Sân khấu thiếu nhi nỗ lực đổi mới, vẫn thiếu tác phẩm 'bom tấn' mùa hè

Từ việc mời đạo diễn nước ngoài dàn dựng vở diễn, lần đầu tiên xiếc kết hợp ảo thuật Nhật Bản, xã hội hóa tác phẩm sân khấu… là cách làm hay nhằm giữ chân khán giả nhí đến với sân khấu mùa hè này. Tuy nhiên, nở rộ hình thức 'mượn' kịch bản nước ngoài để 'bán vé' khiến màu sắc văn hóa Việt trên sân khấu truyền thống có phần mờ nhạt.

Vở diễn "Chú mèo dạy hải âu bay” tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ

Vở diễn "Chú mèo dạy hải âu bay” tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng. Ảnh: Nhà hát Tuổi trẻ

Trăm hoa đua nở

Sân khấu thiếu nhi Thủ đô năm nay chứng kiến màn đổ bộ ấn tượng của các vở diễn nghệ thuật. Ngay từ đầu hè, Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu chuỗi chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho thiếu nhi, với chủ đề “Hành trình kỳ diệu” gồm 3 vở diễn “Bộ quần áo mới của hoàng đế; “Rồng thần trở lại” và “Biệt đội siêu anh hùng”.

Đặc biệt, trong “Rồng thần trở lại” và “Biệt đội siêu anh hùng” là sự kết hợp bộ đôi Xuân Bắc - Tự Long trong vai trò đạo diễn - kịch bản.

Là đơn vị nghệ thuật được giao nhiệm vụ thực hiện các vở diễn cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng, mùa hè năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu một số vở diễn ấn tượng như: “Bữa tiệc của Elsa”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh, nhạc kịch “Bầy chim thiên nga”.

Hai vở diễn “Giải cứu bà nội” và “Zorba - chú mèo thám tử” đánh dấu sự kết hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát quốc tế. Cụ thể, vở nhạc kịch “Zorba - chú mèo thám tử” tác giả Lee Jieun, đạo diễn Lee Jongseok do Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhà hát SangsangMaru Hàn Quốc) triển khai dàn dựng và trình diễn.

Trong đó, vở kịch "Giải cứu bà nội" của tác giả Jerome Poncin do NSƯT Lê Ánh Tuyết và nghệ sĩ Đào Duy Anh làm đạo diễn. Vở diễn đánh dấu lần hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Bốn bàn tay (một nhà hát trình diễn nghệ thuật múa rối cho trẻ em hàng đầu tại Bỉ). Theo lãnh đạo Nhà hát Tuổi trẻ, việc hợp tác với các nhà hát quốc tế bắt kịp xu thế sân khấu thế giới.

Mới đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt sản phẩm nghệ thuật chào hè hấp dẫn, chương trình xiếc Việt kết hợp với ảo thuật Nhật Bản.

Lần đầu tiên, những chiến binh Ninja huyền thoại sẽ được hai nghệ sĩ ảo thuật nổi tiếng Nhật Bản trình diễn cùng các tiết mục xiếc mạo hiểm của các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Qua tác phẩm “Ninja Magic Show” mang đến cho khán giả một không gian nghệ thuật đậm văn hóa Nhật Bản.

Ghi nhận từ ngày công chiếu đầu tiên (18/5), chương trình “Ninja Magic Show” không chỉ là một tác phẩm biểu diễn xiếc đơn thuần, còn kể câu chuyện mang đậm văn hóa Nhật Bản, thổi làn gió khác biệt so với các tác phẩm xiếc thông thường.

Khán giả mãn nhãn với các tiết mục xiếc đặc sắc như: đạp ô, cầu bật Ninja, vòng xoay mạo hiểm, dây da đôi, đế kiếm trên đu, đánh vòng tập thể, ảo thuật ô Nhật, vòng xuyên lò xo, múa Ota Nhật Bản…

Dịp hè này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiếp tục giới thiệu chương trình “Giấc mơ tuổi thần tiên”. Đây là sản phẩm tái hiện các nhân vật bước ra từ truyện tranh, hoạt hình nổi tiếng được các nghệ sĩ xiếc tạo hình biểu diễn. Khán giả nhí đến xem sẽ bước vào một thế giới hội tụ các nhân vật được trẻ em yêu thích, kết hợp với màn biểu diễn kịch tính.

NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định, trước nay xiếc Việt Nam thường xây dựng màn biểu diễn truyền thống, nhưng bây giờ, chúng tôi chủ động tìm kiếm thị trường, nghiên cứu thị hiếu khán giả, phù hợp với xu hướng giới trẻ. Do vậy, không lạ khi gần đây, mỗi mùa xiếc, khán giả đều bất ngờ về sự xuất hiện của các chương trình xiếc mới, như xiếc kết hợp với rap, cải lương, ảo thuật…

Ngoài chú trọng xây dựng tác phẩm sân khấu chất lượng, phần tương tác cùng khán giả là yếu tố quan trọng giúp giữ chân khán giả đến các nhà hát. NSND Xuân Bắc cho biết, nhờ tinh thần giao lưu, tương tác của các nghệ sĩ, diễn viên, vở diễn “Bộ quần áo mới của hoàng đế” được lòng khán giả.

Tác phẩm kịch thiếu nhi "Rồng thần trở lại" sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN

Tác phẩm kịch thiếu nhi "Rồng thần trở lại" sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. Ảnh: NHKVN

Thiếu hụt kịch bản Việt cho sân khấu thiếu nhi

Nhìn vào danh sách các vở diễn nghệ thuật phục vụ khán giả nhí, cho thấy sự đa dạng, phong phú về nội dung, kịch bản. Tuy nhiên, kịch bản Việt chiếm số lượng ít ỏi so với số lượng tác phẩm có kịch bản từ yếu tố nước ngoài.

Từ “Rồng thần trở lại” hay “Biệt đội siêu anh hùng” đánh dấu địa hạt mới của NSND Tự Long vai trò viết kịch bản, song phiên bản kịch cũng lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh “Bảy viên ngọc rồng” và vũ trụ Marvel nổi tiếng.

Các vở diễn cho thiếu nhi được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng như: “Bữa tiệc của Elsa”, “Chú mèo dạy hải âu bay”, nhạc kịch “Đứa con của yêu tinh, nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” cũng không nằm ngoài xu thế đó. Trong đó, “Tấm Cám" (Bống bống bang bang) của Liên đoàn Xiếc Việt Nam là số ít tác phẩm xây dựng kịch bản gốc Việt đang công chiếu phục vụ khán giả.

Sức hút từ các tác phẩm quốc tế để “bán vé” là không thể bàn cãi, thế nhưng nếu các nhà hát cứ chạy đua doanh thu, ít tập trung đến việc xây dựng kịch bản mang bản sắc văn hóa Việt thì sân khấu thiếu nhi sắp tới là sự lên ngôi các kịch bản Việt hóa. Khán giả muốn xem tác phẩm sân khấu, kịch bản Việt dành cho thiếu nhi có lẽ chỉ trông chờ vào mỗi kỳ liên hoan, hội thi mà thôi.

Lý giải hiện tượng thiếu vắng tác phẩm thiếu nhi chất lượng cao, NSND Xuân Bắc cho biết, hầu hết các vở kịch được chuyển thể từ cổ tích, truyện cổ Andersen, truyện ngụ ngôn phương Tây. Trong đó, đội ngũ kịch bản chưa hùng hậu, chất lượng, trong khi đòi hỏi của khán giả ngày càng cao. Nhiều năm nay, đơn vị Nhà hát Kịch Việt Nam đã mua bản quyền hình ảnh để được sử dụng các tạo hình nhân vật như ninja, rồng thần, người nhện….

Nhìn nhận thực tế, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cho rằng, việc đổi mới, đầu tư nhằm phục vụ khán giả nhí không chỉ nằm ở khâu kịch bản, còn sự đổi mới kỹ thuật, công nghệ biểu diễn. Bài toán về việc nâng cao chất lượng tác phẩm thiếu nhi trên sân khấu vẫn còn nhiều thách thức.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/san-khau-thieu-nhi-no-luc-doi-moi-van-thieu-tac-pham-bom-tan-mua-he-381416.html