Sân golf in dấu sneakers khiến giới thượng lưu phẫn nộ
Từng gắn với hình ảnh CEO và giới trung niên thượng lưu, golf đang trở thành sân chơi mới của Gen Z, những người đến với môn thể thao này vì cả đam mê lẫn trang phục đẹp.

Chuyên gia nhận định Gen Z đang tiếp cận các môn thể thao quý tộc tại không gian mở. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.
Eleanor Lee (30 tuổi, Mỹ) lớn lên trong gia đình có văn hóa golf, ông bà cô là hội viên của câu lạc bộ Claremont danh tiếng ở Oakland (California, Mỹ) và gia đình thường chơi sân golf 9 lỗ ven biển trong mỗi dịp lễ Tạ Ơn. Thế nhưng, cô chỉ mới bắt đầu chơi golf từ 2021.
Sau 1 năm chơi bộ môn này, cô chuyển đến Austin (Texas, Mỹ) và khởi xướng Hot Girl Golf, câu lạc bộ tập hợp những phụ nữ chưa từng chơi golf, cùng nhau học hỏi và vượt qua cảm giác “lạc lõng” vốn thường thấy ở bộ môn được cho là của đàn ông lớn tuổi và giới thượng lưu.
Từ 18 thành viên trong đầu năm 2022, câu lạc bộ đã lan rộng và thu hút tới 60 người tham dự, theo Business Insider.
Thể thao thượng lưu thành trào lưu
Từng gắn với hình ảnh của những CEO mặc suit hay những người đàn ông trung niên trở lên bàn chuyện hợp đồng sau mỗi cú putt, golf nay đang thay đổi mạnh mẽ.
Theo Tổ chức Golf Quốc gia Mỹ, năm 2023 có đến 3,4 triệu người chơi golf lần đầu, vượt xa mức trung bình trước đại dịch, với nhóm tuổi tham gia đông đảo nhất là từ 18 đến 34. Đáng chú ý, số lượng nữ golf thủ dưới 18 tuổi đã chiếm 37%, tăng mạnh so với con số 15% vào năm 2000.
Đối với Gen Z, bộ môn này như một cách để cosplay (nhập vai) đời sống thượng lưu kiểu cũ. Khi giấc mơ làm giàu của thế hệ trẻ ngày càng mãnh liệt (2/3 Gen Z muốn trở thành tỷ phú, theo Harris Poll), việc tham gia các hoạt động gắn với hình ảnh giới quý tộc như golf, tennis, trượt tuyết trở thành phương tiện khẳng định bản thân.
Thế hệ trẻ không còn chuộng cách sống khoe khoang hào nhoáng, mà là kiểu sang trọng thầm lặng với áo polo, chân váy tennis, uống martini trong phòng chờ sân bay.


