Săn cá lăng

Chảy qua nhiều cánh rừng hoang vu của vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ, sông Bé hùng vĩ từ xa xưa đã gắn với bao câu chuyện ly kỳ. Ngày nay, dù dòng sông đã thay đổi rất nhiều nhưng nơi đây vẫn là thế giới mưu sinh của hàng trăm con người, trong đó có những người săn cá lăng, một đặc sản nổi tiếng của vùng đất này.

Sông Bé đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Sông Bé đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.

Mưu sinh trên dòng sông dữ

Cũng như nhiều dòng sông có dòng chảy xiết và gập gềnh khác, sông Bé là nơi sinh trưởng và phát triển của loài cá lăng, loài cá thường di chuyển trong dòng nước chảy mạnh.

Tuy nhiên, để săn được cá lăng ở sông Bé là điều vô cùng khó khăn và vất vả bởi nhiều người gọi đây là dòng sông dữ. Nghĩa là nước chảy xiết, có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không am hiểu dòng sông, từng khúc sông, vụng nước. Ngày nay, dòng chảy của sông Bé đã êm ả hơn khá nhiều do trên dòng sông đã có một số công trình thủy điện như Thác Mơ, Sok Phú Miêng…

Gắn bó nhiều năm với dòng sông Bé, anh Nguyễn Văn Giang (39 tuổi), một người thường xuyên đi thả câu cá lăng cho biết anh thường tìm tới ven sông Bé để thả câu, thay vì dưới khu vực hồ Trị An dù hai địa điểm này gần nhau.

“Ở đây người ta cứ bảo cá lăng đặc sản hồ Trị An nhưng cá hồ không bao giờ ngon bằng cá sông. Cá sông Bé lại chắc thịt hơn rất nhiều vì chúng sống trong môi trường tự nhiên thuần túy. Sông Bé nước chảy cuồn cuộn, thác lớn thác nhỏ rất nhiều nên không chỉ cá lăng đâu, cá nào ở đây cũng chất lượng lắm.

So với câu ở hồ Trị An thì câu ở sông Bé ngon gấp 10 lần. Câu hồ dễ trúng hơn vì nước êm và Nhà nước năm nào cũng thả hàng tấn cá giống xuống đó. Còn câu sông thì phải am hiểu chứ không dễ như câu hồ đâu”, anh Giang cho biết.

Theo người đàn ông này, nhà anh ở dưới thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) nhưng thường chạy xe gắn máy lên khu vực ven sông Bé để thả câu cùng nhóm vài người nữa. “Tôi thường lên trên đoạn ngã ba sông Mã Đà hay ngược lên bến đò Cây Khô, Cây Gáo để thả câu. Có bữa còn ngược lên tới mạn Phước Hòa, Phú Giáo nữa. Nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy cá dưới mạn Mã Đà nhiều hơn, cũng có nhiều con bự hơn, nhất là khu vực bến đò Hiếu Liêm. Hồi đầu tháng trước tôi đánh được con cá lăng 11,5 kg ở ngay ngã ba sông Mã Đà đó. Loại trên 10 kg bây giờ khá hiếm, có khi vài năm mới trúng một lần. Ngày xưa thì nhiều hơn, có khi năm đánh được vài con. Nhưng bù lại cá bây giờ được giá lắm, bán được 9 triệu đồng cho nhà hàng ở dưới Biên Hòa”, anh Giang kể.

Anh Giang cho biết, câu được con cá lớn chừng trên 10 kg thường hiếm nhưng câu cá nhỏ thì bình thường, mỗi ngày cũng có được vài ba kg tùy theo. Những hôm trở trời, mưa xong tạnh nắng hoặc đêm hôm trước mới mưa… thì thường câu được nhiều hơn, có khi là 6-7 kg. Tất cả cá lăng đều giữ trong thùng nhựa cho sống để chiều tối đem về thị trấn bán cho được giá.

Đặc sản cá lăng trên sông Bé.

