Sân bay trực thăng tại bệnh viện đầu tiên của Việt Nam chính thức hoạt động
Sau thời gian dài chuẩn bị, hệ thống cấp cứu đường hàng không tại TPHCM chính thức được cấp phép đưa vào vận hành. Sân bay thuộc Viện Chấn thương Chỉnh hình sẽ trở thành nơi tiếp nhận người bệnh.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chính thức quyết định ban hành phương thức khai thác, sử dụng sân đỗ trực thăng tại Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175. Theo đó, các chuyến bay phục vụ cấp cứu y tế, cứu hộ, cứu nạn nhiệm vụ quốc phòng và huấn luyện; các cơ quan đơn vị quản lý, điều hành đảm bảo an toàn bay; thống nhất cập nhật sân bay trực thăng tại Viện Chấn thương Chỉnh hình vào quy chế bay của sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175
Sáng 19/12, Bệnh viện Quân y 175 phối hợp với Sở Y tế TPHCM chính thức ra mắt hệ thống cấp cứu đường hàng không.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Suốt 30 năm qua đồng hành với y tế biển đảo, Tây Nguyên, nước bạn Campuchia, chúng tôi đã có mơ ước làm sao để có được những chuyến bay trực tiếp về bệnh viện để cướp được giờ vàng trong cứu chữa người bệnh. Mơ ước hàng chục năm qua đến nay đã trở thành hiện thực sau hơn 1 năm chuẩn bị. Đường bay riêng vì mục đích cứu chữa người bệnh đã được thiết lập, chúng tôi sẽ nỗ lực cứu chữa người bệnh bằng tất cả tâm trí và năng lực của mình".
Ngay sau khi ra mắt, quy chế bay sẽ được xây dựng, phương thức bay trên cơ sở phối kết hợp giữa nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng và chăm sóc sức khỏe của người dân khu vực TPHCM nói riêng và các khu vực khác cũng như cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, phục vụ dân sinh. Tiếp đó, sự phối hợp giữa quân dân y sẽ thiết lập hệ thống cấp cứu ngoại viện đảm bảo góp phần xây dựng thành phố thân thiện vững mạnh và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.
Thời gian qua, Bệnh viện Quân y 175 đã phối hợp với Quân chủng Phòng không Không quân thực hiện nhiệm vụ vận chuyển nhiều trường hợp bệnh nhân là các chiến sĩ, ngư dân đang công tác ở biển đảo, đánh bắt cá ở các ngư trường của Việt Nam không may bị ốm đau, tai nạn về đất liền cấp cứu. Tuy nhiên, tất cả các chuyến bay từ trước đến nay đều hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau đó mới chuyển về bệnh viện. Thời gian chuyển bệnh phát sinh, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cấp cứu, điều trị, phát sinh thêm nguy cơ cho người bệnh.
Sau khi sân bay của Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 đưa vào sử dụng sẽ giải quyết khẩn cấp các tình huống, sự cố y khoa, tận dụng thời gian vàng trong cứu chữa cho người bệnh, nâng cao chất lượng cấp cứu, điều trị. Ngoài nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển cho các chiến sĩ, người dân gặp nạn sân bay cấp cứu trực thăng sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, hướng đến là trung tâm cấp cứu đa năng phối hợp giữa đường bộ, đường thủy, đường hàng không, giải quyết tất cả các tình huống sự cố, thảm họa, thiên tai.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: "Từ năm 2021 ngành y tế xem cấp cứu ngoại viện là một hoạt động quan trọng song hành cùng các nhiệm vụ khác góp phần nâng cao năng lực y tế phát triển mang tầm khu vực. Đến nay, ngành y tế đã chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoại viện khi tiếp cận được các dịch vụ cấp cứu đa dạng của các nước phát triển trên thế giới, trong đó cấp cứu bằng trực thăng".
PGS Tăng Chí Thượng cho biết thêm: "Với sân bay tại Viện Chấn thương Chỉnh hình đầu tiên, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian sớm nhất thành phố sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng nhiều sân bay khác tại các bệnh viện đã được xây dựng như Ung Bướu, Nhi Đồng Thành phố, mở ra cơ hội cứu sống bệnh nhân ngày càng tốt hơn. Để làm được điều đó, ngành y tế sẽ phối hợp để đưa ra các quy trình, chỉ định cụ thể nhằm tối ưu hóa dịch vụ cấp cứu hiện đại này".