Samsung sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, làn sóng đầu tư tỷ USD mới cho công nghiệp hỗ trợ?
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, đầu tư sản xuất chip bán dẫn, Samsung cho biết, sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh và đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam.
Theo thông tin ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) đưa ra tại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, cùng với việc tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong các tháng đầu năm, trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ông Roh Tae-Moon cho biết, Samsung sẽ đầu tư thêm tại Việt Nam 3,3 tỷ USD trong năm nay, đồng thời đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy ở Thái Nguyên. Cùng với đó, tập đoàn dự kiến khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023. Đây cũng là trung tâm R&D của Tập đoàn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á. Hiện trung tâm này đã được hoàn thành khoảng 85%.
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, đầu tư sản xuất chip bán dẫn, Samsung dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh và đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam.
Lãnh đạo tập đoàn Samsung cũng đề nghị phía Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp để thời gian tới có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Samsung, qua đó tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, không chỉ Samsung, nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu cũng ngày càng quan tâm đến lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam. Đi đầu trong số này phải kể đến việc Intel từ nhiều năm nay đã đầu tư hơn 1 tỷ USD để mở nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Tại các cuộc làm việc với Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Intel đều khẳng định, cùng với việc đầu tư nhà máy sản xuất chip, Việt Nam là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam với khoản đầu tư gấp nhiều lần so với trước.
Theo các chuyên gia, việc Intel và giờ là Samsung (Intel và Samsung là hai trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới hiện nay) đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam được coi là bước tiến chưa từng có trong thu hút các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thực tế, không chỉ có Intel và Samsung, đã có không ít doanh nghiệp FDI có tiếng tăm trên thế giới hé lộ thông tin về những kế hoạch đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam trong chiến lược phát triển của mình. Mới đây nhất, UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Amkor Technology (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận phát triển dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD.
Theo đó, giai đoạn đầu của dự án dự kiến được đầu tư khoảng 520 triệu USD và sẽ giải ngân trong vòng 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án sẽ tập trung vào việc cung cấp các giải pháp lắp ráp, kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn trên thế giới.
Cũng là một cái tên quen thuộc trong giới làm linh kiện, bảng mạch tích hợp cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh, ông Chung Won Seok - Giám đốc Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) cho biết, công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy tại tỉnh Bắc Giang với tổng vốn đầu tư 600 triệu USD, trong đó bao gồm 351 triệu USD đã đăng ký chứng nhận đầu tư. Giai đoạn 2023-2026, công ty sẽ đầu tư thêm 249 triệu USD.
Việc tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà máy… cũng được khá nhiều doanh nghiệp FDI Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion trong lĩnh vực linh kiện điện tử, công nghệ cao công bố mới đây.
Theo các chuyên gia, việc Intel rồi giờ tiếp đến là Samsung cùng hàng sản xuất lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước trong việc cung cấp, thực hiện các dịch vụ công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực mới đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao hơn này. Tuy nhiên, để đón sóng đầu tư cũng như mở rộng đầu tư trong lĩnh vực mới, Việt Nam cùng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cần phải chuẩn bị hết sức bài bản trong việc đào tạo, giải bài toán nhu cầu về đáp ứng nhân lực.
Để đáp ứng những nhu cầu trong thời gian tới, đã đến lúc cần có những nghiên cứu, dự báo cụ thể về việc đến năm 2025 Viêt Nam cần bao nhiêu công nhân trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao để có kế hoạch đào tạo phù hợp theo yêu cầu thị trường. Khi đã hội tụ đủ các yếu tố về môi trường đầu tư, nhân lực công nghệ cao, việc tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng chất lượng cao hơn của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn thế giới, sẽ trở thành hiện thực thay vì chỉ tham gia vào các công đoạn gia công giá trị thấp của chuỗi công nghiệp hỗ trợ như hiện nay.