Đặc sản cá lăng trên sông Bé.

Đặc sản lăng đuôi đỏ danh tiếng

Cũng có nhiều năm gắn bó với sông Bé để mưu sinh, anh Trần Văn Sở (34 tuổi) ở xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, anh gắn bó với dòng sông Bé từ khi còn rất nhỏ. Về kinh nghiệm săn cá lăng, anh Sở nói rằng, quan trọng nhất là sự kiên trì.

“Khi mưa bắt đầu, nước trên thượng nguồn Bù Gia Mập, Đắc Nông… tràn về là khi cá lăng xuất hiện nhiều. Những ngày này tôi làm lều ở ven sông để thả câu săn cá lăng luôn, có khi ở lại vài ngày liền. Tôi thường câu lưỡi đôi, lưỡi ba rồi để rải dọc bờ sông chừng hơn chục cần câu. Vậy nhưng cũng có ngày chỉ được chưa tới 2kg cá. Ngày nào hên có khi được chừng 6kg. Ngoài cá lăng thì vài loại cá khác cũng dính câu. Cá sông Bé bây giờ bán được giá lắm”, anh Sở kể.

Vừa nhìn ra dòng nước chảy cuồn cuộn đục ngầu, anh Sở vừa nói, nếu thả câu dài ngày thì thường mắc vài loại mồi khác nhau, từ trùn chỉ, dế, cá con hay sung chín… Mỗi loại mồi sẽ thu hút một loại cá khác để không bị “thất thu” nếu cá lăng không có. Ngoài ra, mỗi dây câu cũng sẽ gắn 2 loại mồi khác nhau cũng vì mục đích trên. Sau khi thả câu và đóng chắc vào đất, anh thường nằm nghỉ ngơi hoặc đi vào rừng tìm thêm nấm, măng rừng, thảo quả, chuối hột rừng… “Nếu thả câu lâu thì chừng 4 giờ đồng hồ mình sẽ thăm câu một lần, có cá thì kéo lên mà không có cá cũng kéo lên.

Ở sông Bé nước chảy rất dữ, vài tiếng đồng hồ là mồi sẽ rữa hết, phải thay mới vậy. Giờ đầu mùa mưa chưa có cá lớn đâu nhưng lăng nhỏ thì nhiều, ngày nào cũng được dăm kg. Cá lăng loại này giờ bán chỉ 60-70 ngàn đồng mỗi kg thôi. Cá tầm 2 kg giờ thương lái họ lấy giá mới có 100 ngàn đồng.

Nhưng cá lăng cũng có mấy loại cơ. Cá lăng chấm là rẻ nhất, loại lớn cũng chỉ trăm ngàn. Cá lăng vàng thì giá cao gấp đôi, cũng là loại xuất hiện nhiều nhất ở đây, thường xuyên câu được. Cuối cùng là cá lăng đuôi đỏ, cỡ 3 kg là giá khoảng 250 ngàn đồng 1 kg rồi. Riêng loại trên 5 kg thì giá phải hơn 300 ngàn mỗi kg. Còn đuôi đỏ mà trên 10 kg thì bán theo thỏa thuận riêng, có khi cả chục triệu đồng tùy theo nữa”, anh Sở kể.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc chiều dài hàng trăm cây số, lòng sông Bé hầu hết gập ghềnh, uốn lượn khiến dòng chảy rất xiết, khó lường. Vì vậy, nơi đây ít có những ghe thuyền thả lưới, giăng câu như những dòng sông khác. Chỉ một vài hồ thủy điện, đập trên sông Bé sau khi được xây dựng thì được người dân giăng câu, thả lưới. Ở ven bờ sông, cũng như anh Sở, anh Giang mà chúng tôi trò chuyện, hàng trăm ngư dân khác cũng chỉ thả câu săn cá mà thôi. Trong số này phần lớn là những người mưu sinh, chỉ một số ít là câu giải trí ở dưới các đô thị như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, TPHCM ngược lên.

