Sân chơi bổ ích cho trẻ đồng bào dân tộc thiểu số

Hội thi giao lưu tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số năm học 2023- 2024 vừa được Sở GD&ĐT tổ chức tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa. Hội thi tạo sân chơi bổ ích, góp phần giúp trẻ yêu thích tiếng Việt.

Phần thi chào hỏi của đội Trường mầm non Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NGỌC BÍCH

Phần thi chào hỏi của đội Trường mầm non Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa). Ảnh: NGỌC BÍCH

Ba đội đại diện cho 3 phòng GD&ĐT là Trường mầm non Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), Trường mầm non Sơn Giang (huyện Sông Hinh) và Trường mầm non Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) tham gia hội thi. Mỗi đội thi gồm 10 trẻ, 2 giáo viên và 2 phụ huynh của trẻ.

Sân chơi bổ ích

Các đội trải qua 2 phần thi, gồm chào hỏi và kiến thức. Phần thi chào hỏi, mỗi đội giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của địa phương, công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non bằng hình thức sân khấu hóa.

Phần thi kiến thức được tổ chức dưới hình thức rung chuông vàng. Phần thi này, mỗi trẻ trả lời các câu hỏi trắc nghiệm với kiến thức được học trong Chương trình giáo dục mầm non về các chủ đề: Quê hương - Bác Hồ - buôn làng, gia đình, trường mầm non, trường tiểu học, thế giới động, thực vật…

Trong phần thi kiến thức có phần thi dành cho giáo viên và cha mẹ trẻ, trả lời các câu hỏi về kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ do ban tổ chức đưa ra.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Ea Chà Rang cho biết: “Trước khi bước vào hội thi hơn 1 tuần, Sở GD&ĐT gửi 30 câu hỏi và đáp án. Để trang bị kiến thức cho trẻ có sự vận động và nhớ sâu, nhà trường chuyển câu hỏi của ban tổ chức thành câu hỏi trắc nghiệm có từ 3-4 câu đáp án để trẻ chọn ra đáp án đúng. Sau khi chuẩn bị bộ câu hỏi, nhà trường phân công giáo viên giảng dạy mỗi người kèm cặp một cháu để rèn, nhờ đó phần thi kiến thức có 3 cháu trong đội trả lời đúng đến câu hỏi cuối cùng của ban tổ chức và đạt giải nhất phần thi này”.

Phần thi chào hỏi, các đội thể hiện rất tốt, đặc biệt các trẻ của đội thi Trường mầm non Xuân Lãnh rất tự tin, biểu diễn xuất sắc tiểu phẩm sân khấu hóa và giành giải nhất.

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng nhà trường, sau khi xây dựng tiểu phẩm, nhà trường chọn ra mỗi trẻ đóng một vai và các em thể hiện rất tốt, làm cho người xem thấy được sự kế thừa nền văn hóa đặc sắc lâu đời gắn với lịch sử hình thành và phát triển 54 dân tộc anh em. Tiểu phẩm cũng giúp trẻ vùng đồng bào DTTS phát huy khả năng nói tiếng Việt.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ

Hội thi giao lưu tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng DTTS không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn là cơ hội để các trẻ được học hỏi, giao lưu, tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt.

Cô Đinh Hoàng Phương Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Giang nói: “Cuộc thi rất bổ ích, không chỉ giúp các trẻ mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp mà bản thân giáo viên cũng học tập rất nhiều từ hội thi. Nhất là phần thi chào hỏi, các trường lồng ghép với nhiều cách khác nhau, các em tự tin biểu diễn rất tốt. Tham gia cuộc thi, tuy giáo viên vất vả vì tập luyện cho trẻ nhưng sẽ rất tuyệt vời nếu cuộc thi được duy trì tổ chức hằng năm”.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường mầm non Ea Chà Rang, để tăng cường tiếng Việt cho trẻ và để trẻ có kiến thức tham gia cuộc thi lần này, từ đầu năm học, giáo viên tăng cường giao tiếp với trẻ hằng ngày để trẻ mạnh dạn, tự tin. Trong quá trình dạy, giáo viên dùng hình ảnh trực quan, mỗi ảnh đều kèm theo tiếng Việt để trẻ làm quen. Các cô giáo còn dạy thơ, hát, đặt nhiều câu hỏi để trẻ trả lời, khuyến khích trẻ trả lời những câu đơn giản đến câu hỏi khó hơn.

“Toàn trường hiện có 159 trẻ, trong đó có 125 trẻ đồng bào DTTS. Những trẻ 4 tuổi, nhà trường cho làm quen chữ cái, trẻ 5 tuổi bắt đầu cho học chữ cái từ việc cho trẻ tô theo chữ cái, viết trên bảng đen. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động trải nghiệm, tạo cơ hội cho trẻ được giao lưu. Trong các phòng học, nhà trường bố trí góc học tập, góc thiên nhiên, góc xây dựng, góc phân vai, tạo khu thư viện xanh ngoài trời, bố trí sách, truyện tranh…, mỗi đồ dùng, góc học tập đều có chữ cái, số tự nhiên để trẻ làm quen tiếng Việt. Nhà trường còn vận động phụ huynh thường xuyên nói tiếng Việt với trẻ ở nhà, để khi trẻ vào lớp 1 biết nói, viết tiếng Việt”, cô Thủy nói.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái, hội thi nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng DTTS, góp phần giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Việt trước khi vào học lớp 1.

Kết thúc hội thi, ban tổ chức trao 4 giải cá nhân có thành tích xuất sắc, trong đó 3 trẻ ở Trường mầm non Ea Chà Rang, 1 trẻ ở Trường mầm non Sơn Giang. Phần thi chào hỏi, giải nhất trao cho Trường mầm non Xuân Lãnh, giải nhì Trường mầm non Ea Chà Rang, giải ba thuộc về Trường mầm non Sơn Giang. Phần thi kiến thức, giải nhất thuộc về Trường mầm non Ea Chà Rang, đồng giải nhì Trường mầm non Sơn Giang và Trường mầm non Xuân Lãnh.

HIẾU TRUNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/316987/san-choi-bo-ich-cho-tre-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html