Sân chơi vững chắc cho các doanh nghiệp toàn cầu

Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm: Anh, Pháp, Italy, Đức, Mỹ, Canada và Nhật Bản vào tối 13-6, giờ Luân Đôn (tức rạng sáng 14-6, giờ Hà Nội), các nhà lãnh đạo G7 đã thông qua Thỏa thuận về thuế doanh nghiệp (DN) tối thiểu toàn cầu.

Đây là một bước đi quan trọng, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua và tạo sân chơi vững chắc cho các DN toàn cầu.

Trong tuyên bố chung, G7 nhấn mạnh, với thỏa thuận này, G7 đã có một bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ 21, chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp kéo dài suốt 40 năm qua. Sự hợp tác về thuế mới này sẽ tạo ra một sân chơi vững chắc hơn, giúp tăng thu thuế để hỗ trợ đầu tư và chấm dứt tình trạng trốn thuế, nhất là của các công ty đa quốc gia có doanh thu cao như các đại gia công nghệ. “Thỏa thuận trên sẽ giúp chấm dứt cuộc chạy đua đánh thuế rất thấp đang diễn ra tại các nước muốn bảo vệ đầu tư của tập đoàn bất chấp các ưu tiên như bảo vệ người lao động hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden-người đề xuất thuế DN tối thiểu toàn cầu, nêu rõ.

Các tập đoàn công nghệ sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (ảnh minh họa). Ảnh: AFP

Các tập đoàn công nghệ sẽ là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (ảnh minh họa). Ảnh: AFP

Từ lâu, đánh thuế các công ty toàn cầu hoạt động trên nhiều quốc gia luôn là thách thức lớn với chính phủ nhiều nước. Thách thức này ngày một lớn với sự bùng nổ của các công ty công nghệ khổng lồ như Amazon hay Facebook. Những công ty này có thể mở chi nhánh địa phương ở các nước có mức thuế khá thấp và công bố lợi nhuận ở đó. Điều đó có nghĩa là họ chỉ trả mức thuế tại địa phương, ngay cả khi lợi nhuận được thu từ các thị trường khác. Cách làm này là hợp pháp và phổ biến, tuy nhiên nó lại gây thất thoát ngân sách hàng tỷ USD cho chính phủ các nước. Do đó, các nước G7 muốn có một mức thuế toàn cầu tối thiểu để tránh xảy ra “cuộc đua giảm thuế”, theo đó, các nước đua nhau cắt giảm thuế để cạnh tranh. Ngoài ra, quy định mới sẽ buộc các công ty trả thuế ở những nước mà họ bán sản phẩm và dịch vụ, thay vì ở nơi mà họ công bố lợi nhuận.

Từ năm 2013, các nước G7 đã đàm phán để tìm kiếm một hiệp định về thuế DN tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn đã thể hiện rõ trong quá trình đàm phán, đặc biệt là về việc đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ. Triển vọng về thỏa thuận đã tăng lên đáng kể sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền vào đầu năm nay và đã đưa ra các đề xuất mới. Washington đánh giá, một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu là cách để chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” về thuế DN, đồng thời coi thỏa thuận là cách để giúp các tập đoàn của Mỹ duy trì cạnh tranh, nếu Mỹ tăng thuế DN tối thiểu.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 diễn ra ở thủ đô Luân Đôn của Anh ngày 5-6 vừa qua, các bộ trưởng đã đạt được một thỏa thuận lịch sử, theo đó nhất trí mức thuế DN tối thiểu toàn cầu ít nhất 15%, áp dụng tùy theo từng nước. Theo thỏa thuận này, các nước có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các công ty đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất. G7 sẽ tiến hành điều phối hợp lý giữa việc áp dụng các quy định thuế quốc tế mới với việc xóa bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự đối với tất cả các công ty.

Là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ thuế DN tối thiểu toàn cầu, song các đại gia công nghệ của Mỹ như Apple, Facebook và Google vẫn hoan nghênh tiến bộ mà G7 đã đạt được. Người phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook Nick Clegg cho biết, thỏa thuận của G7 là bước tiến quan trọng đầu tiên hướng đến một sự ổn định cho các DN và củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống thuế toàn cầu. Trong khi đó, Người phát ngôn của Google, ông José Castanẽda hy vọng các nước tiếp tục hợp tác cùng nhau nhằm bảo đảm sớm hoàn tất một thỏa thuận công bằng và bền vững. Dự kiến, vấn đề này cũng sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Italy vào tháng 7 tới.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/san-choi-vung-chac-cho-cac-doanh-nghiep-toan-cau-662637