Sân bay Sóc Trăng

Vào thời Pháp chiếm đóng, nơi đây là Trường đua ngựa. Trước năm 1950, tại đây có hãng bay tư nhân 'Avions Taxis d'Indochina' (ATAVINA) hoạt động. Đến năm 1951, hãng hàng không AIR Việt Nam ra đời, hoạt động đến năm 1975… Khu 'Sân bay Sóc Trăng' này (từ đường Trần Hưng Đạo, Phường 2, kéo dài gần tới ngã ba Trà Tim, Phường 10, TP. Sóc Trăng hiện nay), hiện là Trường Quân sự Quân khu 9.

Trường đua ngựa Sóc Trăng tồn tại đến năm 1945 – 1946. Sau Nhật đảo chính Pháp và phong trào tiêu thổ kháng chiến lắng xuống, Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương, thực hiện ý đồ xâm lược “thực dân kiểu cũ”. Chúng nhận thấy khu vực Trường đua ngựa này có vị trí chiến lược quân sự thuận lợi gần trung tâm hành chính tỉnh lỵ, để kiểm soát trên đường Quốc lộ 4, là đường liên tỉnh nối liền Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau nên Pháp dẹp bỏ Trường đua ngựa và cho xây dựng thành Sân bay Sóc Trăng.

Sân bay Sóc Trăng xưa. Ảnh: Flickr Tommy Truong/Internet

Sân bay Sóc Trăng xưa. Ảnh: Flickr Tommy Truong/Internet

Cao điểm đến năm 1964, để củng cố vị trí quân sự kết hợp dân sự trên đường hàng không, chính quyền Sài Gòn ra lệnh cho tỉnh giải tỏa khu nghĩa địa của bà con quanh vùng và mua thêm đất chung quanh mở rộng “Sân bay Ba Xuyên” với hào sâu, lô cốt, hàng rào thép gai dày đặc bao quanh để hoạt động đến năm 1975 thì tan rã…

Toàn cảnh Sân bay Sóc Trăng xưa. Ảnh: Internet

Toàn cảnh Sân bay Sóc Trăng xưa. Ảnh: Internet

Trước năm 1950, có một nhóm doanh nhân 5 người gồm: Nguyễn Bá Vạng, Nguyễn Châu (hai người này là cựu nhân viên của hãng Avions Taxis d`Indochine), La Đông Toan, Đặng Vi và Pháp kiều Aroulanda, mỗi người góp cổ phần 10.000 đồng bạc Đông Dương để mở Hội Việt Nam Hàng không Vận tải Đại lý cuộc (ATAVINA) với các lĩnh vực chính là bán vé hành khách, hàng hóa và lo việc thuê máy bay khi có nhu cầu.

Khu vực này trước đây là đường băng của Sân bay Sóc Trăng.

Khu vực này trước đây là đường băng của Sân bay Sóc Trăng.

Anh Tùng ở Phường 2, TP. Sóc Trăng cho biết: “Hồi xưa, ngoại cho ba mình học tiếng Tây ở Trường Primaire Sóc Trăng rồi lên học tiếp trên Sài Gòn. Sau đó, ba mình tên Âu Đông Hớn về quê và ra làm sếp điều hành của đại lý hàng không “Avion de taxi”, bay tuyến Sài Gòn - Sóc Trăng - Sài Gòn. Đây là hãng máy bay dân sự nhỏ với các loại máy bay cánh quạt nhỏ như DC3, DC4, CESSNA… chuyên chở thuê ít khách và hàng hóa, nó có công dụng như mình thuê bao xe taxi 5 - 7 chỗ ngồi bây giờ. Hãng hoạt động tại Sân bay Sóc Trăng – nay là doanh trại bộ đội trên đường Trần Hưng Đạo hướng về xã Đại Tâm. Đến khoảng năm 1950, máy bay của hãng gặp tai nạn trên Đà Lạt, phi công và hành khách tử nạn, hãng ATAVINA bồi thường số tiền hồi đó rất lớn nên tuyên bố phá sản. Ba mình sau đó chuyển về làng Phú Nổ (Phú Tâm) dạy học cho đến lúc nghỉ hưu rồi ba mất hơn chục năm nay”.

Tại vị trí này là khu tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy bay. Ngày nay là khu vực khán đài của Trường Quân sự Quân khu 9.

Tại vị trí này là khu tiếp nhiên liệu, sửa chữa máy bay. Ngày nay là khu vực khán đài của Trường Quân sự Quân khu 9.

Hãng hàng không mới AIR Việt Nam ra đời năm 1951, với số vốn ban đầu là 18 triệu tiền Đông Dương, tương đương hơn 300 triệu franc Pháp lúc bấy giờ. Phân nửa vốn của chính phủ, phần còn lại do các công ty Pháp hợp tác. Hãng khai thác đường bay Sài Gòn đi các tỉnh Cần Thơ, Ba Xuyên (Sóc Trăng), Phan Thiết, Long Xuyên, Cà Mau… mở rộng ra Băng Cốc, Singapore, Nhật Bản…

Riêng đại lý bán vé máy bay của AIR Việt Nam tại Châu Thành Khánh Hưng xưa nằm gần góc đường Đại Ngãi (nay là góc đường Hai Bà Trưng – Phan Chu Trinh) hoạt động hơn 20 năm thì giải thể... Mặt tiền Sân bay Sóc Trăng - trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Vương khánh Hưng

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/soc-trang-que-toi/san-bay-soc-trang-31551.html