Thời trang golf là một trong những yếu tố thu hút thế hệ trẻ tham gia. Ảnh minh họa: @malbongolf.
Trong đại dịch, khi nhu cầu vận động ngoài trời tăng, các môn thể thao đơn độc như golf, tennis, trượt tuyết bỗng “lên ngôi”. LIV Golf, giải đấu hậu thuẫn bởi Saudi Arab, góp phần trẻ hóa hình ảnh golf với âm nhạc, quần short và không khí như một bữa tiệc, thu hút 30% khán giả lần đầu tiếp xúc với bộ môn này, độ tuổi trung bình trẻ hơn 15 tuổi so với PGA Tour.
Cùng lúc, các thương hiệu thời trang cũng “bắt sóng”. Điển hình, Miu Miu trình diễn tại sân tennis hay Adidas, Lululemon, Sun Day Red lần lượt ra mắt các bộ sưu tập dành riêng cho tín đồ golf nữ.
Những môn thể thao này không còn bó hẹp trong sân sau của giới nhà giàu. Tại Mỹ, 75% sân golf hiện mở cửa cho công chúng. Các mô hình mô phỏng chơi golf trong nhà tăng trưởng 73% kể từ năm 2019. Chuỗi sân tập kết hợp giải trí Topgolf đã tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng trong các năm tiếp theo.
Xung đột thế hệ cũ và Gen Z trên sân
Caitlin Thompson (Mỹ), người sáng lập tạp chí tennis Racquet, cho biết số lượng người chơi tennis tại Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2024, tương đương 1 trong 12 người dân. Tính từ năm 2019 đến nay, số người chơi đã tăng 45%.
Tại Racquet, các sự kiện luôn kín lịch với khách mời là người nổi tiếng và vận động viên tenis. Bên cạnh đó, các sản phẩm phát hành giới hạn thì cháy hàng chỉ sau vài giờ.
Câu lạc bộ của Eleanor Lee hiện đã có hơn 1.000 thành viên trong nhóm chat. Cô cho biết các sự kiện thường bán hết vé chỉ trong 1-2 tiếng và hầu hết người tham dự đều ở độ tuổi 20-30.
"Không thiếu những người tham dự sự kiện thể thao chỉ vì trang phục đẹp. 'Vibe' (phong cách) tiểu thư thanh lịch kiểu cũ vẫn là điểm thu hút rất nhiều bạn nữ", Lee chia sẻ.
Đó cũng là trường hợp của Casey Forand (26 tuổi, Mỹ). Sau vài buổi tập thử tại sân driving range, cô chơi trận golf đầu tiên trong kỳ nghỉ tại Florida (Mỹ) và lập tức bị cuốn hút. Trở về New Jersey (Mỹ), Forand đăng ký ngay thẻ hội viên tại một sân công cộng. Gen Z thừa nhận bộ môn này thoạt nhìn rất khó chơi, song sau vài cú bóng thành công, cô thực sự bị nghiện.
Trên TikTok và Instagram, hình ảnh Gen Z trong áo polo, vòng ngọc trai, áo len choàng vai, chơi golf hoặc tennis tràn ngập, thu hút hàng triệu lượt xem. Thậm chí, với nhiều người , chỉ cần “diện đúng đồ” là đủ tham gia cuộc chơi.
Dù một phần người trẻ tiếp cận golf hay tennis vì thời trang, sự hiện diện của họ đang tạo ra ảnh hưởng lớn. Caitlin Thompson cho rằng người trẻ đang ép tennis phải thay đổi cách tiếp cận truyền thông. Có thể kể đến Morgan Riddle, bạn gái của vận động viên tennis Taylor Fritz, từng lên tiếng về việc các giải đấu hạn chế nội dung hậu trường trên mạng xã hội. Sau áp lực từ cộng đồng người sáng tạo, giải đấu phải nới lỏng quy định cho influencer.

Các câu lạc bộ golf đang loay hoay với bài toán dung hòa văn hóa truyền thống và phong cách của nhóm khách hàng mới. Ảnh minh họa: Manors.
Việc thế hệ trẻ ồ ạt đến sân golf cũng thay đổi các chuẩn mực cũ tại các câu lạc bộ riêng tư. Nhiều nơi từng ưu đãi hội viên trẻ nay phải giới hạn vì nhu cầu tăng vọt.
"Người trẻ còn đi làm, không thể ra sân mỗi tuần, nhưng họ lại chính là những người sẽ đóng phí dài hạn trong tương lai", Jason Becker từ Golf Life Navigators chia sẻ. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ cũng loay hoay để dung hòa văn hóa với nhóm khách hàng mới, những câu hỏi phổ biến là "Có nên bật nhạc trên sân?", "Có cần bắt buộc sơ vin áo?".
Chris Jenkins (53 tuổi, Mỹ), người chơi golf hơn 30 năm, than phiền sân golf giờ quá đông, tee time quá tải, người chơi mang sneakers và mở nhạc ầm ĩ.
“Tôi là kiểu ‘snob câu lạc bộ’ (dân sành sỏi), và tôi chọn chơi ở nơi yên tĩnh, đúng chuẩn quý ông", ông nói thẳng.
Ở chiều ngược lại, Caitlin Thompson cho rằng những người mới, dù đến vì phong cách kiểu cũ hay trang phục, vẫn mang lại giá trị tích cực cho thể thao.
Với Eleanor Lee, golf vẫn giữ sức hút vì tính biểu tượng. Nhưng cô cũng mong thị trường mở rộng cho người chơi bình dân. Dù vậy, khi mang Hot Girl Golf đến Miami (Mỹ), cô nhận ra hầu hết là private club và không vào được sân nào cả.