Sàn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) 'rời' top 3 toàn cầu về huy động vốn IPO
Việc Trung Quốc thắt chặt nhiều chính sách quản lý giám sát đã ảnh hưởng lan tỏa đến doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Theo báo Liên hợp buổi sáng, việc Trung Quốc thắt chặt nhiều chính sách quản lý giám sát đã ảnh hưởng lan tỏa đến thị trường IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Hong Kong (Trung Quốc). Năm 2021, tổng giá trị IPO của Sở giao dịch chứng chứng Hong Kong giảm khoảng 20% so với cùng kỳ, và dự kiến một lần nữa rơi khỏi top 3 IPO toàn cầu sau 9 năm.
Thị trường IPO toàn cầu năm 2021 sôi động, số lượng các doanh nghiệp niêm yết và vốn huy động đều tăng mạnh, khối lượng phát hành IPO cổ phiếu A và vốn huy động đều ghi nhận mức cao mới.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Hong Kong lại thể hiện kết quả kém khởi sắc, chỉ dựa vào sự trở lại của các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc (China concepts stock) để duy trì sức cạnh tranh toàn cầu của thị trường IPO. Cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc (China concepts stock) là các cổ phiếu được đăng ký và niêm yết ở nước ngoài, nhưng quyền kiểm soát lớn nhất lại thuộc về doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân ở Trung Quốc.
Theo báo cáo thống kê thị trường IPO năm 2021 được công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) công bố, ước tính Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong huy động được khoảng 323,7 tỷ HDK trong năm 2021, giảm 19% so với cùng kỳ. Cả năm có 94 cổ phiếu mới niêm yết, giảm 35% so với cùng kỳ. Số liệu của EY cập nhật đến ngày 14/12, đồng thời đã ước tính những cổ phiếu mới nằm trong lộ trình niêm yết trong thời gian còn lại của năm nay.
Theo ước tính này, Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong sẽ đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng IPO huy động vốn của các sở giao dịch toàn cầu năm 2021. Sau khi xếp thứ 4 vào năm 2012, Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong luôn nằm ở top 3 trong những năm gần đây, trong đó có 4 lần đứng đầu.
Báo cáo phản ánh thị trường IPO Hong Kong chủ yếu ảm đạm trong nửa cuối năm, mức độ sôi động niêm yết đi ngược lại trạng thái bình thường, tổng giá trị vốn huy động thông qua IPO trên thị trường chứng khoán Hong Kong trong nửa cuối năm chỉ chiếm 35% cả năm.
Số liệu thống kê công khai cho thấy, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ huy động vốn trong nửa cuối năm của thị trường chứng khoán Hong Kong thường chiếm 70-80% cả năm, năm 2017 thấp nhất nhưng cũng chiếm gần 60%.
Theo số liệu của EY, từ tháng 8-11/2021, chỉ có 17 cổ phiếu mới niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong, tổng cộng huy động được 43 tỷ HKD, số lượng và quy mô IPO đều ghi nhận mức thấp nhất trong 7 năm.
EY cho rằng hiện tượng này là do ảnh hưởng của nhiều nhân tố, bao gồm việc điều chỉnh chính sách công nghiệp của Trung Quốc, tăng cường quản lý giám sát với một số ngành nghề, chống độc quyền và thị trường chứng khoán Hong Kong đi xuống…
Từ tháng 7/2021 đến nay, Trung Quốc liên tục ban hành các biện pháp chấn chỉnh và quản lý giám sát, bao phủ nhiều ngành nghề như các nền tảng Internet, thương mại điện tử, giáo dục, bất động sản, dược phẩm…, giá cổ phiếu của các công ty niêm yết trong lĩnh vực có liên quan cũng liên tục lao dốc.
Ba chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thị trường chứng khoán Hong Kong, bao gồm Hang Seng Index, Hang Seng China Enterprises Index và Hang Seng Tech Index lần lượt giảm 19%, 22% và 29% từ nửa cuối năm 2021 đến phiên đóng cửa ngày 15/12.
Các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc trở thành một trong những trụ đỡ hỗ trợ thị trường IPO Hong Kong năm 2021. Theo thống kê của EY, trong 10 thương vụ IPO lớn nhất trên thị trường chứng khoán Hong Kong năm nay, có 5 thương vụ là các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc chuyển từ thị trường chứng khoán Mỹ sang niêm yết ở Hong Kong.
Các thương vụ IPO này lần lượt xếp vị trí thứ 3 đến thứ 7, tổng vốn huy động khoảng 86,376 tỷ HKD, chiếm 27% tổng lượng vốn huy động thông qua IPO cả năm trên thị trường chứng khoán Hong Kong. Trong cả năm 2021, có 7 cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc niêm yết, ước tính chiếm 32% tổng lượng vốn huy động thông qua IPO trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Trưởng nhóm IPO khu vực châu Á-Thái Bình Dương Ringo Choi của EY nhấn mạnh, số lượng cổ phiếu mới niêm yết trên thị trường Hong Kong đang giảm dần từ hơn con số 200 trước đó. Điều này có liên quan đến nhân tố chính sách, chẳng hạn Hong Kong thắt chặt kiểm soát các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC - những công ty được thành lập bởi một nhóm nhỏ các nhà đầu tư sành sỏi hoặc các chuyên gia đầu ngành và tiến hành huy động vốn thông
qua IPO) và Trung Quốc tăng cường một loạt chính sách quản lý giám sát ngành nghề. Tuy nhiên, hiện tượng này không có gì bất thường, sau khi hoàn thành việc điều chỉnh chính sách, số lượng IPO trên thị trường chứng khoán Hong Kong dự kiến mỗi năm sẽ duy trì ở mức 100-120 trong thời gian tới.
Quan sát thị trường IPO toàn cầu, Sàn giao dịch Nasdaq đứng đầu bảng với tổng vốn huy động ước đạt 97,5 tỷ USD, Sàn giao dịch New York xếp thứ hai với thành tích 58,2 tỷ USD.
Năm nay, sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải thay thế vị trí thứ 3 của Hong Kong với tổng giá trị IPO cả năm ước đạt 58 tỷ USD, xấp xỉ sàn giao dịch New York và cao hơn gần 40% so với Hong Kong. Đây là lần thứ 2 sau năm 2017, Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải xếp vị trí thứ 3 về huy động vốn IPO toàn cầu.
Theo thống kê của EY, Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải có 492 công ty niêm yết trong năm nay, tăng 25% so với cùng kỳ, trong khi lượng vốn huy động ghi nhận tăng 14% so với cùng kỳ./.