'Săn đầu người' và cuộc chiến giữ người trên thị trường lao động du lịch

Hàng triệu lao động trong ngành lữ hành, khách sạn, nhà hàng hiện đang không có việc làm vì đại dịch. Trong đó, có những người phải tạm nghỉ chờ khi có khách trở lại, có những người làm việc luân phiên và nhiều người phải nghỉ việc hẳn, chia tay với nghề.

Trong bối cảnh rối ren đó, thị trường lao động du lịch cũng xuất hiện động thái mới, là có những doanh nghiệp có tiềm lực đã bắt đầu vào cuộc săn tìm nguồn nhân lực có chất lượng cao để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sắp tới.

 Nhân viên một resort cao cấp ở Bình Thuận đang phục vụ khách. Ảnh: Đào Loan

Nhân viên một resort cao cấp ở Bình Thuận đang phục vụ khách. Ảnh: Đào Loan

Cơ hội "săn đầu người"

Trần Hà (nhân vật đã đổi tên), người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn, từng giữ chức quản lý bậc trung ở nhiều khách sạn cao cấp tại TPHCM và đang quản lý một số khách sạn nhỏ mang thương hiệu riêng của cô vừa được một tập đoàn du lịch hàng đầu của Việt Nam chào mời với mức lương lên đến 7.000 đô la Mỹ/tháng.

Tập đoàn này có hàng loạt khách sạn, khu nghỉ trên cả nước, muốn tuyển những người giỏi, đã làm việc ở những khách sạn quốc tế để hoàn chỉnh quy trình quản lý chuỗi khách sạn.

"Họ muốn tôi làm người chủ chốt, cùng các đồng sự khác lập ra quy trình quản lý theo tiêu chuẩn tương tự như một khách hạng sang mà tôi đã từng làm việc", Hà nói và cho biết tập đoàn kết nối với cô thông qua công ty chuyên tìm kiếm nguồn nhân lực, hay thường được gọi là công ty "săn đầu người".

Dịch bệnh đã làm hàng triệu người lao động trong ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam mất việc làm. Theo kết quả khảo sát do Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cùng một số đơn vị như Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân, Grant Thornton Việt Nam thực hiện hồi tháng Tư rồi, khi du lịch chưa khủng hoảng sâu như hiện tại, có đến 18% doanh nghiệp số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho một nửa nhân viên nghỉ.

Mới đây, sau đợt bùng phát dịch lần hai, cơ quan quản lý du lịch một số thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội... đã đưa ra những con số cho thấy khủng hoảng trên thị trường lao động du lịch đã trầm trọng hơn fất nhiều. Trong đó, 28.000 lao động trong ngành du lịch ở Hà Nội đã phải tạm dừng làm việc còn tại TPHCM, khoảng 80-90% nhân viên của các công ty lữ hành và 90% nhân viên khách sạn từ 3-5 sao phải tạm nghỉ việc không hưởng lương.

Lượng khách du lịch tuột dốc khiến nhân viên du lịch mất việc làm, hàng loạt doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Thế nhưng, thị trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, tận dụng cơ hội thị trường đang trầm lắng để chuẩn bị cho các kế hoạch phát triển trong tương lại.

Với những doanh nghiệp này, thị trường lao động đình trệ do dịch bệnh lại là điều kiện thuận lợi để tìm nguồn nhân lực giỏi, vốn rất khan hiếm trước khi dịch xảy ra. Trước dịch, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế của Việt Nam tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm khiến nhà quản lý phải đương đầu với tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực, đặc biệt là thiếu trầm trọng đội ngũ lao động có tay nghề.

"Đợt dịch này đem đến rất nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để tuyển dụng người giỏi. Chúng tôi đã tìm được một số nhân viên giỏi với mức lương thấp hơn trước", ông Nguyễn Thế Khải, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hoàn Mỹ nói.

