Sân chơi cho những người yêu di vật, cổ vật
Di vật, cổ vật là nguồn 'tài sản' văn hóa quý giá của dân tộc. Để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản, thành phố Biên Hòa đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Di vật, cổ vật Biên Hòa.
Không chỉ tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho những người yêu đồ cổ trên địa bàn thành phố Biên Hòa mà từ CLB còn góp phần kết nối, lan tỏa câu chuyện về di vật, cổ vật, giáo dục truyền thống, giao lưu văn hóa, hướng đến phục vụ cộng đồng.
Chung tình yêu giữ hồn di sản
Sở hữu bộ sưu tập đồ cổ tại gia với hơn 300 hiện vật, ông Nguyễn Đức Diện là một trong những thành viên có nhiều đồ cổ trưng bày, giới thiệu tại trụ sở hoạt động của CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa (khu phố 1, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa). Ông Diện đến với thú chơi cổ vật từ 10 năm nay. Ông dành nguyên căn nhà bề thế làm nơi trưng bày các hiện vật mà ông đã cất công săn lùng trong suốt nhiều năm qua.
Ông Diện cho biết, các hiện vật được ông sưu tầm rất phong phú và đa dạng, từ đồ gốm, đồ đồng đến các hiện vật trong chiến tranh, bộ nhạc cụ của dân tộc… Ông đặc biệt quan tâm đến các món chế tác từ gốm sứ, trong đó phần lớn là hiện vật liên quan đến các tích Việt và những câu chuyện về con người, địa danh ở vùng đất Nam Bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng. Các hiện vật này không chỉ đơn thuần là vật dụng sinh hoạt của người xưa mà thông qua những câu chuyện, người xem còn phần nào hình dung được lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán từng thời kỳ, từng giai đoạn.
“Bởi đam mê nên hễ nghe ở đâu có đồ cổ là tôi nhất định tìm đến để được giao lưu, trao đổi đem về bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Không chỉ bỏ thời gian, công sức tìm kiếm cổ vật, tôi còn nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức liên quan đến đồ cổ, hoàn cảnh, xuất xứ, các giai đoạn lịch sử của từng món đồ… Chính niềm đam mê cổ vật đã đưa tôi gia nhập CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa” - ông Diện nói.
Phó chủ nhiệm CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa Nguyễn Mộng Điệp cho hay, thú chơi đồ cổ ở Biên Hòa - Đồng Nai đã có từ lâu nay, nhưng vài năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, lớp người chơi được mở rộng ra theo từng nhóm tuổi. Nhiều thành viên trong CLB hiện sở hữu cho mình những hiện vật quý, không chỉ có giá trị kinh tế, mà còn mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử.
Là một trong những người trẻ tham gia CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa, anh Nguyễn Toàn hiện sở hữu gần 50 món đồ cổ các loại. Không chỉ “thưởng thức” đồ cổ, đồ xưa ở một góc nhìn đa chiều, anh Toàn còn sưu tập cả những sản phẩm đồ gốm hiện nay được tạo tác thủ công, tỉ mỉ và công phu. Anh không phân biệt đó là món gì, thuộc chủng loại nào, nếu bản thân mình thích là tìm cách đem về sở hữu. Anh kỳ vọng từ sân chơi CLB, những người yêu cổ vật trên địa bàn tỉnh có môi trường hoạt động văn hóa, giao lưu, học tập bổ ích, thú vị.
CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa trực thuộc Trung tâm Văn hóa, thông tin thành phố Biên Hòa. CLB hiện có 20 thành viên là những nhà sưu tập tư nhân có chung tình yêu, đam mê sưu tầm di vật, cổ vật như: gốm, sứ, tranh sơn mài, đồ đá, đồ đồng, gỗ mỹ nghệ…
Hướng đến phục vụ cộng đồng
Hầu hết các thành viên tham gia CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa không ngần ngại mang những hiện vật quý tham gia các triển lãm, giao lưu trong tỉnh, khu vực. Việc đưa cổ vật từ những bộ sưu tập cá nhân đến với các sân chơi giúp mỗi thành viên CLB học hỏi lẫn nhau, nhất là học hỏi trong việc đánh giá giá trị của cổ vật, chia sẻ và lan tỏa các giá trị văn hóa, phục vụ cộng đồng.
Cũng theo Phó chủ nhiệm CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa Nguyễn Mộng Điệp, thời gian qua, CLB xây dựng các chương trình giao lưu trong và ngoài tỉnh nhằm gắn kết các hội viên như: tổ chức tham quan, tìm hiểu hiện vật lịch sử, đồ cổ cho các thành viên tại di tích; đưa cổ vật đến Bảo tàng tỉnh, công viên Biên Hùng… trưng bày, phục vụ người dân và du khách tham quan, thưởng lãm.
“Năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng các chương trình hoạt động, trong đó sẽ chú trọng đưa di vật, cổ vật đến các không gian văn hóa phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, CLB có kế hoạch tham gia Festival Gốm sẽ diễn ra trong tháng 4 tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh. Qua đó bảo tồn, phát huy giá trị di sản, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang đậm bản sắc Đồng Nai” - anh Điệp chia sẻ.
Ngoài phục vụ cộng đồng trong các triển lãm, các thành viên CLB Di vật, cổ vật Biên Hòa thường xuyên ứng dụng công nghệ, giới thiệu hiện vật sưu tầm lên mạng xã hội Facebook, Zalo nhằm lan tỏa rộng hơn tinh hoa cổ vật, giá trị di sản văn hóa mà tiền nhân để lại. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được triển khai thực hiện trong Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững.