'Săn' ảnh rác để cứu biển
Ô nhiễm rác thải nhựa không còn là vấn đề mới mẻ mà đã được cảnh báo liên tục qua báo chí, truyền thông những năm gần đây. Tuy nhiên, người xem vẫn giật mình, lo lắng khi nhìn những bức ảnh chân thực về tình trạng ô nhiễm nặng nề của nhiều khu dân cư hay địa điểm du lịch ven biển ở Việt Nam, đang được trưng bày trong triển lãm 'Sông kể chuyện nhựa' diễn ra tại Hà Nội đến hết ngày 15/3.
Đây cũng là lần mới nhất nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đóng góp những bức ảnh và thước phim mà anh đã kỳ công đi dọc đất nước ghi lại suốt những năm qua, với mong muốn góp một phần vào việc nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong chống ô nhiễm rác thải nhựa. Hùng “rác”, biệt danh đó đã gắn với Nguyễn Việt Hùng kể từ năm 2019, khi anh thực hiện hành trình xuyên Việt bằng đường bộ và thực hiện hơn 3.000 tấm ảnh, video clip về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam. Tuy không phải người đầu tiên theo đuổi đề tài này, nhưng những góc máy ít người thấy, chân thực, kỳ công và được trình bày thành hệ thống của anh được đánh giá cao, có sức tác động mạnh mẽ.
Tay máy sinh năm 1977 cho biết: “Đam mê chụp ảnh và tham gia giảng dạy về nhiếp ảnh lâu năm, tôi hiểu giá trị của thông tin và cảm xúc những bức ảnh có thể mang tới. Một khoảnh khắc có thể thay cho nghìn lời nói. Lúc đó, chúng ta có thể thay đổi được nhận thức và dẫn đến thay đổi hành động”. Vài năm trước, Việt Hùng ngỡ ngàng khi một lần tìm hiểu và thấy thông tin Việt Nam đứng thứ tư trong bảng xếp hạng cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương của thế giới, trong khi cũng nổi tiếng với rất nhiều bãi biển, vịnh biển đẹp và hút khách du lịch trong nước và nước ngoài.
Vì thế, anh quyết tâm và lên kế hoạch đi dọc đường bờ biển đất nước để “săn” ảnh rác thải nhựa, nhằm lan tỏa và truyền cảm hứng tích cực tới cộng đồng. Từ bắc vào nam, hình ảnh những bãi biển phủ kín bởi túi ni-lông, người dân ăn uống và sinh hoạt giữa bốn bề là rác, hay những cánh rừng trơ trụi vương đầy mảnh nhựa đủ mầu sắc, cho đến rác len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm. Ở đó, chim và rùa kiếm ăn trên bãi rác. Trẻ em chơi đùa trên đống rác, sống chung với rác...
Với Việt Hùng, điều ám ảnh mãi trong chuyến đi dọc theo các vùng biển là âm thanh vo ve của những đàn ruồi, nhặng nơi bãi rác, thay vì tiếng sóng vỗ rì rào. Nhiều con đường dẫn đến các bãi tắm đẹp hoặc thắng cảnh ven biển bị rác bao vây, mà cả người dân lẫn du khách đều phải băng qua.
Theo số liệu năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi ni-lông mỗi tháng, trong đó chỉ 17% được tái chế và tái sử dụng, phần còn lại là rác thải - một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nặng nề, đặc biệt là ô nhiễm đại dương.
Trong hành trình của mình, nhiếp ảnh gia Việt Hùng không chỉ mô tả thực trạng mà còn muốn thể hiện nhóm nguyên nhân, mở ra một phần giải pháp xử lý rác thải nhựa, chẳng hạn như sử dụng thiết bị lưới, kiểm soát các cửa sông, đầu tư và hình thành hệ thống thu gom và xử lý rác ở các đảo... Trên thực tế, với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, rác thải bị vứt bỏ bừa bãi ở nhiều nơi dù ở xa biển nhưng cũng có thể dồn về đại dương, thậm chí dạt lên đầy bờ của nhiều hòn đảo không có cư dân.
Khi xuất hiện trên mạng xã hội, báo chí hoặc các chiến dịch truyền thông, những tấm hình của Việt Hùng nhận được sự quan tâm, chia sẻ và tương tác lớn. Từ hiệu ứng của một bộ ảnh, tác giả biến thành dự án dài hơi mang tên “SOS - Save Our Seas” (Hãy cứu biển của chúng ta). Đáng mừng là nhiều địa điểm ô nhiễm được phản ánh đã có những chuyển biến tốt, chính quyền và người dân vào cuộc dọn rác, trả lại bãi biển sạch sẽ.
Một số hội nhóm thanh niên, tổ chức xã hội cũng tổ chức hoạt động vệ sinh bờ biển, cửa sông thường xuyên hơn. Anh Hùng cho biết thêm, trong quá trình đi chụp rác cũng đã thấy nhiều tập thể, cá nhân duy trì hành động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trước lượng rác thải khổng lồ thải ra thì nỗ lực đó là chưa đủ, mà còn cần phải nâng cao hơn nữa ý thức của mỗi người dân về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, về tái chế, hoặc không vứt rác bừa bãi tại nơi sống, khi đi du lịch…
Với mục đích và cũng là hy vọng đó, Việt Hùng đã tham gia nhiều triển lãm ảnh, nhiều chương trình truyền thông chống rác thải nhựa, chia sẻ những câu chuyện hoặc cảnh đời xúc động, đáng nhớ đằng sau hàng nghìn bức ảnh của mình. Anh được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao danh hiệu “Đại sứ đại dương xanh”, đã xuất bản cuốn sách “Du ký xanh” kể về hành trình săn rác để cứu biển.
Nói về những dự định tiếp theo, nhiếp ảnh gia cho biết vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những chuyến đi chụp ảnh biển, đảo của Việt Nam, vì nhiều hòn đảo rất đẹp và giàu tiềm năng du lịch, nhưng vấn đề xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, anh cũng thường xuyên tổ chức và tham gia các chuyến dọn rác ở nhiều vùng biển, đưa trẻ em dã ngoại về thiên nhiên, duy trì trang web “Save our seas” để cung cấp thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa và kêu gọi chung tay giữ sạch đại dương…
Theo Hùng “rác”, mỗi người đều có thể góp phần bảo vệ môi trường theo những cách khác nhau, dù là những hành vi nhỏ. Và đối với anh, đó là dùng nghệ thuật nhiếp ảnh để truyền tải thông điệp về tình yêu thiên nhiên, cũng như thực trạng báo động của ô nhiễm rác thải nhựa. Anh cho biết: “Nếu chúng ta không hành động từ bây giờ, chắc chắn con cháu chúng ta sẽ chịu hệ quả từ rác thải nhựa. Việc làm của tôi chỉ là góp thêm tiếng nói để giúp mọi người thay đổi nhận thức, làm biển Việt Nam sạch hơn, đẹp hơn”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-chay/san-anh-rac-de-cuu-bien-687902/