Sân khấu Thiên Đăng: Hành trình đáng nể của Thành Lộc

NSƯT Thành Lộc từng ao ước có một sân khấu nhạc kịch thuần Việt và Thiên Đăng ra đời đã đánh dấu sự nỗ lực hết mình của anh trong việc đưa nhạc kịch đến với khán giả.

Dù sinh sau đẻ muộn nhưng Thiên Đăng hứa hẹn sẽ là nơi phục vụ khán giả với những vở diễn chất lượng mang phong cách của NSƯT Thành Lộc cũng như sẽ là nơi biểu diễn các vở nhạc kịch.

Thành Lộc tham vọng với nhạc kịch

Ngày 20-9, Sân khấu Thiên Đăng đã có màn chào khán giả ấn tượng bằng vở nhạc kịch Giáng Hương được dựng lại từ vở tuồng Sân khấu về khuya của soạn giả Năm Châu. Vở được sự chăm chút của NSƯT Thành Lộc với vai trò là đạo diễn và là người chỉ đạo nghệ thuật với phiên bản mới là nhạc kịch.

Thành Lộc đã thổi vào đó một làn gió mới với những thông điệp cũng như tuyên ngôn nghệ thuật đáng suy nghĩ. Gây chú ý nhất, có lẽ là tranh cãi về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng trong Giáng Hương.

Cụ thể, khi cô đào Giáng Hương (Lê Khánh) nói Lĩnh Nam (Thành Lộc) có được mọi thứ là nhờ khán giả nên một người nghệ sĩ như anh phải có trách nhiệm làm hài lòng họ. Thế nhưng, Lĩnh Nam khẳng định: “Nghệ sĩ và công chúng đều sống chung cõi đời. Chúng ta chịu ơn và trả ơn lẫn nhau chứ không ai ban phát cho ai cả”.

 NSƯT Thành Lộc (vai Lĩnh Nam) và Lê Khánh (vai Giáng Hương) trong vở Giáng Hương. Ảnh: VĂN HÀ

NSƯT Thành Lộc (vai Lĩnh Nam) và Lê Khánh (vai Giáng Hương) trong vở Giáng Hương. Ảnh: VĂN HÀ

Mối quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ luôn gây tranh cãi ở mọi thời đại. Tùy theo góc nhìn của mỗi người mà họ sẽ có những quan điểm khác nhau. Công chúng sẽ là người lắng nghe hai quan điểm này, họ sẽ thấy cái nào đúng, sai hay chưa đúng. Họ sẽ là người cảm thấy cần thay đổi suy nghĩ như thế nào cho đúng với thời đại.

Không dừng lại ở đó, NSƯT Thành Lộc còn có tham vọng đem nhạc kịch mang màu sắc Broadway phục vụ khán giả tại Sân khấu Thiên Đăng.

Rõ ràng Lộc và Thiên Đăng đã tìm thấy một dòng máu đỏ tươi vẫn luôn mới, vẫn tuôn chảy từ những tác phẩm hàng nửa thế kỷ trước hay lâu hơn thế nữa và cẩn trọng sáng tạo rồi mang đến cho đời hôm nay. Chọn cái khó nhất, đáng công nhất trong tình hình “khẩu vị” người xem ít nhiều đã quen với những món ăn được cung phụng dễ dãi, khán giả càng hiểu Lộc sâu sắc hơn. Nhà báo KIM HẠNH

“Tất cả chúng tôi ai cũng thích nhạc kịch, thực ra cải lương cũng là một loại nhạc kịch nhưng chúng tôi thì lại thích nhạc kịch theo kiểu mới, kết hợp giữa cái này với cái kia. Những hội diễn của chúng tôi từ xưa đến nay mà quý vị từng được xem nó cũng mang màu sắc, vóc dáng của vở nhạc kịch” - NSƯT Thành Lộc bày tỏ.

Với tham vọng đó, NSƯT Thành Lộc cho rằng mình may mắn khi tìm thấy được ITS (Impact Theatre Saigon), một nhóm bạn trẻ chuyên biểu diễn nhạc kịch.

