Sân chơi của FPT, trường tổ chức mất tiền, GV mất công, sao vô lý thế?
Các nhà trường tổ chức sân chơi Violympic phải tự bố trí nhân sự, cơ sở vật chất, thậm chí kinh phí nếu phải chi trả.
Ngày 17/8, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải: "Vì sao lại dùng nhân sự, trường lớp để phục vụ sân chơi Violympic của FPT?".
Bài viết đã nêu các dẫn chứng và đặt ra vấn đề cần làm rõ là việc huy động nhân sự (cán bộ phòng, chuyên viên, giáo viên) tham gia coi thi Violympic lấy nguồn từ đâu để chi trả, chi trả theo quy định, căn cứ nào?
Để rõ hơn về nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với hiệu trưởng, giáo viên một số địa phương.
Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Sâm - Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở - Trung học phổ thông huyện Lương Sơn (Hòa Bình) cho hay, năm học 2022-2023, nhà trường tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh khối Trung học cơ sở nhưng đơn vị không được nhận sự hỗ trợ nào từ phía Ban tổ chức FPT.
"Nhà trường phải tự tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh trong trường, và không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Ban tổ chức", cô Sâm cho biết.
Theo cô Sâm, bên cạnh đó nhà trường phải tự đầu tư tai nghe cho thí sinh, đơn vị cũng bồi dưỡng 1,5 triệu đồng cho các giáo viên của đội tuyển ôn luyện cho thí sinh.
"Các giáo viên trong đội tuyển có nhiệm vụ hỗ trợ thí sinh từ A đến Z, từ việc lập nick, ôn luyện cho học sinh...", cô Sâm nói.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng cho hay, Hội đồng coi thi sân chơi Violympic của nhà trường gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi, Thư ký, Giám sát và 2 giáo viên coi thi. Những người trong hội đồng coi thi làm vì trách nhiệm, không được nhận hỗ trợ nào, chỉ có các giáo viên ôn luyện cho đội tuyển là được nhà trường hỗ trợ.
Trong năm vừa qua, học sinh của nhà trường vào được đến vòng thi cấp Quốc gia nhưng tại vòng thi cuối cùng này do bị trục trặc, đã khiến học sinh phải dừng bước. Điều này, cũng rất đáng tiếc với công sức ôn luyện của thầy và trò.
Chia sẻ về nội dung trên, cô Đặng Thị Vân Anh - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thịnh Quang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đối với sân chơi Violympic, vào năm 2022-2023, nhà trường có hội đồng coi thi giáo viên giỏi theo bộ môn và đây là lực lượng tham gia vào công tác coi thi.
"Nếu học sinh đăng kí đủ 20 em sẽ ngồi một phòng. Số lượng học sinh những năm gần đây đăng ký tham gia sân chơi này cũng ít. Năm đông thí sinh thi là vào mùa dịch Covid-19, nhà trường có hơn 60 em giành giải", cô Vân Anh cho hay.
Cô Vân Anh cho biết thêm, nhà trường phải tự chi tiền bồi dưỡng cho giáo viên coi thi (khoảng 50 nghìn đồng/giáo viên) dựa trên quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường. Bởi lẽ, họ phải bỏ công sức, bỏ thời gian cho sân chơi này.
"Nhà trường cũng chỉ hỗ trợ được 1 triệu đồng/giáo viên ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh để tham gia sân chơi này. Sau khi kết thúc cuộc thi, nhà trường cũng chọn lựa các em có giải cao để đưa sang đội tuyển của trường", cô Vân Anh chia sẻ.
Nữ Hiệu trưởng nhà trường thẳng thắn cho biết, để chuẩn bị cho buổi học sinh làm bài thi, nhà trường phải báo bộ phận điện lực địa phương không cắt điện, bố trí thầy cô chuẩn bị phòng máy trước ca thi vài ngày.
Cô Trần Thị Thoa - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Tiến (Phù Cừ, Hưng Yên) cho hay, nhà trường phải tự lo các chi phí trong việc tổ chức sân chơi trên mạng.
Trong Hội đồng coi thi sân chơi trên mạng của nhà trường có 3 người tham gia vào công tác tổ chức, giám sát gồm một Phó Hiệu trưởng, thầy giáo dạy văn hóa am hiểu về công nghệ thông tin, giáo viên Âm nhạc và giáo viên Tiếng Anh. Hiện tại nhà trường vẫn chưa có giáo viên Tin học.
"Năm 2023, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia thi tại 3 sân chơi, trong đó có cả Đấu trường Toán học VioEdu (đây cũng là sân chơi do Tập đoàn FPT tổ chức - Phóng viên). Mỗi sân chơi có khoảng 40-50 học sinh đăng ký thi.
Nhà trường có 14 máy tính bàn nên phải huy động thêm laptop của giáo viên mang đi cho học sinh làm bài thi", cô Thoa chia sẻ.
