Sàn giao dịch bất động sản 'tay tung, tay hứng' sẽ làm nhiễu loạn thị trường
Theo đại biểu Quốc hội, nhiều trường hợp sàn giao dịch bất động sản có hành vi làm nhiễu loạn thị trường. Nếu sàn giao dịch vừa mua, vừa bán, 'tay tung, tay hứng' sẽ làm cho nhiễu loạn thị trường.
Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo quy định hiện hành không bắt buộc giao dịch qua sàn.
Trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Chính phủ đề xuất hai phương án là: mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn, còn các giao dịch khác không bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đại biểu tại kỳ họp 5 không đồng tình bắt buộc, mà chỉ khuyến khích giao dịch bất động sản qua sàn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận với quan điểm này, và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sau giải trình, tiếp thu cũng không bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn, mà chỉ khuyến khích.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, sàn giao dịch bất động sản có ý nghĩa quan trọng trong thị trường bất động sản. Theo đại biểu, nếu sàn giao dịch bất động sản không chuyên nghiệp thì thị trường sẽ "méo mó".
Ông Cường nêu dẫn chứng, thực thi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho thấy, các sàn giao dịch bất động sản hiện nay chưa đủ khả năng để bảo đảm an toàn pháp lý của giao dịch. Thậm chí, xuất hiện nhiều trường hợp sàn giao dịch bất động sản có hành vi làm nhiễu loạn thị trường.
"Nhiều sàn đã làm cho thị trường sai lệch. Vậy tại sao chúng ta không quy định lại pháp luật để sàn không làm sai lệch nữa. Đặc biệt, trong luật 2014, chúng ta đã không quy định đúng chức năng của sàn, không phải chỉ là chức năng môi giới. Chúng ta vẫn để cho sàn tham gia vào cả bán và cả mua", đại biểu Cường nói.
Đại biểu Cường cho rằng: “Sao chúng ta vẫn để sàn tham gia vào bán mua bất động sản, bởi như vậy là họ được quyền “tay tung - tay hứng”. Chính điều đó mới làm cho nhiễu loạn thị trường". Do đó, ông Cường đề nghị quy định chặt chẽ hơn, sàn giao dịch bất động sản chỉ được vai trò là trung gian bất động sản, để họ tự chịu trách nhiệm thông tin đưa ra.
“Sàn không được tham gia mua bán mà nên chỉ được hưởng phí xác nhận giao dịch, hưởng thù lao môi giới khi hai bên mua - bán thỏa thuận với nhau”, ông Cường đề xuất hướng quản lý sàn giao dịch bất động sản thời gian tới.
Theo ông Cường, có thể cân nhắc để sàn có thể xác nhận giao dịch mua bán bất động sản, người mua, bán không phải qua công chứng.
“Nếu chúng ta làm được thì trao cho sàn giao dịch thì trách nhiệm của họ sẽ tương ứng. Nếu ta giao đúng vai, thì họ sẽ làm đúng trò. Nếu chúng ta không giao vai thì để họ tự tung, hứng và họ sẽ còn làm nhiều chiêu trò nữa”, ông Cường nói.
Đại biểu đồng tình với dự thảo luật khi không quy định bắt buộc giao dịch qua sàn. Còn người nào giao dịch qua sàn rồi thì dùng giấy xác nhận qua sàn có thế thay thế, không cần phải qua công chứng.
Đại biểu Cường nhấn mạnh, khi trao cho sàn trách nhiệm đúng vai trò là tư vấn cho khách hàng, cung cấp thông tin, môi giới thì sẽ phát huy được vai trò của mình, góp phần phát triển và lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
"Nếu chúng ta không trao cho họ vai trò đó, để cho người ta 'vừa tung vừa hứng' như hiện nay thì sẽ làm nhiễu loạn thị trường. Tôi biết rằng việc quy định như thế thì làm cho người môi giới không vui bởi không còn sự độc quyền xác nhận nữa vì khách hàng sẽ lựa chọn qua công chứng hoặc qua môi giới", đại biểu Cường nói và cho rằng những người làm môi giới sẽ phải hoạt động chuyên nghiệp và tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm pháp luật, không được quyền "tự tay tung, tay hứng" để kiếm lợi như trước.
Tranh luận với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường liên quan tới việc xác nhận giao dịch qua sàn bất động sản, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, Luật quy định hiện nay, trong giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, chúng ta công nhận người thứ 3 trong giao dịch là cơ quan công chứng.
“Còn nếu như đề xuất của đại biểu Hoàng Văn Cường cân nhắc giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản, không cần qua công chứng thì rất nguy hiểm. Vì sàn giờ không kiểm soát được. Chúng ta thấy lịch sử đã có sàn vàng gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế nên không thể cho họ thay thế công chứng được”, ông Thân nêu.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, trước đây các nhà cao tầng, nhất là có các tập đoàn nhà nước hoặc các công ty lớn của tư nhân ra giá thì ngày hôm sau hỏi đến chủ đầu tư hết hàng, nhưng ra sàn bất động sản với giá cao, thậm chí gấp rưỡi, gấp đôi. Như vậy rất nguy hiểm.
"Đề nghị Quốc hội vẫn giữ nguyên quyết định, tức là sàn giao dịch bất động sản tự do, không bắt buộc, hữu xạ tự nhiên hương. Nếu anh giao dịch tốt thì khách hàng đến, nếu không giao dịch tốt thì khách hàng không đến", đại biểu Thân nêu ý kiến.