San hô toàn cầu đối mặt cuộc khủng hoảng điên rồ nhất lịch sử
Nhiệt độ nước biển tăng cao khắp hành tinh đã gây ra hiện tượng tẩy trắng san hô. Đây là lần thứ tư các rạn san hô gặp khủng hoảng và cũng là lần có quy mô lớn nhất.
Các rạn san hô trên thế giới đang phải đối mặt với hiện tượng tẩy trắng do nhiệt độ nước biển tăng bất thường, theo công bố của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) vào 15/4.
Đây là đợt khủng hoảng san hô thứ tư được ghi nhận và dự kiến có tác động rộng nhất trong lịch sử. Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi san hô trở nên căng thẳng đến mức chúng mất đi lượng tảo cộng sinh cần thiết để tồn tại. San hô bị tẩy trắng có thể bị phục hồi nhưng nếu nước biển xung quanh duy trì nhiệt độ ở mức cao, chúng sẽ chết.
Khối tài sản nghìn tỷ đôla bị đe dọa
Các rạn san hô đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển. Suốt vòng đời của mình, san hô như “những cái nôi” nuôi dưỡng khoảng một phần tư số loài sinh vật trong đại dương. Không chỉ vậy, chúng còn cung cấp protein cho hàng triệu người và bảo vệ bờ biển khỏi các cơn bão và lũ lụt. Ước tính, giá trị kinh tế của các rạn san hô trên thế giới là khoảng 2.700 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, trong năm qua, nhiệt độ đại dương đã vượt mức bình thường và đe dọa đến “khối tài sản” nghìn tỷ USD của nhân loại.
Derek Mazello, điều phối viên chương trình Theo dõi rạn san hô của NOAA, nơi theo dõi và dự đoán các hiện tượng tẩy trắng, cho biết: “Điều này thật đáng sợ vì các rạn san hô rất quan trọng”.
Tin tức này là ví dụ mới nhất về những dự báo của các nhà khoa học về ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bất chấp những lời cảnh báo kéo dài nhiều thập kỷ của các nhà khoa học hay cam kết từ các nhà lãnh đạo, nhiều quốc gia vẫn đang đốt nhiên liệu hóa thạch và làm tăng lượng khí thải nhà kính.
San hô chết đang kể đã được xác nhận quanh Florida và vùng Caribbe, đặc biệt là đối với loài san hô sừng hươu và san hô sừng tấm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết còn quá sớm để ước tính mức độ thiệt hại của đợt khủng hoảng lần này.
Để nghiên cứu hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu, NOAA và các đối tác đã dựa vào nhiệt độ bề mặt nước biển và sự thay đổi của các rạn san hô. Theo đó, san hô ở cả ba lưu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương sẽ bị tẩy trắng trong vòng 365 ngày tới. Dự kiến, ít nhất 12% rác san hô ở mỗi lưu vực bị tẩy trắng vì nhiệt độ cao.
“Bộ phim về thảm họa khí hậu”
Tiến sĩ Manzello cho biết hơn 54% diện tích san hô trên thế giới đã phải chịu áp lực từ hiện tượng tẩy trắng trong năm 2023 và con số đó đang tăng khoảng 1% mỗi tuần.
Ông nói thêm rằng san hô toàn cầu sẽ đối mặt với khủng hoảng tẩy trắng trong vòng một hoặc hai tuần tới với quy mô lớn nhất lịch sử.
Theo ghi nhận, các đợt khủng hoảng san hô đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Trong đợt khủng hoảng đầu tiên xảy ra vào năm 1998, 20% diện tích san hô trên thế giới phải chịu áp lực nhiệt độ và bị tẩy trắng. Năm 2010, đợt khủng hoảng thứ hai xảy ra với tỷ lệ 35%. Lần thứ ba kéo dài từ 2014 đến 2017 và ảnh hưởng đến 56% các rạn san hô.
Theo tiến sĩ Manzello, đợt khủng hoảng thứ tư sẽ diễn ra trong thời gian ngắn hơn vì La Nina diễn ra vào cuối năm nay.
Hiện tượng tẩy trắng san hô đã được xác nhận ở 54 quốc gia, vùng lãnh thổ. Rạn san hô Great Barrier (Tạm dịch: Tường chắn khổng lồ - PV) ở Australia đang hứng chịu hiện tượng tẩy trắng nghiêm trọng nhất - bị tẩy trắng khoảng 1/3 diện tích với cường độ rất cao hoặc cực cao và 3/4 diện tích bị tẩy trắng ở mức trung bình.
Ove Hoegh-Guldberg, giáo sư nghiên cứu biển tại Đại học Queensland, đã công bố những dự đoán về ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đối với các rạn san hô. “Đôi khi tôi cảm thấy chán nản vì cảm thấy như ‘Trời ơi, chuyện này đang xảy ra’. Nhân loại như đang sống trong một bộ phim về thảm họa khí hậu”, ông nói.
Nguy cơ mất tất cả san hô
Xác nhận gần đây nhất về tình trạng tẩy trắng san hô lan rộng, dẫn đến thông báo ngày 15/4, là do hiện tượng tẩy trắng đáng báo động ở phía Tây Ấn Độ Dương.
Swaleh Aboud, một nhà khoa học về san hô tại CORDIO Đông Phi, cho biết các loài san hô có khả năng chịu nhiệt cũng đang bị tẩy trắng. Thậm chí, theo ông, những loài san hô ở khu vực mát mẻ, nơi từng được xem là “hầm trú ẩn” khí hậu - cũng bị ảnh hưởng.
Gần đây, ông đã đến thăm một cộng đồng ngư dân ở Kenya, nơi đang nỗ lực hồi sinh các rạn san hô. Nhiều quần thể san hô từng được phục hồi đang chuyển sang màu trắng quỷ dị. Những rạn san hô khác, dù chưa bị tẩy trắng, cũng xanh xao và có hiện tượng chuyển màu.
“Hành động khẩn cấp là cần thiết để giảm thiểu hiện tượng tẩy trắng san hô trong tương lai. Chúng ta cần giảm thiểu lượng khí carbon thải ra môi trường càng sớm càng tốt”, ông Aboub cho biết.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của san hô. Nhiều nhà khoa học đang nỗ lực để nhân giống san hô chịu được nhiệt độ cao. Ở một số nơi, như Australia và Nhật Bản, san hô dường như đang di cư về vùng cực, khu vực có nhiệt độ mát mẻ hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học xác định điều này khó xảy ra vì các trở ngại về ánh sáng, địa hình đáy biển, axit hóa đại dương.
Theo giáo sư Hoegh-Guldberg, thế giới sẽ mất đi phần lớn san hô khi nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C. Và khi tăng thêm 2 độ, hầu như tất cả san hô sẽ chết. Những cam kết hiện tại của các quốc gia sẽ khiến Trái Đất tăng thêm 2,5 độ C vào năm 2100. Tuy nhiên, điều này vẫn không làm các chuyên gia mất hy vọng.
“Chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề nếu đứng lên đấu tranh và đề ra các biện pháp khẩn cấp”, giáo sư Hoegh-Guldberg nói. “Việc chúng ta tiếp tục nói suông nhưng không tìm ra giải pháp chỉ là hành động tự lừa dối mình”.