính quy của chiến sĩ các đơn vị Quân đội Việt Nam.
“Với nhiều điểm mới, phong phú, đa dạng cùng các hoạt động thực tiễn sinh động sẽ tạo được cảm hứng và tinh thần nhiệt huyết của các cán bộ, sĩ quan trẻ QĐND Lào tham gia tập huấn lần này. Qua đó tăng thêm niềm tin, thắt chặt tình đoàn kết, củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, sự gắn bó giữa thanh niên Quân đội hai nước Việt - Lào anh em”.
Thượng tá TRẦN VIẾT NĂNG
Khẳng định chương trình tập huấn sẽ góp phần trang bị cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên trong QĐND Lào nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích, thiết thực, trung tá Thanih cho biết, đây còn là một trong những “đòn bẩy” giúp cho 4 phong trào nổi bật của tuổi trẻ QĐND Lào thêm khởi sắc.
“Các bạn sĩ quan trẻ Việt Nam rất chân tình và cởi mở. Trong 1 tháng ở Việt Nam lần này sẽ giúp các thành viên trong đoàn chúng tôi có thêm một kỷ niệm đẹp về tình đồng chí, tình anh em Việt - Lào đoàn kết đậm sâu”, trung tá Thanih nói.
Quê hương thứ hai
Từng trải qua hành trình sinh viên 6 năm tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội Việt Nam, sau ngày về nước, trung tá Chanakhone Atsamouth đảm nhiệm vai trò nhạc công kèn trumpet ở Đoàn Nghệ thuật QĐND Lào nhiều năm. Hiện tại, anh là Phó trưởng Phòng Thanh niên thuộc Tổng cục Chính trị QĐND Lào.
Trở lại Việt Nam lần này, với khả năng giao tiếp tiếng Việt tốt, trung tá Chanakhone có thêm vai trò phiên dịch cho cả đoàn. Anh tâm sự: “Tôi đã trở lại Việt Nam nhiều lần để biểu diễn. Lần nào cũng vui và xúc động với tình cảm ấm áp của các bạn. Năm 2009, trong một lần biểu diễn ngoài trời ở miền Trung, mưa rất to nhưng người dân và các chiến sĩ Việt Nam vẫn chăm chú lắng nghe khiến tôi thực sự xúc động. Tôi đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, vì thế tôi luôn muốn các bạn trẻ hai nước mãi mãi đoàn kết cùng nhau”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), cho biết: Diễn ra từ đầu tháng 9, trong thời gian một tháng, lớp tập huấn lần này nhằm bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động; đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động công tác thanh niên nói chung cũng như công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong QĐND Việt Nam nói riêng cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ đảm nhiệm công tác thanh niên của Quân đội Lào.
“Nội dung tập huấn được kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành với các hoạt động bổ trợ để bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm. Tổ chức các hoạt động tham quan các mô hình, điển hình và những hoạt động tiêu biểu tại nhiều đơn vị để giúp cho các sĩ quan Lào hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống, văn hóa, đất nước, con người và QĐND Việt Nam”, thượng tá Năng nói.
Theo thượng tá Trần Viết Năng, thời gian qua, tuổi trẻ Quân đội hai nước đã triển khai tốt các hoạt động phối hợp, kết nghĩa (hiện có 10 tỉnh biên giới của Việt Nam kết nghĩa với 10 tỉnh tiếp giáp biên giới của Lào). Ngoài ra còn có sự kết nghĩa và hợp tác giữa các tỉnh thành khác của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên với thủ đô Vientiane và một số địa phương của Lào.
“Công tác phối hợp, kết nghĩa của tuổi trẻ hai Quân đội trên tuyến đường biên giới giáp ranh giữa hai bên đã góp phần cùng nhân dân hai nước phát triển kinh tế, ổn định đời sống, bảo đảm an ninh vùng biên, xây dựng biên giới Việt - Lào thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển lâu dài”, thượng tá Trần Viết Năng khẳng định.