Sân khấu cần lắng nghe để vươn xa
Khi sân khấu được nghe, được phản hồi, được tranh luận... thì mới có thể cho ra đời những sáng tạo có giá trị
Ngày 15-7, Hội Sân khấu TP HCM sẽ tổ chức chương trình đối thoại, để các nghệ sĩ: Hồng Vân, Quốc Thảo, Minh Nhí, Lâm Vỹ Dạ, Minh Luân, Bình Tinh, Huy Khánh, Mi Lê… nói về những vai diễn của mình.
Được nghe khán giả nói thật
"Không gian đối thoại: Vở diễn và công chúng" do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đã mở ra một cơ chế phản hồi tích cực để nghệ sĩ ở các sân khấu lắng nghe, điều chỉnh và đồng hành với khán giả. NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, đánh giá cao hoạt động này của Hội Sân khấu TP HCM - khi tích cực tạo kênh thông tin để khán giả và các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập có điều kiện trao đổi, lắng nghe để hướng tới xây dựng tác phẩm xứng tầm.
Khi vở diễn kết thúc, tiếng vỗ tay vang lên trong vài phút. Nhưng điều đọng lại, với nghệ sĩ đó là ánh mắt khán giả, là câu hỏi chưa có lời đáp, là cảm giác chưa chạm được đến người xem như mong muốn. Và khi ấy, nghệ sĩ cần một nơi để nghe lại tiếng vang của sân khấu, không phải trong im lặng, mà trong đối thoại. Từ Liên hoan Sân khấu TP HCM lần 1 - 2024 do TP HCM tổ chức, chương trình "Không gian đối thoại: Vở diễn và công chúng" do Hội Sân khấu TP HCM khởi xướng trở thành một sáng kiến có giá trị thực tiễn sâu sắc, mang lại lợi ích cho cả nghệ sĩ lẫn công chúng yêu sân khấu.
Sau nhiều năm sân khấu bị xem là "một chiều" khi nghệ sĩ diễn, còn khán giả lặng lẽ tiếp nhận thì sự ra đời của "Không gian đối thoại" chính là một bước ngoặt tư duy. NSƯT Lê Thiện nhận định: "Không gian này cần lắm và phải tổ chức thường xuyên hơn".
Theo giới chuyên môn, không chỉ là nơi giới thiệu tác phẩm, chương trình còn là diễn đàn hai chiều để vở diễn được giải mã, được chia sẻ, được phản biện một cách văn minh và gần gũi. Điều đặc biệt, chính công chúng là người chủ động lên tiếng; đã không còn khoảng cách giữa nghệ sĩ và người xem. Trong cùng một không gian, khán giả nói ra cảm nhận thật của mình, nghệ sĩ lắng nghe với thái độ cầu thị, cởi mở.
NSND Trần Minh Ngọc từng chia sẻ: "Một vở diễn chỉ hay trong mắt nghệ sĩ là chưa đủ. Nó phải chạm đến người xem. Muốn biết điều đó, những người làm nghề phải hỏi khán giả".

Một cảnh trong vở kịch “Cuộc đoàn tụ cảm xúc” của Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ V - 2025
Tiếp cận công chúng trẻ
Không dừng ở những lời khen ngợi hoặc góp ý trực tiếp, "Không gian đối thoại" sau gần một năm tổ chức đã cho thấy vai trò sâu hơn: đó là mở rộng tuổi thọ nghệ thuật của vở diễn. Trong thực tế, nhiều vở tham gia liên hoan dù đoạt giải cao nhưng không thể sống tiếp sau khi cuộc thi khép lại. Lý do là vì thiếu phản hồi thực tế từ khán giả.
Tại buổi tọa đàm sắp tới, Hội Sân khấu TP HCM sẽ đặt câu hỏi: "Làm thế nào để kịch chính luận bán được vé?". Đây không chỉ là câu chuyện doanh thu mà còn là bài toán lớn của cả một dòng kịch vốn nhiều chất liệu nhưng chưa đủ hấp dẫn thị trường.
Dịp này, 4 đơn vị nghệ thuật xã hội hóa vừa gặt hái thành công tại Liên hoan Sân khấu nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ V - 2025 sẽ mang những vở diễn vừa dự thi phục vụ khán giả trong tháng 7 và 8 gồm: "Sâu đêm" (đoạt huy chương đồng - Sân khấu Quốc Thảo), "Cuộc đoàn tụ cảm xúc" (huy chương vàng - Sân khấu Nghệ thuật Trương Hùng Minh), "Một cuộc chiến khác" (huy chương bạc - Sân khấu Hồng Vân) và "Viên đạn bọc đường" (đạo diễn Mi Lê đầu tư với sự chủ quản của Chi hội Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM).
Các buổi diễn này sẽ tiếp nối bằng những đối thoại chuyên đề, nơi người xem không chỉ xem xong rồi về, mà ở lại để tranh luận, hỏi lại, gợi mở - một quy trình học tập và sáng tạo ngược chiều đầy bổ ích với nghệ sĩ. Có thể nói, đây là một trong những mô hình hiếm hoi tại TP HCM hiện nay cho phép sân khấu tiếp cận gần với công chúng trẻ.
NSƯT Minh Nhí cho rằng mỗi cuộc trò chuyện sau vở diễn là một lần kiểm chứng tác phẩm trong thực tế tiếp nhận xã hội. Nghệ sĩ biết mình đang làm gì và vì ai. "Khán giả biết mình đang xem gì và có quyền chất vấn. Đó không chỉ là sự công bằng giữa hai phía mà còn là nền tảng cho tái cấu trúc tư duy sáng tạo, giúp sân khấu không rơi vào khuôn sáo hay "đóng khung trong lòng mình". Chúng tôi rất muốn lắng nghe để có những điều chỉnh phù hợp" - NSƯT Minh Nhí nói. NSND Hồng Vân cho rằng: "Chúng tôi tham gia không gian đối thoại này để được lắng nghe, qua đó giúp hoàn thiện hơn trong dàn dựng và diễn xuất".
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nhấn mạnh: "Không gian sân khấu hôm nay không còn là nơi nghệ sĩ độc thoại. Nó cần là diễn đàn mở, nơi nghệ thuật đứng trước hành trình hai chiều: người làm nghề và người xem, để cùng đi, cùng góp ý, cùng thăng hoa, mang đến sự đồng điệu từ những tác phẩm được dàn dựng nghiêm túc".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/san-khau-can-lang-nghe-de-vuon-xa-196250711212736447.htm