Sân chơi lành mạnh cho các cặp vợ chồng

Khác với nhiều mô hình chỉ yêu cầu vợ hoặc chồng là thành viên, mô hình 'Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững' của Hội Phụ nữ tỉnh thành viên phải gồm cả vợ và chồng.

Mô hình "Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững" tại thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) thu hút 55 thành viên tham gia sinh hoạt

Mô hình "Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững" tại thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) thu hút 55 thành viên tham gia sinh hoạt

Mô hình này đã tạo thêm sân chơi lành mạnh cho các cặp vợ chồng, góp phần thực hiện bình đẳng giới trong gia đình.

Giảm bạo lực gia đình

Đã thành thói quen, cứ mỗi quý một lần, các thành viên trong mô hình "Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững" ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang (Thanh Miện) lại tập trung tại nhà văn hóa thôn để sinh hoạt. Mô hình hiện có 55 thành viên từ 40 tuổi trở lên. Mặc dù mới thành lập nhưng mô hình đã có nhiều việc làm ý nghĩa.

Trước đây, mỗi đám hiếu ở thôn Hữu Chung đều ăn uống linh đình, tốn kém. Địa phương đã nhiều lần tuyên truyền các gia đình hạn chế tổ chức ăn uống tại đám tang nhưng không thật sự hiệu quả. Khi mô hình đi vào hoạt động, Hội Phụ nữ xã và Ban Chủ nhiệm mô hình đã thường xuyên tuyên truyền, vận động các thành viên. 3 thành viên đã đi đầu giảm bớt số lượng mâm cỗ, không thuê người khóc mướn, không bật nhạc quá giờ quy định trong đám hiếu người thân...

Dần dần các thành viên khác trong mô hình và nhiều hộ khác cũng làm theo. Các gia đình còn tích cực dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng hoa ven đường... "Tham gia mô hình, tôi thấy mình có thêm nhiều kinh nghiệm xây dựng gia đình, biết chia sẻ nhiều hơn với vợ trong chăm sóc, nuôi dạy con cái. Các thành viên trong mô hình cũng thêm gắn kết hơn", anh Đặng Quốc Nghị, một thành viên nói.

Mô hình "Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững" của Hội Phụ nữ xã Thượng Vũ (Kim Thành) được thành lập sớm trong tỉnh. Lúc đầu, mô hình thu hút 33 cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Ban Chủ nhiệm lồng ghép nhiều nội dung tuyên truyền về chính sách, pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, kỹ năng xử lý tình huống trong gia đình... cho các thành viên trong các buổi sinh hoạt.

Sau hơn 3 năm thành lập, mô hình thu hút 44 cặp vợ chồng tham gia. Mô hình góp phần kéo giảm các vụ việc bạo lực gia đình trong xã. Ban Chủ nhiệm mô hình cũng là các thành viên tích cực tham gia hòa giải các vụ mâu thuẫn trong gia đình, làng xóm.

Cần nhân rộng

Theo chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh), cặp vợ chồng cùng tham gia các hoạt động sẽ giúp cả hai hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn trong cuộc sống.

Cả vợ chồng được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Thông qua các buổi sinh hoạt, họ không chỉ được cung cấp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế mà thêm gắn kết với nhau hơn.

Tuy nhiên, việc thành lập các mô hình ở nhiều địa phương còn khó khăn. Dù Hội Phụ nữ tỉnh triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay toàn tỉnh mới có 8 mô hình với 273 thành viên ở các huyện Bình Giang, Thanh Miện, Kim Thành, Thanh Hà, Nam Sách, TP Hải Dương, TP Chí Linh.

Ngoài huyện Kim Thành có 2 mô hình, còn lại các huyện, thành phố mới chỉ xây dựng được 1 mô hình. Một trong những nguyên nhân là các thành viên trong mô hình phải là cặp vợ chồng. Việc vận động chị em đã khó, nhưng tuyên truyền anh em tham gia cùng lại càng khó hơn.

Hơn nữa, mô hình chú trọng hướng tới các cặp vợ chồng trẻ dưới 40 tuổi, nhưng ở lứa tuổi này nhiều người còn mải làm kinh tế nên không có nhu cầu tham gia. Các tài liệu hướng dẫn sinh hoạt khá đa dạng nhưng chưa thật sự phù hợp với tâm lý lứa tuổi của thành viên.

Để nhân rộng các mô hình trên, thời gian tới Hội Phụ nữ các cấp, nhất là Hội Phụ nữ xã và Ban Chủ nhiệm cần kiên trì vận động, thuyết phục các cặp vợ chồng tham gia.

Tổ chức hội cử cán bộ, Ban Chủ nhiệm tới tận nhà động viên nam giới cùng tham gia, phân tích để họ hiểu về ý nghĩa nhân văn của mô hình. Các buổi sinh hoạt cần được tổ chức vào ngày nghỉ, buổi tối hoặc dịp lễ để tiết kiệm thời gian cho thành viên.

Nội dung các buổi sinh hoạt phải phù hợp với lứa tuổi, gắn với thực tế địa phương. Trước mỗi giờ sinh hoạt nên tổ chức giao lưu văn nghệ, tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các thành viên. "Nhiều anh em khi tham gia mô hình thấy hay đã rủ thêm bạn bè cùng tham gia.

Họ trở thành những thành viên nòng cốt, nhiệt tình của mô hình", chị Đặng Thị Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Quang (Thanh Miện) chia sẻ kinh nghiệm.

THANH HOA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/san-choi-lanh-manh-cho-cac-cap-vo-chong-131964