'Sân chơi' bổ ích cho người dân miền núi Vũ Quang
Tham gia Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp, người dân Vũ Quang (Hà Tĩnh) sẽ được tiếp cận các tiến bộ KHKT, được định hướng xây dựng các sản phẩm chủ lực… từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập.
Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp được thành lập vào đầu tháng 3/2022 trên cơ sở Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vũ Quang (thành lập vào năm 2015). Việc UBND huyện Vũ Quang tiến hành đổi tên gọi mới, mở rộng phạm vi nhằm mục đích “chắp cánh” cho tất cả các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn được “vươn xa”, thay vì mỗi sản phẩm cam như trước đây.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang Trần Hồng Vững - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp cho biết: “Tham gia vào Hiệp hội, người dân sẽ được định hướng phát triển sản xuất bền vững, tăng giá trị kinh tế trên từng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, tại các buổi hội thảo, tập huấn..., các hội viên sẽ được cùng nhau trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu các chính sách, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất”.
Từ khi tham gia vào Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp, anh Nguyễn Tôn An (thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh) được tiếp cận, hướng dẫn trồng cam theo quy trình hữu cơ. Với anh An, đây là “bước ngoặt” mới trên hành trình sản xuất nông nghiệp sạch của gia đình.
Anh An cho biết: “Được Ban Chấp hành Hiệp hội đến tận nhà hướng dẫn về quy trình sản xuất cam theo hướng hữu cơ, tiết kiệm chi phí sản xuất, gia đình rất phấn khởi. Những năm trước, sau kỳ thu hoạch, gia đình phải mua 8 tấn phân bón để chăm sóc gần 2 ha cam với chi phí khoảng 100 triệu đồng, thì nay việc sử dụng phân bón hữu cơ đã giúp gia đình giảm được hơn 70 triệu đồng”.
Cũng theo anh An, quy trình sản xuất cam theo hướng hữu cơ vừa thân thiện môi trường, giúp đất luôn tơi xốp, không bị thoái hóa, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình. Đây là hướng đi mới hiệu quả, các nhà vườn nên tiếp cận và nhân rộng.
Ông Nguyễn Xuân Thê - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh chia sẻ: “Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp là “sân chơi” bổ ích giúp bà con nông dân có không gian chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Tại Đức Lĩnh, hầu hết các hộ trồng cam quy mô lớn đều đã tham gia vào Hiệp hội và lợi ích đã được chứng minh qua việc tiết kiệm được chi phí sản xuất, giúp tăng năng suất và giá trị kinh tế.
Hiện tại, ngoài cam, địa phương đang vận động các hộ nuôi ong, trồng hồng… tham gia vào Hiệp hội để tiếp cận được nhiều chính sách, từng bước “nâng tầm” sản phẩm”.
Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Đồng Minh, xã Hương Minh) cho biết, chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học gắn với phòng dịch được xem là “chìa khóa” để các trang trại “nói không” với dịch bệnh, nhưng không phải hộ nào cũng biết cách làm đúng, trong đó có gia đình chị.
Chị Nhung chia sẻ: “Trước đây, gia đình chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp, mỗi lứa thả 30 - 50 con, nuôi 4 tháng có thể xuất chuồng nhưng lợi nhuận không cao. Cho đến khi tham gia vào Hiệp hội, được tham quan các mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, vừa tiết kiệm, an toàn, vừa hiệu quả nên tôi đã nuôi thử nghiệm một chuồng 15 con. Kết quả sau một tháng nuôi, đàn lợn phát triển vượt trội so với phương thức cũ, đặc biệt khu vực nuôi không có mùi hôi thối như trước, phân được ủ tơi, rất hữu ích cho bón cam”.
Được biết, Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp huyện hiện có hơn 700 thành viên. Đây đều là các hộ đam mê phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với việc tích cực vận động bà con tham gia, Hiệp hội luôn chú trọng phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các dự án phát triển nông nghiệp để tiếp nhận tiến bộ khoa học công nghệ và các cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, kết nối thị trường tại một số tỉnh, thành phố về sản xuất, tiêu thụ cam và các sản phẩm nông nghiệp cho bà con.
Ông Nguyễn Thiều Quang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Quang, Chủ tịch Hiệp hội Cam và các sản phẩm nông nghiệp nhấn mạnh: "Hiệp hội sẽ giúp bà con nông dân được tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, được định hướng xây dựng các sản phẩm chủ lực…, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Đồng hành cùng người dân trên hành trình “nâng tầm” sản phẩm, ngoài hỗ trợ kỹ thuật, quy trình... để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm chủ lực, huyện sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn thường xuyên tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và bảo quản, thu hái. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành các vùng sản xuất tập trung, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho giá trị kinh tế cao để tăng giá trị sản xuất".