Săn cá đêm
Cuối Hạ, mưa ào ào như trút nước. Dòng chảy sông Bứa ồ ạt đổ về xuôi như muốn cuốn phăng tất cả những gì chặn dòng, ngăn lối. Thế nhưng, đó lại là 'dòng sống' của nhiều người dân chài lưới ven sông. Mấy chục năm, lặn lội theo con nước, anh Nguyễn Xuân Thái (khu 2, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn) thuộc từng bờ, bãi đến những quãng nước nông, sâu. Tiếng dầm chèo khua nước lẫn trong những thanh âm của màn đêm tịch liêu trên sông tựa như tiếng thở của một đời mưu sinh chài lưới. Bao vui buồn, tâm tình rất riêng về nghề hằn in trong dáng hình ngư dân lầm lũi dưới bóng trăng nhẫn nại buông lưới, giăng câu, săn tìm 'lộc sông'…
Anh Nguyễn Xuân Thái (khu 2, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn).
Đêm trên sông Bứa
Anh Nguyễn Xuân Thái trước đây là trai làng Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn. Năm 1985, anh theo cha lên Minh Đài lập nghiệp. Khu làng gia đình anh sinh sống nằm sát bờ bãi sông Bứa, vậy nên học hết cấp hai, anh bắt đầu học nghề chài lưới, bám sông nước mưu sinh.
Qua mấy ngày mưa không đi thả lưới, một chiều đầu tháng sáu, anh Thái vai vác chiếc thuyền nan, đầu đội đèn pin, tay lỉnh kỉnh dao, thớt, lưới, chài,... rảo bước ra phía bờ sông. Trời đã chập choạng tối, nhưng khí hậu nóng ẩm miền rừng núi vẫn cứ hầm hập như muốn bòn rút toàn bộ sức lực của con người. Bởi thế mà mới đến bờ sông, ai trong chúng tôi cũng đều đã thấm mệt, đầm đìa mồ hôi. Chỉ có chủ thuyền là vẫn mải miết thực hiện những công việc đã thành thục suốt mấy chục năm qua. Anh thả thuyền, gỡ lưới, chuẩn bị đèn pin. Chốc chốc, chúng tôi lại thấy anh phẩy tay áo buông dài bám đầy nhựa cây và bụi đường quệt ngang trán lau những giọt mồ hôi chực chờ rơi xuống mắt, anh bảo: “Giờ nhập nhoạng thế này, cá ở dưới nước không nhìn thấy mình thì mới dễ bắt”. Cứ thế, chiếc thuyền dần xa bờ, chúng tôi theo chân người ngư dân lão luyện bắt đầu chuyến đánh bắt cá đêm.
Công đoạn thả lưới, đập nước để xua cá chạy, mắc vào giàn lưới.
Trên sông, đoạn nước nông thường chảy xiết, ồn ào và không nhiều cá. Do đó, lựa chỗ nước sâu, tĩnh lặng, anh Thái thoăn thoắt gỡ lưới, dải đều trên khúc sông dài. Khi tấm lưới giăng hết xuống nước, anh bơi ra phía ngoài, dùng chiếc sào dài đập mạnh trên mặt nước để đánh động, xua cá chạy, mắc vào giàn lưới đã được giăng sẵn. Ở đoạn sông khác, anh buông lưới câu giăng để chờ bắt cá to hơn. Anh thở dài: “Mấy tuần nay mưa nhiều, nước lên, nên đánh bắt cá cũng hên xui lắm. Mùa này buông lưới chủ yếu để săn cá chạch, cá sứt, còn những loại to như cá bò, cá hồng 4-5 cân thì rất khó dồn”.
Sau hơn một tiếng cặm cụi trên sông, tranh thủ lúc chờ cá mắc đủ mẻ lưới, anh Thái tấp thuyền vào bờ cát bên kia sông nhóm bếp, thổi cơm. Nhặt nhạnh vài cành củi khô, canh hướng gió, anh bắt đầu mồi lửa. Cơm chưa kịp chín, món cá chạch nướng không tẩm ướp gì nhiều đã dậy mùi thơm nức mũi trên bếp củi, khiến chúng tôi cứ chóp chép, thòm thèm không thôi. Trong ánh sáng bàng bạc của chiếc đèn pin lấp ló giữa đêm đen đặc quánh, chúng tôi lặng lẽ thưởng thức bữa cơm dân dã, giản dị nhưng ngon đến khó tả của ngư dân chài lưới. Tiếng xuýt xoa khen vị cá lạ, thịt chắc ngọt hòa quyện cùng khung cảnh sông đêm, tiếng nước vỗ mạn thuyền, tiếng cá ngoi lên mặt nước tanh tách là những trải nghiệm lạ lẫm đến khó quên.
