Sân khấu thiếu nhi cần khơi dậy tiềm thức Việt

Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Toàn quốc dành cho Thiếu nhi lần thứ nhất vừa kết thúc, để lại nhiều suy ngẫm trước thực trạng sân khấu cho thiếu nhi vẫn còn nhiều hạn chế. Làm sao để sân khấu hấp dẫn hơn, trở thành một món ăn tinh thần của con trẻ là một bài toán khó nếu không có sự đầu tư và nỗ lực từ nhiều phía. Nhưng trước hết và cần nhiều hơn đó là những tác phẩm sân khấu mang tâm hồn Việt.

Ít và chất lượng chưa đồng đều

Bế mạc Liên hoan nghệ thuật Sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất - năm 2024 đã bế mạc tại TP. Hải Phòng. 4 vở diễn được trao Huy chương vàng gồm: “Chú mèo dạy hải âu bay” - Nhà hát Tuổi trẻ; “Rồng thần trở lại” - Nhà hát Kịch Việt Nam; “Dế mèn phiêu lưu ký” - Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng; “Nắm xôi kỳ diệu hay Chuyện thằng Bờm” - Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong 4 vở này, có 2 vở là rối và chèo - những loại hình sân khấu truyền thống vốn kén khán giả nhí hơn kịch nói. Đây là 4 tác phẩm nổi trội, thu hút sự quan tâm của các khán giả nhí.

Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn vở “Nắm xôi kỳ diệu”, còn gọi là “Câu chuyện thằng Bờm” tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng năm 2024.

Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn vở “Nắm xôi kỳ diệu”, còn gọi là “Câu chuyện thằng Bờm” tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng năm 2024.

Tuy nhiên, qua liên hoan sân khấu lần này, cũng xảy ra một thực trạng mà NSƯT Lê Hải - Chủ tịch Hội VHNT Hải Phòng cho rằng: “Một số nhà hát hay đoàn nghệ thuật chưa hiểu sân khấu dành cho thiếu nhi, nhi đồng là thế nào, vì thế có những tác phẩm không phù hợp hoặc chỉ gây cười nhạt nhẽo. Các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi ít và chất lượng chưa đồng đều. Sân khấu vốn là một loại hình mang đủ yếu tố có thể thu hút và khiến khán giả nhỏ tuổi yêu thích. Tuy vậy, có một điều dễ nhận thấy rằng, ngoài loại hình múa rối nước mang nội dung và hình thức đậm bản sắc dân tộc và được nhiều người biết đến đông đảo, thì những loại hình nghệ thuật sân khấu khác chưa được biết đến nhiều, đặc biệt là sân khấu kịch nói với chủ đề mang màu sắc văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, các sân khấu kịch nói đều gặp vấn đề nan giải là khan hiếm kịch bản hay. Các tác phẩm sân khấu được dàn dựng thường lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật hoặc cốt truyện nước ngoài. Theo NSND Trung Hiếu, “Cũng dễ lý giải điều này, bởi ngày nay, trẻ em được tiếp xúc sớm với các kênh giải trí và truyền thông thông qua nhiều đồ điện tử tiện dụng. Trẻ em lên mạng, xem các kênh phim, kênh giải trí của nước ngoài nhiều. Và thế hệ nhỏ tuổi, các con bị thu hút và yêu thích những sản phẩm giải trí của nước ngoài nhiều hơn.

Chính vì nắm bắt tâm lý và thị hiếu của khán giả nhí, các đơn vị nghệ thuật có sự lựa chọn về nội dung và cảm hứng các tác phẩm nghệ thuật cho thiếu nhi là những nội dung liên quan đến văn học, giải trí, nội dung và hình tượng nhân vật nước ngoài nhiều. Nhiều các bạn thiếu nhi yêu thích các nhân vật nước ngoài, biết những câu chuyện cổ tích nước ngoài, hơn là những câu chuyện và vở diễn có nội dung về văn hóa Việt Nam. Đó là điều đáng suy nghĩ và cần tìm phương án giải quyết”.

