'Sân chơi tiếng Anh bổ ích' cho những điều dưỡng viên toàn cầu tương lai
Trong môi trường làm việc có tính hội nhập quốc tế cao như tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không chỉ với các bác sĩ mà cả đội ngũ điều dưỡng, tiếng Anh được coi như 'chìa khóa vàng' để mở rộng chân trời kiến thức y khoa chuyên sâu, bắt kịp xu hướng và những kỹ thuật mới của ngành y.
Hướng tới mục tiêu hội nhập khu vực và quốc tế trong công tác chuyên môn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ tiếng Anh cho đội ngũ nhân viên y tế, bao gồm cả những điều dưỡng, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh và được Tổ chức Y tế thế giới coi như một trong những trụ cột của hệ thống y tế.
Đội ngũ điều dưỡng nếu có vốn tiếng Anh tốt sẽ thuận lợi hơn trong việc sử dụng, quản lý nhiều loại thuốc, trang thiết bị hiện đại nước ngoài, từ đó giúp giảm thiểu những sai sót y tế đáng tiếc. Tiếng Anh sẽ giúp các điều dưỡng có cơ hội tham gia học tập, nâng cao nghiệp vụ tại các trung tâm y tế lớn trên thế giới, tiếp cận được các tài liệu nước ngoài, công trình nghiên cứu về y học, cũng như nhiều kỹ thuật điều dưỡng hiện đại. Từ đó tạo đà để trở thành một nhân viên điều dưỡng cao cấp, thậm chí là “điều dưỡng toàn cầu”.
Đã có nhiều điều dưỡng, kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đạt thành tích ấn tượng trong các cuộc thi ngoại ngữ như Trung úy Bùi Bích Liên - Kỹ thuật viên, đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần II năm 2020; chị Lê Cẩm Linh - Điều dưỡng viên Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy, đoạt giải Ba đồng đội Chung kết Cuộc thi Olympic tiếng Anh dành cho cán bộ trẻ lần thứ III năm 2021… Ngoài ra, một số điều dưỡng đã tham gia báo cáo tại các hội nghị quốc tế uy tín trong ngành. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của bệnh viện đạt tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ để tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 1, cấp 2 tại các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Cho đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đóng góp cho các thê đội Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại Nam Sudan những bác sĩ và điều dưỡng không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt để hoàn thành nhiệm vụ.
Thế nhưng, để đổi mới tư duy, vượt qua trở ngại tâm lý với định kiến sai lầm cho rằng “Điều dưỡng chỉ là người thực hiện chỉ định điều trị, không cần học ngoại ngữ”, từ đó giúp phần đông đội ngũ điều dưỡng tiếp cận việc học ngoại ngữ một cách tự giác và tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh, là điều vô cùng khó khăn. Hơn nữa, với áp lực và khối lượng công việc chăm sóc bệnh nhân bận rộn, mệt mỏi, thậm chí có lúc kiệt sức, làm thế nào để điều dưỡng tối ưu thời gian dành cho việc học tập và trau dồi ngoại ngữ?
Từ những trăn trở đó, được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo bệnh viện, chỉ huy khoa, đội ngũ điều dưỡng của Khoa Hồi sức tim mạch - A2D đã phát động phong trào học và sử dụng tiếng Anh trong chính môi trường làm việc hằng ngày để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Các hoạt động sinh hoạt tiếng Anh gắn với thực tiễn công việc và cách thức học tập sáng tạo, không gò bó, đã khơi dậy niềm hứng thú và thái độ học tập nghiêm túc đối với các nhân viên trong khoa. Có người chưa biết tiếng Anh thì được xóa “mù”, người đã biết nhưng còn rụt rè, e ngại trong sử dụng thì đã dần được “xóa ngượng” khi nói tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh tự tin hơn trong công tác chuyên môn.
Tiến sĩ, bác sĩ, Trung tá Đỗ Văn Chiến - Phó chủ nhiệm Khoa A2D chính là một trong những chỉ huy truyền cảm hứng học tiếng Anh cho các cán bộ, nhân viên trong khoa. Bác sĩ Đỗ Văn Chiến là nghiên cứu sinh ngành y đầu tiên bảo vệ luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh ở Việt Nam và có nhiều năm học tập, tu nghiệp tại nước ngoài nhờ khả năng tiếng Anh tốt. Anh còn là một trong những bác sĩ kiêm phiên dịch trong các hoạt động hợp tác với chuyên gia nước ngoài của bệnh viện. Cùng với các chỉ huy khoa, bác sĩ Đỗ Văn Chiến luôn động viên và khuyến khích đội ngũ điều dưỡng trong khoa tích cực học tập, trau dồi tiếng Anh để hướng tới trở thành “Điều dưỡng toàn cầu” theo định hướng phát triển của bệnh viện là “Chuyên sâu, chuyên tâm, vươn tầm quốc tế”. Lãnh đạo khoa hy vọng phong trào sẽ góp phần thúc đẩy mục tiêu xa hơn của Khoa A2D là đạt các chứng nhận quốc tế về chăm sóc, quản lý và điều trị các bệnh lý tim mạch.
Để thúc đẩy mục tiêu, Khoa A2D đã thành lập nhóm tiếng Anh điều dưỡng để các thành viên hỗ trợ nhau rèn luyện, học tiếng Anh hằng ngày, trong công việc và sinh hoạt… Việc học bắt đầu từ những cách thức đầu tiên đơn giản, dễ dàng để ai cũng có thể tham gia như: Dán nhãn tiếng Anh các vật dụng trong khoa, chơi trò chơi ghi nhớ từ vựng có thưởng, tập diễn các tình huống hội thoại tiếng Anh, tiến tới bàn giao bệnh nhân giữa các điều dưỡng bằng tiếng Anh, nhằm tạo thêm môi trường sử dụng tiếng Anh cũng như vốn từ vựng chuyên ngành…
Phong trào hướng tới mục tiêu xây dựng một kế hoạch và lịch trình cụ thể, vừa bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng đặc thù công việc, vừa duy trì thường xuyên để bảo đảm chất lượng học tập. Lợi thế là đội ngũ điều dưỡng của khoa có độ tuổi trung bình tương đối trẻ nên việc tiếp cận và học tập ngoại ngữ cũng dễ dàng hơn.
Chỉ sau một thời gian, hiệu quả của phong trào học tiếng Anh tại khoa đã được thể hiện rõ, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, năng lực của nhân viên nói chung và lực lượng điều dưỡng nói riêng, mà còn tạo “sân chơi bổ ích” cho đội ngũ điều dưỡng viên luôn tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, luôn khát khao được học tập nâng cao trình độ vì mục tiêu phục vụ và chăm sóc người bệnh ngày một tốt hơn.
Lãnh đạo, chỉ huy Khoa A2D mong muốn phong trào học tiếng Anh của đội ngũ điều dưỡng trong khoa sẽ được lan tỏa trong toàn đơn vị thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng và cùng giúp nhau học ngoại ngữ, qua đó góp phần nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của điều dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói riêng, góp phần tạo những bước đi đầu tiên và tiền đề cơ bản để điều dưỡng Quân y nói chung vươn tầm quốc tế.