Sân chơi trí tuệ cho giáo viên dạy nghề

Đến hẹn lại lên, cứ 3 năm một lần, hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (viết tắt là hội giảng) toàn tỉnh được các cấp, các ngành phối hợp tổ chức. Đây thực sự là 'sân chơi' chuyên nghiệp để các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trong các cơ sở GDNN.

Các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trình giảng tại hội thi.

Các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trình giảng tại hội thi.

Hội giảng nhà giáo GDNN tỉnh Thanh Hóa lần thứ IX, năm 2024 diễn ra từ ngày 16/9 đến ngày 19/9 với sự tham gia của 67 giảng viên đến từ các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên. Trong những ngày diễn ra hội giảng, mặc dù ảnh hưởng mưa bão nhưng các trường cao đẳng, trung cấp được ban tổ chức đặt địa điểm trình giảng các hoạt động đều diễn ra theo kế hoạch. Ban giám hiệu các nhà trường đã bố trí đầy đủ các phòng trình giảng lý thuyết, các phòng trình giảng thực hành, phòng bình giảng, phòng họp các tiểu ban... Riêng tại Trường Trung cấp Nghề giao thông - vận tải, ban tổ chức đã linh hoạt bố trí các bài thi thực hành nghề lái xe ô tô trong ngày 17/9/2024; do đó, 100% nhà giáo (39 nữ, 28 nam; cao tuổi nhất 51 tuổi, ít tuổi nhất 29 tuổi) tham dự hội giảng đều được trình giảng trong điều kiện tốt nhất. Tổng hợp kết quả chấm điểm của 17 tiểu ban, không có bài trình giảng nào đạt dưới 75 điểm. Hầu hết các bài trình giảng đạt giải nhất ở các tiểu ban tại hội giảng này là những bài được giám khảo nhận xét chuẩn bị hồ sơ bài giảng đầy đủ, đúng quy định...

Tham dự hội giảng toàn tỉnh năm 2024, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa có 7 nhà giáo tham gia trình giảng với các bộ môn: điều dưỡng, dược, kỹ thuật xét nghiệm, phục hồi chức năng, chuyên khoa, sản và bộ môn nội. Trước khi tham dự hội giảng cấp tỉnh năm nay, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn chuyên môn hỗ trợ các nhà giáo trong quá trình ôn luyện. Đồng thời, đầu tư trang thiết bị dạy học, đồ dùng thực hành nhằm hỗ trợ tối đa thầy, cô tham gia hội giảng. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, 7/7 nhà giáo Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa được vinh danh trao giải nhất, nhì, ba cho từng nhóm ngành nghề, trong đó nhà giáo Nguyễn Thị Hà thuộc Tiểu ban Điều dưỡng - Hộ sinh được ban giám khảo chấm với số điểm 96,33, đạt điểm trung bình cao nhất toàn hội thi.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa có 15 nhà giáo tham gia trình giảng tại hội giảng cấp tỉnh với 5 nhóm nghề: kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật; may thời trang; máy tính và công nghệ thông tin; nhóm nghề khác (kế toán, xây dựng) và đã vinh dự mang về cho nhà trường giải nhất tập thể; 15 giải cá nhân gồm: 5 giải nhất; 7 giải nhì, 3 giải ba. Thầy giáo Lê Hồng Trường, giáo viên Khoa Công nghệ ô tô, cho biết thêm: “Bài giảng tôi tham gia năm nay là bài về “Điều chỉnh khe nhiệt”. Đây là một trong những bài liên quan đến kiến thức cơ bản của động cơ. Hội giảng có ý nghĩa lớn đối với người làm công tác giảng dạy như chúng tôi. Thông qua hội giảng, cá nhân tôi được tìm hiểu giao lưu tiếp thu những kinh nghiệm giảng dạy”.

Theo đánh giá của hội đồng giám khảo, đa số nhà giáo tham gia hội giảng có trình độ chuyên môn vững, kiến thức truyền đạt chính xác, bài giảng có cập nhật, bổ sung những kiến thức mới về thực tế của ngành, nghề, trình độ tay nghề cao thể hiện qua kỹ năng thao tác mẫu chính xác, thuần thục. Nhiều nhà giáo đã đầu tư công phu cho tiết giảng và đã được hội đồng giám khảo đánh giá cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm...

Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, yêu cầu đối với nhà giáo ngày một cao hơn. Hội giảng từ cấp tỉnh đến cơ sở là một hoạt động thiết thực, nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng và Nhà nước; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đồng thời, là hoạt động chuyên môn có tính phong trào rộng rãi góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Bên cạnh đó, hội giảng cũng là diễn đàn để các nhà giáo thể hiện năng lực, lòng nhiệt tình, chia sẻ những kiến thức mới, kinh nghiệm, phương pháp truyền thụ. Hội giảng như một bức tranh sinh động nhiều màu sắc, như một kho sách đúc kết những kinh nghiệm quý báu cả về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo nghề nghiệp theo một tư duy mới, cách tiếp cận mới “dạy những gì doanh nghiệp, thị trường lao động, xã hội cần”. Đây cũng là dịp để các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động GDNN. Thông qua hội giảng giúp các cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo các cơ sở GDNN nhìn nhận toàn diện, khách quan hơn về năng lực và phẩm chất của đội ngũ nhà giáo GDNN, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo...

Bài và ảnh: Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/san-choi-tri-tue-cho-giao-vien-day-nghe-226942.htm