Nhân tố mới với phong cách nhạc kịch Broadway

Theo NSƯT Thành Lộc, nhạc kịch Broadway là một mảng mà ở Hà Nội và TP.HCM dù hoạt động nghệ thuật khá mạnh nhưng công chúng không phải ai cũng được biết đến thể loại này. Sân khấu Thiên Đăng sẽ là nơi để các thành viên của ITS đến gần hơn với khán giả. Nhóm sẽ có những đêm diễn riêng được dàn dựng công phu.

 NSƯT Thành Lộc giới thiệu nhóm ITS và dàn nghệ sĩ của Thiên Đăng. Ảnh: VĂN HÀ

NSƯT Thành Lộc giới thiệu nhóm ITS và dàn nghệ sĩ của Thiên Đăng. Ảnh: VĂN HÀ

“ITS đã có khán giả của riêng mình. Họ cũng đã tổ chức bán vé từ rất lâu và bao giờ cũng rất nhiều người đến xem, trong đó có cả du khách nước ngoài. Điều đó làm tôi đau đáu rằng tại sao khách du lịch còn biết đến ITS mà khán giả Việt Nam không biết, cho nên Thiên Đăng muốn hợp tác với các bạn để có thể giới thiệu các bạn đến với khán giả Việt Nam mình. Tài năng của Việt Nam nhưng khán giả Việt Nam không biết thì đó là điều tôi cảm thấy mình sai sai với trách nhiệm của những người đi trước như chúng tôi” - NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

Không chỉ là nhóm ITS, Sân khấu Thiên Đăng cũng là bến đậu của nhiều diễn viên trẻ được yêu mến như Đông Hải, Trương Hạ, Trang Tuyền, Công Dũng, Ngọc Xuyên, Lê Hoàng Giang…

Thế nhưng để có thể tung tẩy thể hiện mình thì có lẽ sẽ còn nhiều thách thức bởi bên cạnh tình yêu với nghệ thuật thì lợi nhuận vẫn là điều luôn được ưu tiên hàng đầu.

“Tôi muốn nói là không có một chủ trương gì cụ thể về việc sẽ đẩy mạnh tài năng trẻ tại vì mình làm nghệ thuật nó thiên biến vạn hóa lắm. Ví dụ như có những tác phẩm chỉ có những người trẻ mới gánh được nhưng cũng có những tác phẩm nghệ sĩ kỳ cựu mới đóng được. Cho nên không thể nói là kế hoạch sắp tới là tập trung cho diễn viên trẻ vì chúng tôi là một đơn vị tư nhân, cho nên vấn đề doanh thu, làm sao để có khán giả cũng rất quan trọng. Vì thế sự xuất hiện của những người giỏi nghề, những nghệ sĩ có tên tuổi là điều không thể không có” - NSƯT Thành Lộc nói.

Người có lợi nhiều nhất là công chúng

Bản thân nghệ sĩ chúng tôi cũng luôn tìm cách nâng cao kiến thức nghề nghiệp của mình và ngay cả công chúng cũng cần mở rộng sự hiểu biết về mặt bằng chung của hoạt động chuyên nghiệp, cho nên khi có Sân khấu Thiên Đăng tôi quyết định ngỏ lời với các bạn ITS hợp tác với Thiên Đăng.

Các bạn có thể diễn ở đâu cũng được nhưng mỗi tháng về đây diễn hợp tác với tôi và tôi sẽ là người dẫn chuyện với khán giả bởi vì khán giả yêu mến tôi hay kịch của tôi thì tôi cũng muốn cho họ biết Thành Lộc làm những vở liên quan đến nhạc kịch là cũng từ đam mê của thể loại này, tôi muốn họ nhìn thấy được bản gốc.

Người có lợi nhiều nhất vẫn là công chúng bởi họ có cơ hội được biết đến thể loại này và các bạn ITS cũng có cơ hội được trình diễn trước mọi người vì nghề diễn viên coi vậy chứ tuổi nghề, tuổi thọ rất ngắn mà họ đang ở tuổi thanh xuân nhất, thể hiện tốt tài năng của mình.

Tôi nghĩ đó cũng là một sứ mệnh, trách nhiệm của những người làm nghề lâu năm như tôi.

NSƯT THÀNH LỘC

VĂN HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/san-khau-thien-dang-hanh-trinh-dang-ne-cua-thanh-loc-post752828.html