Samuel Morse và Alfred Vail sáng chế máy điện báo
Hệ thống điện báo của Morse chỉ cần một sợi dây, rất dễ chế tạo. Morse và Vail đã sáng chế ra bộ mã dựa trên các mẫu xung - ý tưởng được dùng cho mọi hình thức viễn thông hiện nay.
Mục sư Jedidiah Morse không muốn con trai trở thành họa sĩ, nhưng ông cảm thấy như thế vẫn tốt hơn là để con lãng phí thời gian với ngành điện. Vì vậy, sau thời gian học ở Anh, Samuel Morse trở thành họa sĩ, một trong những tay thợ vẽ giỏi nhất ở Mỹ.
Năm 1832, trên một con tàu từ châu Âu về nước, Samuel nghe nói về loại nam châm điện mới được sáng chế và niềm đam mê đối với ngành điện lại được nhen nhóm. Với trí tưởng tượng của một nghệ sĩ, ông thấy nó đang gửi thông điệp đi khắp thế giới.
Đến năm 1835, Morse chế tạo một chiếc máy điện báo bằng những thứ chắp vá, trong đó có cả khung gỗ dùng để căng vải vẽ của họa sĩ. Nhưng làm thế nào để truyền tải được hàng nghìn từ khác nhau dọc theo sợi dây duy nhất?
Ý tưởng đầu tiên của ông là tạo một danh sách các từ được đánh số, sau đó gửi các số đi bằng cách đóng ngắt dòng điện một lần cho một từ, hai lần cho hai từ… Cách này rất chậm, ngay cả khi có công tắc tự động và một loại mã tốt hơn vận dụng những khoảng bật lên và tắt đi ngắn dài của dòng điện - “dấu chấm” và “dấu gạch ngang”.
Hệ thống điện báo tự chế của ông cũng được chứng minh là không đáng tin cậy. Mọi chuyện có thể đã kết thúc, nhưng vào năm 1837, tại một cuộc trình diễn điện báo không thành công ở New York, Morse gặp kỹ sư trẻ Alfred Vail. Vail xem xét những nỗ lực chưa hoàn thiện của Morse và đề nghị thiết kế lại toàn bộ.
Ông tăng cường sức mạnh cho nam châm điện và thay thế công tắc phức tạp của Morse bằng một phím điều khiển bằng tay đơn giản. Ông bỏ danh sách từ của Morse và nghĩ ra bộ mã gồm các dấu chấm và dấu gạch ngang cho mỗi chữ cái trong bảng chữ cái. Điện báo bắt đầu thành hình.
Máy điện báo đầu tiên mà Morse chế tạo phức tạp hơn so với phiên bản do Vail thiết kế lại. Điện báo viên không trực tiếp gõ tin nhắn mà lắp ráp các mảnh kim loại có hình dạng khác nhau vào một giá đỡ, chuyển động thông qua cơ chế công tắc để bật và tắt dòng điện.
Vail gặp Morse không lâu sau khi tốt nghiệp đại học. Ông đồng ý giúp Morse và chấp nhận trả tiền để xin cấp bằng sáng chế miễn là được chia lợi nhuận. Ông còn nhờ cả cha mình giúp đỡ Morse.
Năm 1843, sau một số buổi trình diễn thành công và một số tranh cãi mang tính chính trị, Chính phủ Hoa Kỳ cấp cho Morse 30.000 đôla để xây dựng một đường dây điện báo giữa Baltimore và Washington, DC. Đã có một vài vấn đề về kỹ thuật, bởi vì chưa ai từng lắp đặt 65 km (40 dặm) đường dây trước đây. Nhưng đến ngày 24 tháng 5 năm 1844, mọi thứ đã sẵn sàng.
Khi Vail ở Baltimore trông coi hàng đống ắc quy trong lúc Morse ở Washington chăm sóc các chính trị gia, đường dây mới đã gửi đi thông điệp đầu tiên: “Những gì có được đều do Thiên chúa ban”. Trong vòng một năm, đường dây đã mở cửa phục vụ công chúng. Trong vòng 30 năm nữa, điện báo phủ sóng toàn cầu. Nhờ kỹ sư Vail, giấc mơ của họa sĩ Morse đã trở thành hiện thực.
Khoảng năm 1870, nhiều sự cải tiến về điện báo đã được thực hiện. Điện báo viên có thể giải mã một tin nhắn chỉ bằng cách lắng nghe tiếng của máy điện báo ghi tiếng, để họ rảnh tay viết ra thông điệp. Băng đục lỗ cho phép lưu trữ các thông điệp và một phiên bản mã Morse đã được phát triển để sử dụng với cáp biển.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/samuel-morse-va-alfred-vail-sang-che-may-dien-bao-post1391706.html