Theo cô Thoa, điều đáng tiếc nhất trong việc tổ chức Đấu trường Toán học VioEdu do đường truyền mạng bị lỗi, khiến nhiều em không nộp được bài. Trong khi đó, thời gian làm bài chỉ có 20 phút.
"Thời gian làm bài của các em chưa đầy một phút phải làm xong một bài. Tuy nhiên, nhiều em phải chờ để nộp bài đến hàng phút, khiến nhiều em bị mất giải. Nhà trường rất là tiếc cho học sinh", cô Thoa than.
Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ, đơn vị cũng không có ngân sách để hỗ trợ cho giáo viên, về phía Ban tổ chức Vioedu cũng không có sự hỗ trợ nào cho đơn vị.
Một nữ giáo viên dạy tiểu học tại Thành phố Ninh Bình cho hay, khi nhà trường tổ chức sân chơi Violympic tại đơn vị, cô tham gia vào công tác coi thi lúc trống tiết hoặc có khi phải trông lớp thay cho giáo viên Tin học đi giám sát cuộc thi.
"Khi nào tôi trống tiết không phải dạy, tôi sẽ được nhà trường bố trí xuống phòng thi để coi ca thi trong khoảng 30-60 phút. Đối với giáo viên dạy Tin học sẽ phải túc trực tại nơi thi để đảm bảo đường truyền mạng, và giáo viên chủ nhiệm trong trường sẽ trông lớp thay giáo viên Tin học.
Tham gia coi thi, giáo viên không nhận được chế độ hỗ trợ nào", nữ giáo viên chia sẻ.
Nữ giáo viên cho hay, khi đường truyền mạng tại phòng máy của nhà trường bị lỗi, nhà trường thậm chí còn phải cho học sinh ra quán internet ngoài trường để làm bài thi, kinh phí do nhà trường chi trả.
Các trường tổ chức sân chơi Violympic căn cứ công văn của Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo?
Trên website của trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu, Nam Định) có đăng tải bài viết về kết quả của học sinh trong trường tham gia giải Toán qua mạng Violympic cấp Quốc gia và cuộc thi Toán - Khoa học bằng Tiếng Anh năm học 2022 - 2023, nhà trường có nêu:
"Thực hiện công văn số 272/SGDĐT-GDTH ngày 01/03/2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về việc phát động cuộc thi “Toán - Khoa học bằng Tiếng Anh cho học sinh tiểu học” và hướng dẫn của PGD&ĐT Hải Hậu về việc tổ chức cuộc thi giải toán qua mạng Violympic cấp Quốc gia, trường Tiểu học Hải Anh đã phát động 2 cuộc thi và nhận được sự tích cực hưởng ứng tham gia tích cực của học sinh trong trường".
Thông báo trên của trường Tiểu học Hải Anh có lẽ sẽ khiến không ít phụ huynh lầm tưởng, cuộc thi Violympic là do ngành giáo dục tổ chức chứ không phải là sân chơi do một công ty triển khai.
Hay như tại Kế hoạch tổ chức sân chơi Violympic năm học 2022-2023 của trường Trung học cơ sở Hồng Đào (Hóc Môn, Hồ Chí Minh), có nêu về việc nhà trường tổ chức sân chơi được căn cứ theo Công văn 5943 ngày 10/11/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không hề nhắc đến Công ty Cổ phần FPT là đơn vị trực tiếp đứng ra tổ chức sân chơi này.
Như trong các bài trước Tạp chí đã nêu, ngày 10/11/2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành ký công văn số 5943/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Công ty Cổ phần FPT về việc tổ chức sân chơi Violympic cho học sinh phổ thông như sau: "Bộ Giáo dục và Đào tạo nhất trí với nội dung của "Đề án sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông", Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Công ty Cổ phần FPT hoàn chỉnh nội dung Đề án và gửi cho các Sở Giáo dục và Đào tạo Thể lệ sân chơi Violympic để các Sở xem xét, phối hợp triển khai thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5814/BGDĐT-GDTH ngày 7/12/2017 về tổ chức cuộc thi dành cho học sinh phổ thông từ năm 2017-2018".
Có nhiều vấn đề đặt ra từ công văn này cần phải được làm rõ. Thứ nhất, căn cứ nào để Vụ Giáo dục Trung học thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo "nhất trí với nội dung "Đề án sân chơi Violympic dành cho học sinh phổ thông" của Tập đoàn FPT?
Thứ hai, đề án sân chơi của Tập đoàn FPT được xây dựng trên cơ sở pháp lý nào mà Bộ phải cho ý kiến?
Thứ ba, sở giáo dục và đào tạo các địa phương được đề nghị phối hợp triển khai với một công ty tổ chức cuộc thi, sân chơi theo quy định nào? Có nằm trong chức năng, nhiệm vụ được giao hay không? Cơ chế phối hợp triển khai thực hiện theo cơ sở nào?