Sân đình làng tôi
Trong ký ức mỗi người, ai mà không có những kỷ niệm tuổi thơ. Đó có thể là một dòng sông quê hiền lành ngọt mát, một con đò nhỏ cần mẫn đưa khách sang sông hay chỉ đơn thuần là một cây mận, cây ổi trước hiên nhà. Với tôi, hình ảnh sân đình làng luôn là đẹp nhất, nhớ nhất là đình thần Nguyễn Trung Trực.
Đình làng tôi nằm hiền hòa, khiêm tốn bên bờ sông Cái Trưng, nhánh sông nhận nước trực tiếp từ sông Hậu (đoạn chảy qua xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Người dân quê tôi sống chủ yếu bằng nghề nông, công việc tuy có phần vất vả nhưng cuộc sống thì cũng khá đủ đầy. Trong ký ức tuổi thơ của những người từng sinh ra và lớn lên ở đây thì ngôi đình làng mang tên vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực luôn được họ cất giữ riêng trong trái tim mình, với một niềm tự hào và một tình yêu thương sâu nặng.
Cũng chẳng ai nhớ rõ ngôi đình này được dựng lên từ bao giờ, nhưng nghe các cụ cao niên trong làng kể lại thì đình được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Tính ra, đình cũng có tuổi thọ trên trăm năm và là một trong những ngôi đình cổ kính nhất ở huyện Kế Sách.
Đình cũng được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của những ngôi đình làng ở Nam Bộ. Trong khuôn viên đình, ngoài nơi để thờ tự thì còn có cây chôm và cây đa cổ thụ có tuổi đời tương đương với ngôi đình. Tán của “các cụ” cây che mát cho cả khoảng sân đình rộng lớn, mặc phong ba bão táp cây vẫn sừng sững, uy nghiêm đứng vững thách thức thời gian.
Thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thì đình thần Nguyễn Trung Trực (trước gọi là đình Đại An) là nơi sinh hoạt an toàn của chi bộ Đảng tại địa phương. Dù kẻ thù nhiều lần càn quét, bắt bớ nhưng với sự đoàn kết, che chở của người dân địa phương thì cán bộ, đảng viên vẫn được đảm bảo an toàn. Hiện tại, đình trở thành “địa chỉ đỏ”, là nơi để các chi bộ Đảng, trường học ở địa phương giáo dục truyền thống cách mạng cho đảng viên và học sinh.
Cạnh bên đình là ngôi trường tiểu học, nơi ươm mầm ước mơ cho bao thế hệ trẻ em ở làng quê này. Dù trường có sân chơi nhưng hồi còn đi học, mỗi lần đến giờ ra chơi là tôi và đám bạn lại ùa qua sân đình chơi cho mát. Đủ thứ trò chơi được đám con nít làng quê tổ chức như: bắn bi, nhảy lò cò, nhảy dây... Đơn giản mà vui không thể tưởng được. Từ nơi này, nhiều thế hệ đã trưởng thành, cùng chung tay góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp.
Nhiều năm về trước, sân đình chính là nơi lý tưởng để người dân trong làng vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc mệt nhọc. Cứ chiều xuống thì mấy anh, mấy chú tụ họp về sân đình chơi đá cầu quẹt lọ. Một cái đít nồi đầy lọ được đặt ở giữa vòng tròn, hễ ai đá rớt cầu thì bị quẹt vào mặt một đường, người nào đá không khéo thì tàn cuộc trở thành “ông táo”. Đám con nít thì chơi đá banh, không có tiền mua bóng thì nhà đứa nào có bưởi bẻ theo vài trái để thay bóng. Chơi xong thì lột chia nhau ăn. Bưởi dập ăn đắng nghét nhưng tiếng cười nói thì lúc nào cũng rộn ràng cả khoảng sân đình.
Bây giờ thì xe ôtô đã đến được tận cổng đình, đời sống của người dân địa phương cũng ngày thêm sung túc. Ngôi đình làng tôi được đầu tư trùng tu khang trang hơn. Sân đình đã có sân bóng chuyền để thanh niên trong làng tập luyện sau những giờ làm việc, học tập mệt nhọc. Dù cuộc sống có tất bật đến đâu thì cứ vào dịp cúng đình hằng năm, nhằm ngày 16 tháng Chạp và 16 tháng Tư âm lịch, những người xa quê cũng tranh thủ trở về. Với họ, đình làng không chỉ là một nơi thờ tự tín ngưỡng mà còn là một phần máu thịt không thể thiếu, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm của mỗi con người, để họ sống tốt hơn, đẹp hơn, biết tự hào và yêu quý quê hương ruột thịt của mình hơn.
Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/san-dinh-lang-toi-69030.html