Theo đó, có thể khi tình hình kinh doanh tốt trở lại, mức lương phải trả cho những người này sẽ cao hơn nhưng công ty sẽ có lực lượng cốt cán để vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn. "Trước dịch, dù tìm kiếm khắp nơi cũng khó tuyển người. Công ty nào cũng giữ chặt nguồn nhân lực nhưng nay rất nhiều nơi phải buông tay vì không còn nguồn lực", ông nói.

Cạn sức giữ người

Trong bối cảnh nhiều công ty có doanh số bằng không và nguồn quỹ dự phòng gần như đã cạn như hiện nay thì thật khó để tính chuyện giữ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, nhiều nhà điều hành đang nỗ lực hết sức để giữ người lao động, đặc biệt là những người có tay nghề.

"Nếu chỉ nghĩ đến chuyện đóng hay mở công ty trong giai đoạn hiện nay thì dễ, cứ không có khách thì tạm đóng để chờ nhưng làm sao để giữ người, tạo việc làm cho nhân viên thì mới là chuyện khó", ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel nói.

Sau nhiều tháng không có khách, bằng cách dùng quỹ dự phòng và những nguồn tích lũy khách, công ty vẫn giữ phần lớn nhân viên để chuẩn bị cho việc phát triển sau này. "Dù chỉ còn một nửa thu nhập so với trước nhưng mọi người vẫn làm việc rất tích cực vì cho rằng trong giai đoạn này mà còn việc làm, còn có thu nhập tương đối đã là điều đáng mừng", ông nói.

Nhiều doanh nhân khác nhận định, nguồn nhân lực là điều kiện quan trọng nhất để doanh nghiệp có thể trở lại thị trường sau này. Đặc biệt, trong bối cảnh mà những người trong ngành du lịch đang phải chuyển qua những nghề khác để kiếm sống, tay nghề không được đào tạo để giữ chất lượng thì nơi nào còn nguồn nhân lực có chất lượng cao là nơi đó sẽ "thắng".

Để giữ người, trong đợt dịch đầu, có nhiều công ty cho đội ngũ lãnh đạo giảm lương hoặc làm việc không lương để dành nguồn quỹ cho nhân viên. Có nơi xoay xở nhiều cách để giữ đội ngũ nhân viên cốt cán. Có nơi cho nhân viên tự đăng ký làm việc không lương, chỉ nhận thêm thu nhập khi bán được dịch vụ. Có công ty tìm thêm công việc khác cho nhân viên...

Trong đợt bùng phát dịch thứ hai này, việc xoay xở càng khó khăn hơn nhưng không ít doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để giữ người.

Theo bà Tạ Thị Cẩm Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành Tourist, mục tiêu của công ty là phải giữ người vì lữ hành không có gì quý bằng nguồn lực con người. Hiện nay, công ty vẫn duy trì chính sách trả cùng một mức lương cho tất cả các thành viên trong công ty, từ người đứng đầu công ty đến nhân viên cấp thấp để có thể duy trì lâu hơn.

"Nhờ cách này mà chúng tôi vẫn giữ trọn được đội ngũ. Sau đợt giãn cách lần trước, chúng tôi có thể vào việc ngay là vì còn có đủ người và hy vọng lần này cũng sẽ như vậy", bà nói.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp còn có thể giữ được phần lớn hoặc gần như trọn vẹn đội ngũ như những công ty vừa kể trên không nhiều. Rất nhiều nhà điều hành lo lắng sau dịch có thể phải bỏ ra gấp đôi, gấp ba chi phí so với thời điểm bình thường để thuê mướn lao động nhưng hiện tại không có cách để giữ nhân viên.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, khủng hoảng nguồn nhân lực là vấn đề cần phải bàn tới khi tính đến chuyện hỗ trợ giải quyết khó khăn cho ngành du lịch. Trong đợt khủng hoảng trước, đã có tình trạng lao động có tay nghề chuyển sang làm việc khác. Với lần suy giảm thứ hai này, tình trạng người giỏi nghề bỏ ngành lại càng nhiều hơn và chuyện khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch sau dịch là hoàn toàn có thể thấy trước.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/307372/san-dau-nguoi-va-cuoc-chien-giu-nguoi-tren-thi-truong-lao-dong-du-lich.html