Săn ảnh trên bán đảo Sơn Trà
Khi những tia nắng hè vàng như nghệ chiếu xuống những con đường chạy dọc ven biển, là lúc những bông hoa lim xẹt bắt đầu bung nở vàng rực trên bán đảo Sơn Trà. Đó cũng là dịp các nhiếp ảnh gia kéo nhau về bán đảo 'chầu chực' đêm ngày canh những khoảnh khắc đẹp để chụp voọc chà vá chân nâu khi chúng kéo nhau ra ăn.
Bắt khoảnh khắc, chạm cảm xúc
Để không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp, nhà báo Trường An rủ tôi lên bán đảo từ sáng sớm. Cứ ngỡ là người có mặt đầu tiên nhưng khi đến nơi, nhiều nhiếp ảnh gia đã tụ tập đông đủ với dụng cụ máy móc có ống kính khủng sẵn sàng tác nghiệp. Họ còn mang theo cả thức ăn và ghế ngồi chờ để không bỏ lỡ cơ hội chụp những khoảnh khắc hiếm có khi đàn voọc chà vá chân nâu kéo nhau lên những lùm cây lim xẹt kiếm ăn.
Hoa lim xẹt còn gọi là điệp, muồng kim phượng hay phượng vàng, bắt đầu nở vào cuối tháng 3 và kéo dài đến tận tháng 6. Vào thời điểm này, không chỉ chúng tôi mà bất kỳ ai đặt chân lên đây cũng phải ngẩn ngơ, đắm say với những bông hoa vàng rực chen giữa vòm lá xanh.
Không bỏ lỡ cơ hội này, nhân dịp ra Đà Nẵng công tác, nhiếp ảnh gia Trần Quốc Toàn (TP Hồ Chí Minh) đã tranh thủ 3 ngày cuối cùng của chuyến công tác lên bán đảo Sơn Trà săn ảnh. Anh cho biết, đây là lần đầu tiên chụp voọc chà vá chân nâu nên rất hào hứng và thích thú. Có lẽ vì vậy mà anh rất chịu khó đi sớm về muộn để canh những góc ảnh đẹp của voọc chà vá chân nâu bên những nhành hoa lim xẹt nở vàng dưới ánh bình minh vừa ló rạng hay trong nắng chiều tà.
Khi săn được những bức ảnh đẹp, anh đều chia sẻ lên trang facebook cá nhân ngay lập tức để bạn bè ở TP Hồ Chí Minh cùng chiêm ngưỡng. Hình ảnh những voọc mẹ hiền lành vừa ẵm con vừa vươn tay ra hái hoa là những khoảnh khắc mà anh Toàn rất tâm đắc, nhất là lúc chúng chuyền từ cành này sang cành khác như những chú vượn nhảy dù trong không trung. Vẻ đẹp của Sơn Trà đã khiến anh phải thốt lên: “Ôi, nhớ những chú voọc chà vá chân nâu quá” sau khi trở về TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ có hoa lim xẹt, qua giữa tháng 4 đầu tháng 5, bán đảo Sơn Trà còn xuất hiện những bông hoa thàn mát có màu tím buồn man mác mọc ra từng chuỗi đẹp dung dị và quyến rũ. Đây là một loài hoa đặc hữu của Sơn Trà thuộc họ Đậu Cánh bướm và là món ăn ưa thích của loài Voọc chà vá chân nâu.
May mắn hơn Trần Quốc Toàn, nhiếp ảnh gia Phạm Phùng (Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng) đã có mặt ở bán đảo Sơn Trà hơn 10 năm nay kể từ khi anh đến với ảnh nghệ thuật. Đến hẹn lại lên, mùa hoa năm nào anh cũng có mặt và bám trụ trên đó từ sáng sớm đến tối mù tối mịt mới về. Nhưng bù lại cho những vất vả đó, anh có nhiều bức ảnh đẹp khi bắt được những khoảnh khắc độc lạ.
Điển hình là chùm ảnh voọc anh gửi tham gia cuộc thi ảnh đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vào năm 2020. Ban giám khảo đã chọn bức ảnh một chú voọc chà vá chân nâu nằm thản nhiên trên một thân cây để trao giải nhất, bởi bức ảnh cho thấy không gian môi trường sống của loài voọc không bị làm xáo động.
“Để bắt được khoảnh khắc đẹp về voọc, tôi đã ở suốt cả ngày trên Suối Ôm để canh khoảnh khắc hiếm mà không ai có thể chụp được”, anh Phạm Phùng chia sẻ. Theo anh Phạm Phùng, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh lên đây săn ảnh voọc trong những mùa hoa lim xẹt, hoa thàn mát nở, không chỉ để đăng báo hay tham dự các cuộc thi mà đôi khi họ chụp như một niềm đam mê và cất làm tư liệu cho riêng mình. Đó cũng là lý do mà nhiều nhiếp ảnh gia thường xuyên túc trực trên bán đảo Sơn Trà mỗi mùa hoa lim xẹt, hoa thàn mát nở để săn ảnh mà không biết chán. Cũng như mọi năm, mùa hoa năm nay họ lại í ới nhau lên bán đảo Sơn Trà săn ảnh và chia sẻ những khoảnh khắc đẹp trong fanpage Hội ảnh voọc Sơn Trà như một niềm đam mê.
