Những 'cột mốc sống' trên dãy Trường Sơn
Không ai giao nhiệm vụ, cũng chẳng nhận được một đồng trợ cấp nhưng họ lặng lẽ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương như mệnh lệnh từ trái tim
Đó là những người anh em thuộc các dân tộc Mày, Sách, Khùa, Rục - những con người gắn bó với các bản làng rải rác dọc tuyến biên giới huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Họ sẵn sàng vượt suối, băng đèo, tận tụy gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng, từng cột mốc biên cương của Tổ quốc - được ví như những "cột mốc sống" trên dãy Trường Sơn.
Hoa tiêu biên giới
Cuối năm, mưa lất phất giăng trên khung trời biên giới. Trong cái rét buốt chiều đông, chúng tôi cùng các cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo lên đường đến thăm nhà anh Hồ Khai (46 tuổi) - người dân tộc Khùa ở bản K-Ai, xã Dân Hóa.
Thấy bóng dáng quen thuộc trong màu áo xanh biên phòng, anh Hồ Khai tưởng lại có đợt đi tuần tra mới, liền cười hào hứng, chuẩn bị sắp xếp đồ đạc. Hơn 10 năm gắn bó với công việc "đi mốc", Hồ Khai thuộc làu từng con dốc, cung đèo, bờ suối dài trên tuyến đường đi qua 8 cột mốc, trải dài 28 km đường biên giới của địa phương này.
Từ nhỏ, như bao người Khùa ở bản K-Ai, Hồ Khai đã quá quen thuộc với cuộc sống núi rừng. Nhưng hồi mới đầu chuyện "đi mốc" không hề đơn giản, cho dù là một thanh niên có sức vóc như Hồ Khai, bởi hành trình đối mặt với không ít khó khăn, nguy hiểm luôn chực chờ. "Hồi đầu, tuy có bộ đội biên phòng (BĐBP) cùng đi, được hỗ trợ, động viên suốt chặng nhưng mình cũng không tránh khỏi cảm giác bồn chồn, lo sợ vì chưa bao giờ đi xa, cắt rừng mấy ngày đêm liên tục như thế. Đến khi lên đến mốc quốc giới, chỉ một bước chân là qua bên kia biên giới, cảm giác nó khác lạ, tự hào lắm" - Hồ Khai nhớ lại.
Đặt chân đến mốc biên giới Việt - Lào đầu tiên trong đời, nhìn thấy đường biên chia cách, chỉ một bước chân là đã sang bên kia biên giới nước bạn Lào, cảm giác trong Hồ Khai vừa khác lạ vừa tràn đầy tự hào. "Từng bước chân đi lên đó đối với tôi là một niềm tự hào không thể diễn tả. Mỗi chuyến tuần tra nhắc nhở tôi rằng dù là một người dân bình thường, tôi vẫn góp sức mình vào việc giữ gìn chủ quyền biên giới quốc gia" - Hồ Khai bày tỏ.
Kết hợp tuần tra cột mốc biên giới vài lần, rồi Hồ Khai cũng quen dần. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 10 năm. Bây giờ, mỗi lần được BĐBP gọi đi, Hồ Khai phấn chấn lắm. Theo anh, việc đi tuần tra không chỉ trải nghiệm được những khó khăn mà các chiến sĩ biên phòng đang đối mặt, mà còn được các chiến sĩ tuyên truyền về việc yêu nước, yêu Bác Hồ và hành động của anh cũng đang góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.
Đến nay, trung bình mỗi năm, Hồ Khai đi tuần tra mốc quốc giới với BĐBP và các thành viên tổ tự quản 4-6 lần. Có những lần cả đoàn đi 2 đêm 3 ngày mới tới nơi, vì gặp mưa rừng. Những cột mốc 522, 523, 529… - biểu tượng chủ quyền của Tổ quốc - dần quen thuộc với chàng trai người Khùa. Từ chỗ phải đi giữa đoàn thuở mới tham gia, giờ đây, mỗi lần tuần mốc quốc giới, Hồ Khai luôn là người dẫn đầu. Nhiều cán bộ biên phòng thường gọi vui Hồ Khai là hoa tiêu biên giới.
Nhiệm vụ thiêng liêng
Sau những cơn mưa cuối đông, bầu trời Cha Lo càng thêm giá lạnh.
Từ bìa rừng, chúng tôi gặp đội công tác của Đồn Biên phòng Cha Lo vừa trở về sau chuyến tuần tra cột mốc 529. Trong đoàn, ngoài các chiến sĩ biên phòng còn có anh Hồ Khăm Coong - người Bru ở bản Hà Noông, xã Dân Hóa. Mới 25 tuổi nhưng Coong đã có gần 5 năm đồng hành với BĐBP trong các chuyến tuần tra.