Những ngư cụ gắn bó với anh Thái gần 30 năm làm nghề chài lưới.
Tâm tình nghề chài lưới
Giữa đêm, chiếc thuyền nan được đẩy ra khỏi bờ, anh Thái bắt đầu thu lưới. Đầu đội đèn pin, một tay chèo thuyền, miệng ngậm dụng cụ đặc biệt được chế tác riêng để mắc lưới không bị rối, tay kia thoăn thoắt rút lưới gọn gàng, anh khoe: “Chừng này cá là được vài trăm nghìn rồi. Giờ cá sông đang là đặc sản nên rất dễ bán, may mắn săn được cá sứt, cá chạch, giá bán cũng lên tới 180 đến 200 nghìn/cân đó”. Với ngư dân miền sông nước, mùa “ăn nên làm ra” đến vào tháng Giêng, tháng Hai hàng năm. Khi tiết trời ấm áp, cá rời khỏi các ngách đá đi tìm thức ăn, việc đánh bắt cũng dễ hơn. Nhớ lại những lần may mắn, anh Thái tấm tắc: “Có những ngày cá mắc trĩu lưới, hai vợ chồng cùng mẹ già cặm cụi gỡ cá từ lúc mặt trời còn chưa ló rạng đến khi nắng gắt chiếu qua đỉnh đầu, bụng réo cồn cào mới ngơi tay. Lắm khi đi săn cá to, bốn năm chiếc thuyền cụm lại giăng bẫy, ráo riết lùa cá trong tiếng hô của bạn thuyền vọng vang vào vách núi, tiếng hò reo ăn mừng cá mắc bẫy... rộn ràng, vui sướng biết bao”. Nghề chài lưới là vậy, những niềm vui tuy chỉ dung dị là cá đầy khoang, là chinh phục những loài cá lớn, vậy nhưng cũng là đánh đổi cho biết bao sự chịu thương, chịu khó, sự can đảm và khéo léo của người ngư dân.
Mẻ cá đêm đầy khoang.
Gần 30 năm oằn mình theo con nước, anh Thái thuộc lòng những đoạn sông nông sâu, những khúc sông cho nhiều mẻ cá ngon, anh trải lòng: “Ngày trước cá sông nhiều lắm, chứ không hiếm như bây giờ. Một phần là do nước sông giờ đục hơn, phần khác là do một số ngư dân đánh bắt trộm bằng mìn nổ, kích điện. Cũng may, chính quyền quản lý nghiêm ngặt việc đánh bắt cá đúng quy định mới giữ lại được cá bé, để chúng lớn, sinh sôi sau này mới có cá bắt tiếp. Tới đời con, đời cháu sau này, chúng mới có cái để làm ăn, để giữ sông”. Với anh Thái hay bất cứ ngư dân chài lưới nào nơi đây, đánh bắt cá tuy chỉ là công việc làm thêm nhưng lại mang nguồn thu nhập chính trong gia đình. Lâu nay, những ngư dân miền sơn cước này vẫn luôn giữ cách thức đánh cá thủ công, coi đó là thú vui, vừa bảo vệ được con tôm, con cá trên sông, vừa giữ nguồn sống cho chính cuộc đời mưu sinh của họ.
Tờ mờ sáng, khi chúng tôi vẫn đang còn mơ màng trong những câu chuyện không đầu, không đuôi ẩn chứa bao nỗi niềm chuyện nghề của anh Thái, tiếng bạn nghề đã vọng vang xa xăm, hỏi thăm nhau về ngày mới bội thu. Cứ thế, mỗi con thuyền ngả về một hướng, mang sản vật sông nước bày biện trên những mâm cơm từ bình dân đến sang trọng. Còn chúng tôi, chia tay anh Thái trong niềm cảm xúc khó tả, hẹn một ngày nào đó lại cùng anh lênh đênh trên con thuyền chèo dọc sông Bứa tiếp tục với chuyến săn tìm “lộc sông”.
Mai Bích
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/san-ca-dem/184807.htm