Đưa hoa đặc hữu bán đảo Sơn Trà về phố
Hiện bán đảo Sơn Trà có hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu sinh sống. Những tán cây lim xẹt và cây thàn mát là nơi trú ngụ của chúng. Sự hòa quyện màu sắc rực rỡ của nhiều loài hoa cùng với voọc chà vá chân nâu đã tạo nên sức hút cho người dân, du khách và các nhiếp ảnh gia khi đến với bán đảo Sơn Trà.
Cũng chính vẻ đẹp này mà chính quyền TP Đà Nẵng đã nảy ra ý tưởng tạo nét đẹp bản sắc riêng trên bán đảo Sơn Trà khi bỏ ra hàng tỷ đồng để trồng các loài cây đặc hữu trên các con đường lên bán đảo với lộ trình kéo dài ba năm. Cùng với đó là thực hiện đề tài Nghiên cứu quần thể loài thực vật bản địa đặc trưng của bán đảo Sơn Trà và khả năng di thực trồng tại công viên, đường phố trên địa bàn quận Sơn Trà.
Đến nay, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đã triển khai nghiên cứu thành công ba loài cây đặc hữu gồm thàn mát, găng cao, thành ngạnh. Các loài cây này đều đáp ứng tiêu chí cây xanh đường phố như thường xanh, có hoa đẹp, không có rễ nổi, không có hoa quả thu hút côn trùng và chịu được mưa bão… Hàng trăm cây hoa thàn mát đã được trồng thử nghiệm tại tuyến đường Hoàng Sa và các công viên, đường phố trên địa bàn phường Nại Hiên Đông đều sinh trưởng tốt.
Vui mừng trước những kết quả nghiên cứu bước đầu, ông Nguyễn Quyết, Trưởng phòng Khoa học ứng dụng cho biết: “Kể từ khi thực hiện đề tài vào năm 2021, đến nay Trung tâm đã nghiên cứu ba loài cây đặc hữu gồm thàn mát, găng cao, thành ngạnh và cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có được kết quả này là cả một quá trình dày công nghiên cứu theo quy trình nghiêm ngặt. Từ việc triển khai thực hiện điều tra tìm loài cây thích hợp cho đến việc hỏi ý kiến chuyên gia, rồi mới tuyển chọn danh mục các loại cây có khả năng di thực. Hầu hết chúng tôi thực hiện phương pháp gieo hạt và chỉ một ít giâm hom (biện pháp nhân giống vô tính mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành sản xuất giảm) nhưng qua thử nghiệm thì gieo hạt cho kết quả cao hơn”.
Đến nay, Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng đã chuyển giao hơn 600 cây thàn mát, găng cao, thành ngạnh cho quận Sơn Trà, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng triển khai trồng thử nghiệm tại tuyến đường Hoàng Sa và các công viên, đường phố trên địa bàn phường Nại Hiên Đông. Bên cạnh đó, trung tâm cũng giao Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn trồng thử nghiệm 50 cây các loại. Song song đó, trung tâm tiếp tục nghiên cứu nhân giống mới tại vườn ươm, đồng thời theo dõi và chăm sóc cây trong quá trình trồng thử nghiệm ngoài thực địa. Đối với cây thàn mát, thành ngạnh thì sau 3 đến 5 năm có thể cho hoa tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc.
Ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho hay: “Việc nhân giống các cây bản địa sẽ tạo loài cây đặc thù, đặc hữu trồng cho các tuyến phố, từ đó tạo màu sắc hoa riêng cho đô thị du lịch. Ngoài các loại cây trên, thành phố cần xem xét trồng bổ sung một số loại cây đa dạng sắc hoa tại các điểm dừng chân du lịch như: lim xẹt hoa vàng, thàn mát hoa trắng, ngô đồng… để tạo điểm nhấn sắc màu tại các điểm đến tham quan”.
Trong khoảng 3 đến 5 năm nữa, những bông hoa thàn mát, hoa lim xẹt sẽ cho hoa khoe sắc trên nhiều đường phố Đà Nẵng. Điều này cho tôi tin tưởng rằng thành phố sẽ có thêm nhiều loài cây bản địa có hoa đẹp, độc lạ được trồng đại trà trên nhiều tuyến phố trong nội thành, tạo nét đẹp mang bản sắc riêng cho thành phố biển để thu hút du khách gần xa đến tham quan.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/san-anh-tren-ban-dao-son-tra-i728699/