Anh Giang và một cá con lăng hơn 3 kg vừa câu được. Ảnh: ĐOÀN XÁ.

Anh Giang và một cá con lăng hơn 3 kg vừa câu được. Ảnh: ĐOÀN XÁ.

Kể về những kỷ niệm đáng nhớ săn cá lăng ở sông Bé, anh Sở bảo hồi trước dịch Covid-19 anh từng đánh được con cá lăng đuôi đỏ nặng 27kg ở đoạn gần ngã ba Suối Rạc. Con cá sau đó bán lại cho thương lái ở dưới Biên Hòa lên mua với giá là 25 triệu đồng.

“Đó là con cá lăng đuôi đỏ lớn nhất mà tôi đánh được. Cá lăng đuôi đỏ rất quý vì thịt chúng thơm ngon, dai chắc như thịt bò. Con cá dài hơn 1m, vòng bụng như cây chuối rừng, đuôi màu đỏ rất đẹp. Nhưng đánh được nó không dễ, thậm chí còn may mắn mới có thể đưa lên bờ được. Bữa đó mới buổi sáng sớm thôi. Tôi thả được gần mười cần câu, đang tính ăn hộp cơm tấm thì thấy tiếng quẫy rất mạnh. Cá lăng dăm kg quẫy cũng mạnh lắm nhưng tôi có cảm giác đây là con bự vì nó tạo sóng cuộn. Tiếp đó tôi chạy tới giữ chặt cần câu, thả thêm dây cho con cá di chuyển và hét lớn cho mấy bạn câu gần đó biết.

Tôi vừa thả dây câu ra, lại vừa cuộn dây câu để vờn cho con cá kiệt sức. Chừng hai giờ đồng hồ con cá có vẻ mệt thì tôi kéo vào gần bờ, thêm hai người bạn câu nữa lội xuống mé sông giăng thêm lưới để giữ nó. Đuôi và vây nó màu đỏ như huyết, lưng xám xịt còn bụng lại trắng bóc. Lần đầu tiên tôi thấy con cá to và đẹp vậy”, anh Sở kể thêm.

Cũng theo anh Sở, hiện cá lăng đuôi đỏ hoặc những loại cá khác kích cỡ trên 20 kg vẫn còn nhiều ở sông Bé nhưng khó đánh bắt. Những loại cá này thường sống trong hồ đập ở sông Bé bởi ở đó nước sâu hơn rất nhiều, mùa mưa lũ thủy điện họ xả tràn thì chúng sẽ di chuyển đi ra sông.

Hiện phần nhiều cá lăng có kích cỡ lớn rao bán trên thị trường là người ta nuôi lồng trên lòng hồ. Cá lăng hay một số cá khác nếu được nuôi, cho ăn đầy đủ thì rất nhanh lớn, đạt tới 20kg chỉ sau chừng 3 năm hơn.

Thông thường, khi nuôi được cá lớn vài chục cân, người ta thường nói là cá săn được dưới sông để tăng giá trị. Những con cá này sau đó thường được mang về dưới TPHCM phục vụ các nhà hàng, quán ăn lớn để thực khách vừa ăn, vừa có thể chụp hình cùng cá. Chất lượng của những con cá lớn này sẽ kém đôi chút so với cá sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên ở sông.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù có quy mô khá nhỏ so với sông Đồng Nai với nhiều khúc ngang chỉ rộng chừng 5-6m mùa nước cạn nhưng sông Bé lại có dòng chảy quanh co, đi qua nhiều khu rừng nguyên sinh hoang vu rộng lớn, ít cư dân.

Chính vì thế, đây là dòng sông ít người đặt chân tới chứ không có những cụm dân cư ven sông như những nơi khác. Và đó cũng là lý do khiến hàng trăm người dân làm nghề săn cá lăng vẫn sống được, vẫn gắn bó với dòng sông đặc biệt này.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/san-ca-lang-10283466.html