Thiếu tá Bùi Văn Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cha Lo, chia sẻ để đến được cột mốc 529, đoàn phải vượt qua 2,5 km đường rừng đầy hiểm trở. Thông thường, sau khi tuần tra, chỉ mất hơn 1 giờ để về lại đơn vị. Nhưng hôm nay, do thời tiết xấu, đường trơn trượt, cả đoàn phải mất gần 2 giờ mới về đến nơi.
Cột mốc 529 nằm ở độ cao hơn 734 m so với mực nước biển, được đặt trên đỉnh núi. Đường lên cột mốc quanh co, xuyên qua rừng già với những đoạn dốc dựng đứng, thử thách ý chí và sức bền của những người đi tuần tra. Tại các cột mốc họ đặt chân đến, cả đội nhanh chóng kiểm tra hiện trạng, phát quang khu vực xung quanh và thực hiện nghi thức chào cột mốc trong không khí trang nghiêm.
Khi xác nhận đường biên giới không bị xê dịch, cột mốc vẫn nguyên trạng và an toàn, không có dấu hiệu xâm nhập trái phép hay vi phạm quy chế biên giới, đồng thời, nhân dân hai bên biên giới đều chấp hành nghiêm các hiệp định, góp phần bảo đảm an ninh khu vực thì mới yên tâm trở về. "Nhiều lúc mệt đến mức tưởng chừng đôi chân không còn theo ý mình nhưng nhờ sự động viên của các chiến sĩ biên phòng, đoàn vẫn kiên trì tiến bước. Mỗi lần tuần tra biên giới, tự tay lau sạch cột mốc biên cương, tôi cảm nhận rõ đây là một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng và đáng tự hào, giúp mình yêu đất nước, yêu dân tộc hơn. Nhiều người sau khi nghe chuyện đã tình nguyện tham gia tuần tra cùng BĐBP để góp sức bảo vệ biên cương Tổ quốc" - anh Coong tâm sự.
Không chỉ tham gia tuần tra biên giới, trong những lần đi rừng lấy mật ong hay tìm lá thuốc, anh Coong và người dân ở bản Hà Noông còn kết hợp kiểm tra, phát quang cột mốc và cung cấp thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho lực lượng BĐBP.
Thiếu tá Bùi Văn Hải đánh giá những thành viên thường xuyên tham gia tuần tra như anh Hồ Khai và Hồ Khăm Coong đã trở thành điểm tựa quan trọng cho phong trào: "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Chính những chuyến đi này đã giúp họ hiểu sâu sắc hơn về sự vất vả, hy sinh của các chiến sĩ, cũng như ý thức rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân sống nơi biên cương".
Những cánh tay nối dài
Với đồng bào Rục, hành trình hòa nhập cộng đồng luôn gắn liền với màu áo lính. Người Rục ơn Đảng, ơn Chính phủ và ơn BĐBP dường như đã ăn vào tiềm thức. Vì vậy, mỗi khi có hoạt động tuần tra biên giới, rất nhiều người Rục hăng hái tham gia.
Bước qua tuổi xưa nay hiếm, già Cao Duy Ư - dân tộc Chứt ở bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn - vẫn tự hào kể với con cháu những chuyến đi rừng dài ngày tuần tra, bảo vệ mốc quốc giới. Đó là những ngày tháng còn đói khổ, chưa được sung túc như bây giờ, nhưng mỗi lần được gọi là sẵn sàng lên đường.
Già Ư kể những thế hệ trước đi qua chiến tranh nên càng thấm thía sự thiêng liêng của từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Giờ đây, tuổi già, chân đã mỏi, không thể thoăn thoắt cắt rừng nhưng già vẫn thường xuyên răn dạy con cháu tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản cùng chung tay, góp sức bảo đảm trật tự an ninh trên địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Trung tá Dương Đình Hoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng, cho hay đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trên 34 km đường biên giới, với 7 cột mốc quốc giới ở 2 xã Hóa Sơn và Thượng Hóa. Những năm qua, đơn vị luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh tố giác tội phạm, các tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, buôn lậu, thiên tai, đặc biệt là vận động người dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia... Mỗi người dân - nhất là các thành viên tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới - thực sự là những "cột mốc sống", là "cánh tay nối dài" của lực lượng biên phòng, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, chung tay bảo vệ toàn vẹn biên cương Tổ quốc.
Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Bùi Anh Tuấn đánh giá việc người dân trực tiếp tham gia tuần tra cùng BĐBP giúp họ nắm rõ hơn tình hình đường biên, mốc giới và công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên địa bàn; thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng BĐBP. Điều này sẽ giúp ích cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tuần tra gần 100 lượt với các lãnh đạo địa phương, công an, dân quân và nhân dân tham gia; phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Lào tổ chức nhiều đợt tuần tra song phương, góp phần giữ gìn an ninh biên giới.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-cot-moc-song-tren-day-truong-son-196250111195308792.htm