Vở “Dế mèn phiêu lưu ký” của Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng được trao Huy chương Vàng.

Vở “Dế mèn phiêu lưu ký” của Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng được trao Huy chương Vàng.

Nhưng nếu chỉ như vậy, sân khấu mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của khán giả và thỏa mãn niềm vui giải trí. Sân khấu, xét ở một góc nào đó, phải là những tác phẩm mang tính định hướng, giáo dục cho con trẻ bằng những câu chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn.

Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội: Tính trong khoảng 10 nhà viết kịch thì chỉ có một đến hai nhà viết kịch là viết về đề tài thiếu nhi.

Ai cũng hiểu, sân khấu cho thiếu nhi là một địa hạt đặc biệt, không dễ tiếp cận. Chúng ta phần lớn đưa cách nhìn của người lớn áp đặt cho trẻ vì thế tác phẩm sẽ trở nên gượng gạo. “Người cầm bút viết về đề tài thiếu nhi phải thực sự hòa mình cùng đời sống của trẻ thì khi đó tác phẩm văn học hay sân khấu mới được sự đón nhận từ trẻ thơ. Ở mỗi loại hình sân khấu với đề tài thiếu nhỉ sẽ có những lợi thế khác nhau và tất nhiên sẽ có mầu sắc khác nhau. Kịch nói sẽ đưa các con đến với thế giới chân thực nhất, sống động, tươi mới. Tuồng chèo cải lương sẽ đưa các con vào thế giới của những câu chuyện cổ tích lung linh huyền ảo với những cô tiên và điều ước diệu”…

Cần những tác phẩm mang tâm hồn Việt

Sân khấu là một kênh tiếp cận trẻ nhỏ rất sâu sắc, vì thế, chúng ta không nên quá chú trọng chạy theo thị hiếu hay các trào lưu mà con trẻ thích để “dụ” trẻ đến rạp mà nên có những tác phẩm mang tính định hướng giáo dục.

Vở “Rồng thần trở lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao Huy chương Vàng vở diễn.

Vở “Rồng thần trở lại” của Nhà hát Kịch Việt Nam được trao Huy chương Vàng vở diễn.

Theo NSND Trung Hiếu, sân khấu thiếu nhi cần các tác phẩm nghệ thuật mang tính truyền thống, có nội dung và màu sắc văn hóa Việt Nam. Đó cũng là một “cuốn sách”, một cây cầu kết nối giúp các thế hệ nhỏ tuổi của Việt Nam hiểu hơn về đất nước mình.

“Từ những chương trình nghệ thuật mang màu sắc và nội dung của văn hóa truyền thống, các con sẽ thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa của đất nước ta. Tuy vậy, các tác phẩm sân khấu hiện nay chú trọng nhiều đến tính giải trí và phổ cập đối với thiếu nhi hơn những yếu tố văn hóa, giáo dục. Những bài học lồng ghép trong tác phẩm còn gượng ép và chưa thiết thực. Dẫn đến việc tới nhà hát thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật sân khấu của các bạn thiếu nhi hiện nay chưa phát huy được hết tác dụng và vai trò quan trọng trong việc giáo dục và định hướng nhân cách, tình yêu nước và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc”.

Tất nhiên, đưa văn hóa truyền thống vào các tác phẩm sân khấu là một bài toán không đơn giản. Làm thế nào để không khô cứng và hấp dẫn trẻ? Chuyện cổ tích, các tác phẩm văn học là một nguồn tư liệu và cảm hứng cho kịch thiếu nhi. Nhưng đó phải là những tác phẩm được tiếp cận một cách nhẹ nhàng, vui tươi và dễ dàng hơn qua hình thức nghệ thuật biểu diễn. Dựa trên nền tảng của truyền thống, nhưng cần tiếp cận khán giả nhỏ tuổi bằng phương thức hiện đại, dễ đón nhận.

NSND Trung Hiếu cho rằng: “Với nội dung văn hóa truyền thống Việt Nam, chúng ta có thể lựa chọn nhiều hình thức để thể hiện giúp cho khán giả hiện đại, đặc biệt là khán giả nhí có thể dễ dàng đón nhận và yêu thích. Từ thiết kế mỹ thuật, tạo hình nhân vật, âm thanh, âm nhạc phối khí mang tính đương đại… cũng sẽ khiến cho các tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi thêm phần sinh động và gần gũi hơn với hơi thở của cuộc sống hiện đại. Từ đó, các khán giả nhỏ tuổi sẽ được thu hút và hào hứng hơn trong quá trình thưởng thức nghệ thuật”.

Hiện nay, ở Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này khi họ luôn học hỏi không ngừng cập nhật những yếu tố mới, văn minh hiện đại trên thế giới ứng dụng hài hòa giao thoa vào các vở diễn giành cho thiếu nhi tăng tính hấp dẫn, tập trung coi khán giả là trung tâm.

Vở “Chú mèo dạy hải âu bay” của Nhà hát Tuổi trẻ được trao Huy chương Vàng.

Vở “Chú mèo dạy hải âu bay” của Nhà hát Tuổi trẻ được trao Huy chương Vàng.

Ngoài ra, Nhà hát Tuổi trẻ xây dựng mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” dành riêng cho thanh thiếu niên, nhi đồng thông qua hoạt động này giúp các em được giao lưu trao đổi trực tiếp với các nhà chuyên môn, nghệ sĩ yêu thích, đồng thời giúp học sinh vận dụng các kiến thức văn học vào thực tế, đưa văn học tới gần hơn với đời sống, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục sáng tạo, phát triển năng lực tư duy, hướng tới cụ thể hóa cách giảng dạy và học tập một cách có hiệu quả. Đan xen trong buổi thưởng thức nghệ thuật là chương trình talk show thú vị trao đổi với các chuyên gia khách mời (giáo sư, tiến sĩ, nhà chuyên môn, KOLs, KOC…) về phương pháp phân tích nhân vật, nội dung vở diễn liên hệ thực tiễn với các bài giảng trên học đường của nhà trường.

Theo ông Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: “Sự cộng hưởng giữa diễn xuất của diễn viên và cảm xúc của các em trong vai trò vừa là khán giả, vừa là đối tượng tương tác với nghệ sĩ diễn xuất cùng các yếu tố hỗ trợ khác của sân khấu sẽ hình thành một không khí "Sân khấu học đường - Sân khấu hóa các tác phẩm văn học" tiêu biểu, một món ăn tinh thần mới cho các em nhằm thu hút thêm các khán giả trẻ khác đến với nhà hát”.

Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đang đẩy mạnh sân khấu học đường. “Hy vọng rằng, những tác phẩm văn học, những hình tượng nhân vật lịch sử của đất nước ta sẽ không chỉ là tồn tại trong sách giáo khoa, mà có thể được “mắt thấy, tai nghe”, được tái hiện sinh động trong các vở diễn trên sân khấu. Bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, chính vì thế, hiệu quả mà sân khấu biểu diễn đem lại cho các bạn học sinh sẽ là một trải nghiệm rất khác biệt, rất ấn tượng”, NSND Trung Hiếu nói.

Sân khấu cho thiếu nhi chính là sự bắt đầu cho lớp khán giả tương lai. Vì thế, chúng ta cần tập trung và nỗ lực không ngừng xây dựng, bảo tồn, duy trì và phát triển sân khấu truyền thống với hệ thống các tác phẩm mang đậm bản chất và văn hóa dân tộc. Và những thế hệ khán giả nhí ngày hôm nay cần phải được chăm chút, đầu tư để trở thành những con người biết thưởng thức, yêu thích cái đẹp và đam mê nghệ thuật. Đó cũng là gốc rễ nền tảng của những công dân có văn hóa, có tri thức trong tương lai.

Việt Linh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/san-khau-thieu-nhi-can-khoi-day-tiem-thuc-viet-i733143/